Hội nhập: Ngân hàng Việt Nam đủ năng lực để cạnh tranh

(Dân trí) - Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập của đất nước, ngành ngân hàng đã thể hiện sự chủ động, sẵn sàng và có những giải pháp đồng bộ để hội nhập một cách bền vững. Trên thực tế, ngành ngân hàng còn là lĩnh vực “đi trước, đón đầu” cơ hội mà hội nhập mang lại.

Chủ động và sẵn sàng hội nhập

Theo TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia Tài chính - Ngân hàng: “Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung có sự chủ động hội nhập từ khá sớm”.

Điều đó được thể hiện trong những năm qua, ngành ngân hàng đã không ngừng nỗ lực củng cố quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, tìm kiếm, mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng nhằm tăng cường huy động hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam. Sự thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua có vai trò và sự đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng. Tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn tất đàm phán 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do đa phương với các đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý và điều hành của NHNN đã và đang được đổi mới theo hướng minh bạch và hiệu quả, tiệm cận dần thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.

Một thành tựu khác của ngành ngân hàng, đó là hạ tầng tài chính không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nối trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) hiện đã kết nối với các tổ chức tín dụng trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng yêu cầu thanh, quyết toán tức thời, xử lý giao dịch chính xác, an toàn và bảo mật và nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế. Ngoài ra, NHNN đã cùng ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN vạch ra lộ trình và giải pháp để triển khai kết nối các hệ thống thanh toán bán lẻ trong khu vực.


Hội nhập tài chính AEC sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần và tiếp cận với công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại.

Hội nhập tài chính AEC sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần và tiếp cận với công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại.

Trên cơ sở tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ tiên tiến của quốc tế, ngành ngân hàng đã không ngừng nâng cao cả về số lượng, chất lượng dịch vụ và tiện ích ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, đồng thời ngày càng xuất hiện thêm nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại bắt kịp trình độ tiên tiến trên thế giới.

Một sự chuyển biến rất quan trọng của hệ thống ngân hàng, đó là quản trị ngân hàng thương mại, nhất là quản trị rủi ro đã có những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Khuôn khổ pháp lý về các chuẩn mực an toàn, lành mạnh, minh bạch của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được cải thiện đáng kể, tiến gần hơn các thông lệ, chuẩn mực ngân hàng quốc tế. Các NHTM Việt Nam đang từng bước triển khai áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II theo đúng lộ trình quy định.

Ngoài ra, ngành ngân hàng Việt Nam cũng có sự chuẩn bị khá tích cực về nhân lực - một trong những vấn đề then chốt cho thành công trong hội nhập. Hiện nay, trong đội ngũ quản trị các NHTM có 16 ngân hàng có thành viên hội đồng quản trị hoặc ban điều hành là người nước ngoài, 12 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài.

Theo các chuyên gia, sự chủ động và sẵn sàng hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho chính ngành ngân hàng mà doanh nghiệp và người dân cũng được hưởng lợi khá nhiều.

Ngân hàng Việt Nam đủ năng lực để cạnh tranh

Hiện có khoảng 45 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, chiếm khoảng 10 – 11% thị phần. Với yêu cầu “mở cửa” thị trường tài chính ngày càng cao từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, có những ý kiến quan ngại hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt và có thể bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Tài chính - Ngân hàng: “Hiện nay, các định chế tài chính trong nước đã chủ động sẵn sàng hội nhập và đủ sức cạnh tranh với các định chế tài chính nước ngoài”. Đánh giá của ông Lực là hoàn toàn có cơ sở bởi với sự phát triển đồng bộ về năng lực tài chính, quản trị điều hành, trình độ công nghệ, sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm dịch vụ... cho thấy các NHTM trong nước không hề thụ động. Không chỉ vậy, nhiều NHTM còn tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, SHB... mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar, CHLB Đức… cũng phần nào thể hiện được sự phát triển mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược trong tiến trình hội nhập của các ngân hàng trên.

Sự phát triển toàn diện của các NHTM Việt Nam cũng được quốc tế ghi nhận. Đến nay, đã có 11 ngân hàng thương mại của Việt Nam lọt vào danh sách 1000 ngân hàng thế giới năm 2014 do Tạp chí Banker công bố; một số ngân hàng cũng đã được tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s đánh giá là có chỉ số sức mạnh tài chính cao nhất, một số được đánh giá ở mức có triển vọng ổn định và một số được đánh giá triển vọng tích cực. Đồng thời, về chỉ số tiếp cận tín dụng, Việt Nam được đánh giá xếp thứ hạng trong top 30 trên thế giới (đây là chỉ số rất cao so với các lĩnh vực khác).

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, lộ trình thực hiện các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết đang ngày một rút ngắn lại, đặc biệt là Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội mở ra nhiều nhưng thách thức đặt ra đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng cũng rất lớn. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ và chủ động, ngành ngân hàng đã và đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, mang lại niềm tin là hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực cạnh tranh với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Lam Sơn

Hội nhập: Ngân hàng Việt Nam đủ năng lực để cạnh tranh - 2