Hội nhập ngân hàng: Cú huých phải từ đâu?
Theo lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng và hội nhập quốc tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải từng bước tiếp cận thị trường dịch vụ ngân hàng đối với cả bên cung cấp lẫn bên sử dụng dịch vụ ngân hàng (trong nước và ngoài nước).
Theo đó, các chủ thể không phân biệt trong hay ngoài nước có nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam đều được phép gia nhập thị trường này.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài thông qua các hình thức hiện diện thương mại và cung cấp qua biên giới. Về cơ bản, đến 2010, Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng.
Cánh cửa hội nhập đã mở
Trong giai đoạn đến 2010, Việt Nam tiếp tục thực thi các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt- Mỹ, bắt đầu thực hiện Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) của WTO theo hướng thực hiện các hiệp định song phương đã ký với các nước thành viên WTO.
Điều này đồng nghĩa: Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa dịch vụ ngân hàng và hình thức pháp lý trong hệ thống ngân hàng cho các tổ chức tín dụng Mỹ và đến 2010, các ngân hàng Mỹ cũng được đối xử bình đẳng như tất cả các ngân hàng thương mại trong nước.
Cũng trong giai đoạn này, đối với các thành viên WTO khác (trừ Mỹ) và ASEAN, lộ trình mở cửa dịch vụ tài chính ngân hàng cũng thực hiện như giai đoạn 2001 - 2005.
Khẳng định điều này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phùng Khắc Kế nói: "Như vậy, hệ thống ngân hàng phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tiến tới xóa bỏ hàng rào ngăn cách tài chính giữa Việt Nam và Mỹ thông qua những bước đi cụ thể: không hạn chế số lượng nhà cung cấp, tổng giá trị các giao dịch và tổng các hoạt động tác nghiệp hay tổng số lượng dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, cũng không được hạn chế tổng số người được tuyển dụng của các tổ chức tài chính nước ngoài và không hạn chế việc tham gia góp vốn của bên nước ngoài dưới hình thức tỷ lệ phần trăm tối đa cổ phiếu phía nước ngoài nắm giữ.
Bắt đầu từ 2011 đến 2020, Việt Nam phải thực hiện những cam kết còn lại trong khuôn khổ của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cũng như các yêu cầu còn lại của GATS và AFAS về mở cửa dịch vụ tài chính ngân hàng".
Một số chuyên gia cho rằng, khi hội nhập, các khách hàng của hệ thống ngân hàng cũng như bản thân các ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhiều cơ hội nhưng thực tế, không ít khó khăn đang chờ đợi ở phía trước.
Một là, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn yếu, đặc biệt là vốn, nhân lực, công nghệ, quản lý và điều hành, dịch vụ ngân hàng và thị trường.
Đánh giá về tiềm lực vốn và năng lực tài chính, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam (theo tiêu chuẩn kế toán và phân loại nợ quốc tế) còn lớn. Các ngân hàng thương mại cổ phần hầu hết có quy mô tài chính và hoạt động nhỏ. Có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm thị phần tín dụng đến 80% nhưng tổng vốn tự có cũng chỉ trên 1 tỷ USD, chưa đạt hệ số an toàn vốn tối thiểu (8%), khả năng tăng vốn và xử lý nợ xấu yếu".
Hai là, sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng thương mại còn nghèo nàn, đơn điệu, rườm rà thủ tục, chất lượng dịch vụ thấp.
Trên thực tế, các dịch vụ phi tín dụng của ta còn yếu; môi trường kinh doanh tín dụng còn nhiều rủi ro, rủi ro tín dụng và thanh khoản của các tổ chức tín dụng lớn. Một loạt các dịch vụ ngân hàng hiện đại như ngân hàng điện tử, môi giới kinh doanh, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn...mới chỉ bắt đầu hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Ba là, yếu tố công nghệ ngân hàng rất lạc hậu, chưa thiết lập được hệ thống quản lý rủi ro hữu hiệu, hệ thống thanh toán nội bộ yếu, hệ thống kiểm tra, kiểm toán chưa có hiệu quả, chưa thiết lập được hệ thống quản lý tập trung và hệ thống kế toán- quản lý tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Điều đáng lo là, hệ thống kế toán còn thiếu minh bạch và không xác định được chính xác tình trạng chất lượng tín dụng cũng như hiệu quả kinh doanh.
Như vậy, mối lo về khả năng các ngân hàng nước ngoài sẽ nắm quyền kiểm soát các tổ chức tín dụng bằng cách "hè" nhau mua cổ phần, hùn vốn đầu tư hay liên kết kinh doanh cũng như các tổ chức tín dụng của Việt Nam sẽ bị phá sản do cạnh tranh yếu hoặc không kiểm soát được toàn bộ rủi ro là một thách thức lớn.
Bốn là, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cú sốc kinh tế, tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Cú huých phải từ đâu?
Nhằm đạt được mục tiêu chiến lược: xây dựng một hệ thống tiền tệ - ngân hàng hiện đại, an toàn và hiệu quả trong cộng đồng tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một loạt chương trình như: Chương trình kế hoạch hành động hội nhập kinh tế quốc tế ngành ngân hàng, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2020.
Theo đó, sẽ đặc biệt chú trọng một số nội dung mang tính cơ bản sau.
Thứ nhất, về phía quản lý Nhà nước ngành ngân hàng, phải nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ và giám sát hoạt động thông qua nguyên tắc thị trường nhưng phải đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng. Từng bước thực hiện điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở điều tiết lãi suất, đặc biệt là lãi suất chủ đạo; cải tổ cơ chế điều hành lãi suất và tỷ giá hối đoái phù hợp với xu hướng tự do hóa tài chính.
Đồng thời, tăng cường năng lực thanh tra, giám sát theo chuẩn mực quốc tế trên mọi phương diện vĩ mô và vi mô, kiểm soát tốt các rủi ro đã đang và sẽ xẩy ra đối với hệ thống ngân hàng thương mại, nhằm đem lại sự an toàn cho các ngân hàng trong tỷ lệ an toàn vốn, phân loại tài sản có, hệ thống phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.
Thứ hai, về phía các ngân hàng thương mại, phải nâng cao năng lực tài chính và hoạt động của mình. Đây được coi là yếu tố then chốt để các ngân hàng thương mại đứng vững trước những thách thức của hội nhập.
Bởi lẽ, những lợi thế "truyền thống" xưa nay như ưu thế cạnh tranh về quy mô, khách hàng và kênh phân phối sẽ ngày càng mất dần do buộc phải xóa bỏ sự phân biệt đối xử và những hạn chế một cách căn bản từ sau 2010 giữa các tổ chức tín dụng trong - ngoài nước. Vì vậy "miếng bánh" thị phần bị thu hẹp do quy mô hoạt động, khả năng tiếp cận thị trường, nhóm khách hàng, chủng loại dịch vụ của đối thủ tăng lên.
Đó là chưa nói đến, chính sách bất cập trước đây trong phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức tín dụng, nhóm ngân hàng, ngân hàng trong và ngoài nước cũng như các can thiệp mang tính hành chính trong hoạt động tín dụng đã gây nên tình trạng cạnh tranh không bình đẳng và lành mạnh buộc phải chấm dứt từng bước khi bước vào hội nhập.
Theo ông Phùng Khắc Kế, để đạt được mục tiêu này, các tổ chức tín dụng phải "tiếp tục cơ cấu lại toàn diện hệ thống ngân hàng nhằm lành mạnh hóa tài chính, mở rộng quy mô, an toàn hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó phải chú ý tới các yếu tố bộ máy, năng lực tài chính, nhân lực, sản phẩm mới, hiện đại hóa công nghệ...trong hoạt động của tổ chức tín dụng".
Theo VnEconomy