1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hội nhập bắt đầu từ… thấu hiểu

Vừa từ Dubai trở về, sau chương trình Gulfood Dubai 2016, doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Chủ tịch học viện doanh nhân LP Việt Nam đã dành cho DĐDN cuộc trao đổi về những vấn đề nâng cao năng lực hội nhập của hàng hóa VN trên thị trường thế giới đặc biệt là cơ hội để “tiến công” một trong những “cửa ngõ” marketing lớn của thế giới, điểm giao thoa của ba châu lục: Á, Âu và Châu Phi.


Tại Hội thảo “Kinh nghiệm đưa thương hiệu – nông sản thực phẩm Việt Nam Hội nhập”, nhiều DN Việt nhận định, chúng ta chưa có chiến lược maketing đủ mạnh. Ảnh: Đại sứ Việt Nam tại UAE Phạm Bình Đàm trao đổi tại Hội thảo

Tại Hội thảo “Kinh nghiệm đưa thương hiệu – nông sản thực phẩm Việt Nam Hội nhập”, nhiều DN Việt nhận định, chúng ta chưa có chiến lược maketing đủ mạnh. Ảnh: Đại sứ Việt Nam tại UAE Phạm Bình Đàm trao đổi tại Hội thảo

Chỉ với 24 doanh nghiệp tham gia nhưng gian hàng Việt Nam tại GulFood Dubai 2016 là một trong những gian hàng quốc gia có sức hút lớn nhất, với hàng nghìn lượt khách thăm trong 5 ngày diễn ra Hội chợ. Xin ông cho biết kết quả thu được về mọi mặt của các DN sau khi kết thúc Hội chợ?

Gulfood Dubai diễn ra vào tháng 2 hàng năm là hội chợ lớn nhất thế giới về nông sản – thực phẩm và đồ uống, với 120 gian hàng quốc gia, gần 5.000 công ty trưng bày, đón trên 80.000 khách thương mại đến từ 170 quốc gia. Đây là năm thứ 3 chúng tôi tổ chức gian hàng Việt Nam tại hội chợ Gulfood Dubai, và theo thời gian với sự nỗ lực của các doanh nghiệp tham gia, kết quả cũng ngày càng lớn dần, cả về số lượng doanh nghiệp, về chất lượng hàng hóa, và đặc biệt là số đơn hàng triệu đô doanh nghiệp Việt Nam có được ngay tại hội chợ ngày càng nhiều.

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia liên tục hai, ba kỳ hội chợ khẳng định sẽ tiếp tục trung thành với chương trình xúc tiến thương mại tại Dubai do Học viện Doanh nhân LP Việt Nam tổ chức.

Đây là năm thứ 3 LP tổ chức gian hàng Việt Nam tại hội chợ Gulfood Dubai và được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thế giới
Đây là năm thứ 3 LP tổ chức gian hàng Việt Nam tại hội chợ Gulfood Dubai và được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thế giới

Bên cạnh kết quả về giao dịch thương mại thì các doanh nghiệp VN có khai thác được cơ hội gì khác lớn hơn từ hội chợ chuyên ngành được đánh giá quy mô lớn nhất thế giới này không, thưa ông?

Kết quả lớn nhất sau hành trình 3 năm đưa thương hiệu nông sản – thực phẩm Việt tham gia cuộc chơi hội nhập toàn cầu tại Dubai là chúng ta có thể tự tin khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể “đóng gói” và làm thương hiệu cho nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta để xuất khẩu ra thế giới, thay cho hiện trạng “đóng bao” xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế không có thương hiệu như lâu nay vẫn làm.

Đó cũng là lý do mà tại kỳ hội chợ Gulfood Dubai lần này, chúng tôi đã mời một đoàn lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu kinh tế và cơ quan truyền thông sang Dubai để cùng chứng kiến cơ hội to lớn của thương hiệu nông sản – thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Và trong khuôn khổ chương trình khảo sát này, chúng tôi đã tổ chức hội thảo “kinh nghiệm đưa thương hiệu – nông sản thực phẩm Việt Nam Hội nhập” tại Khách sạn Cánh Buồm – biểu tượng phồn thịnh của Tiểu Vương quốc Dubai, hội thảo đã được các đại biểu và doanh nhân tham gia đánh giá cao.

Xin ông giới thiệu thêm về hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam do LP VN tổ chức tại Dubai?

Có vị trí thuận lợi là điểm giao thoa của ba châu lục: Á, Âu và Châu Phi, và một nền kinh tế mở với những chính sách tạo thuận lợi tối đa trong thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, Dubai được xem là cửa ngõ maketing lớn của thế giới. Tại Dubai hàng năm có trên 40 hội chợ quốc tế chuyên ngành, nhiều Hội chợ thường niên tại Dubai đứng trong top những hội chợ thương mại lớn nhất thế giới.

Chương trình XTTM theo mô hình “Đàn chim bay” cho các doanh nghiệp Việt Nam do LPVN tổ chức từ năm 2012 đến nay bao gồm đưa các doanh nhân Việt sang Dubai khảo sát thị trường và tìm hiểu cơ hội xuất khẩu sản phẩm tại các hội chợ chuyên ngành, tiếp theo chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực và nhu cầu đem hàng hóa – dịch vụ tham gia hội chợ, và thông qua hội chợ, các cơ hội sẽ mở ra cho doanh nghiệp, cho hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt.

Đã đến lúc chúng ta bắt buộc phải thay đổi, chế biến sâu, đóng gói, làn thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao vị thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Như đánh giá của giới chuyên môn, điểm yếu cơ bản nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các hoạt động hội nhập tương tự là khâu marketing, quan điểm của ông có như vậy? Tại sao?

Marketing nói rõ hơn là thấu hiểu nhu cầu (trong tương lai) của khách hàng mục tiêu và tạo ra các hàng hóa – dịch vụ để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đó. Đây là yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện tốt để có thể mở được cánh cửa hội nhập cho hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt, nhưng đang là điểm yếu cơ bản nhất của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam.

Nói một cách đơn giản, chúng ta mong muốn đem hàng hóa – dịch vụ thương hiệu Việt hội nhập nhưng hầu như chưa có nghiên cứu sâu về thị trường hội nhập, vì nghiên cứu rất khó, rất kỳ công và tốn nhiều chi phí, đòi hỏi người kinh doanh phải rất đam mê và có khát vọng cháy bỏng đem thương hiệu do mình tạo ra đi chinh phục thị trường quốc tế. Ngay cả khi chúng ta nghiên cứu thì các đối thủ xa và gần của chúng ta cũng nghiên cứu và họ thường làm tốt hơn chúng ta, do đó hàng hóa – dịch vụ của họ rất dễ dàng hội nhập (Ví dụ sản phẩm nông sản – thực phẩm và dịch vụ ẩm thực của Thái Lan), còn hàng hóa – dịch vụ thương hiệu Việt, mặc dù có rất nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, nhưng hiện vẫn vắng bóng trên các kệ hàng quốc tế.

Hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay của nhà nước và các tổ chức có những điểm gì theo ông cần thay đổi để thực sự hiệu quả hơn ?

Sau 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một cường quốc về nông nghiệp, nhưng thành tích của chúng ta mới dừng lại ở việc xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, tức là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu dễ nhất và giá trị gia tăng thấp nhất. Đã đến lúc chúng ta bắt buộc phải thay đổi, chế biến sâu, đóng gói, làn thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao vị thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoạt động xúc tiến thương mại của chúng ta vì vậy cũng phải chuyển hướng, không hỗ trợ doanh nghiệp đi chào bán cái mình có nữa, mà phải tập trung hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu sâu thị trường mục tiêu để làm ra cái người tiêu dùng quốc tế cần. Bán cái mình có (nông sản thô, sơ chế) thì nhiều người có thể bán được, nhưng nghiên cứu để làm ra cái người tiêu dùng cần, và cao hơn nữa là cái người tiêu dùng muốn thì không phải ai cũng làm được.

Vì vậy XTTM theo kiểu phong trào, có những đoàn chỉ đi cho vui như hiện nay không có nhiều tác dụng. Với nguồn lực dành cho XTTM hạn hẹp, nhà nước chỉ nên tập trung hỗ trợ cho những doanh nghiệp, doanh nhân thực sự tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt đã chứng minh được khả năng lên được kệ hàng quốc tế. Việc đưa được hàng hóa thương hiệu Việt lên được kệ hàng quốc tế là một nỗ lực vượt bậc và sự sáng tạo vô cùng lớn, và hiện nay số doanh nhân, doanh nghiệp Việt có khả năng làm được việc này mới chỉ có thể đếm trên các đầu ngón tay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Linh (thực hiện)
Diễn đàn Doanh nghiệp

Hội nhập bắt đầu từ… thấu hiểu - 3