1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiêu điểm kinh tế tuần qua:

Hồi hộp dõi theo “biến căng” ở Asanzo

(Dân trí) - Trong khi sản phẩm chủ lực của Asanzo là tivi đang chờ kết luận về vấn đề dán tem nhãn “made in Vietnam” thì tuần qua, công luận lại “dậy sóng” về vụ việc Asanzo tính kiện Công ty Sa Huỳnh vì “xâm phạm thương hiệu” còn Sa Huỳnh thì đã bị khởi tố vì hành vi buôn lậu.

Asanzo tuyên bố: Xem xét kiện Công ty Sa Huỳnh vì "xâm phạm thương hiệu"!

Hồi hộp dõi theo “biến căng” ở Asanzo - 1

Công ty Sa Huỳnh bị khởi tố về hành vi buôn lậu khi nhập lô hàng lò nướng thủy tinh về Việt Nam. Điều đáng nói là trong các lò nướng thủy tinh đều có dòng chữ "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản.

Trao đổi với Dân Trí ngày 23/7, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) xác nhận, Công ty Sa Huỳnh đơn vị nhập khẩu lô hàng lò nướng thủy tinh có sử dụng thương hiệu Asanzo trước đây đã bị khởi tố về hành vi buôn lậu.

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, sự việc này xảy ra từ năm 2018: "Việc xảy ra đã lâu”. Riêng vấn đề về 14 công ty cung cấp linh kiện cho Asanzo thì do Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì nên ông Hùng không thể cung cấp thông tin gì thêm.

Trong ngày 24/7, sau khi có thông tin Công ty Sa Huỳnh đã bị khởi tố, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có thông báo liên quan đến việc khởi tố Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh mà báo chí đưa tin.

Công ty Asanzo cho rằng, doanh nghiệp này không có bất kỳ quan hệ thương mại hay sở hữu phần vốn góp nào trong Công ty Sa Huỳnh. Việc Công ty Sa Huỳnh sử dụng thương hiệu Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu là hành vi xâm phạm thương hiệu Asanzo.

Đồng thời, chủ sở hữu thương hiệu Asanzo cũng đang làm việc với luật sư xem xét khởi kiện Công ty Sa Huỳnh về hành vi sử dụng thương hiệu Asanzo.

“Về các công ty nhập khẩu hàng hóa và linh kiện đầu vào: liên quan đến 14 công ty khác được đề cập tại Báo Tuổi Trẻ, chúng tôi sẽ tìm hiểu lại thông tin và kiểm tra lại xem các công ty này có mối quan hệ thương mại, đối tác nào với chúng tôi hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các công ty này là những pháp nhân riêng biệt, không có quan hệ sở hữu với Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo”, thông báo nêu rõ.

Hải quan TPHCM nói gì về việc Công ty Sa Huỳnh nhập sản phẩm thương hiệu Asanzo?

Tháng 9/2018, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, khai báo nhập khẩu lô hàng là linh kiện của lò nướng thủy tinh gồm nắp đậy bằng nhựa, chậu thủy tinh lò nướng, thiết bị đếm thời gian lò nướng, hàng mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Trị giá hàng hóa trên 212 triệu đồng.

Phát hiện lô hàng có nghi vấn, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TPHCM) đã ra quyết định khám xét và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thực hiện việc khám phương tiện đồ vật.

Khám container hàng nhập khẩu của Công ty Sa Huỳnh, cơ quan hải quan phát hiện toàn bộ hàng hóa gồm 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ, hiệu Asanzo, được tháo rời, mới 100% nhưng không thể hiện xuất xứ.

Theo lãnh đạo Đội kiểm soát Hải quan, mặt hàng nhập khẩu nêu trên là dạng nguyên chiếc thuộc diện phải kiểm tra theo Quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, công ty này khai báo gian dối là “linh kiện nhập khẩu” nhằm tránh phải kiểm tra chất lượng.  

Bất ngờ với báo cáo của quản lý thị trường về loạt DN liên quan đến nhãn hiệu Asanzo

Hồi hộp dõi theo “biến căng” ở Asanzo - 2

Cho rằng báo Tuổi Trẻ xuyên tạc sai sự thật, gây thiệt hại nặng nề, công ty Asanzo mới đây đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường về việc rà soát các doanh nghiệp có liên quan đến hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo. ..

Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, qua xem xét 35 tổ chức, cá nhân khác có xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo do Cục Hải quan thành phố cung cấp và sau khi đã tra cứu thông tin, Cục quản lý thị trường thành phố nhận thấy Công ty TNHH KDDI Việt Nam tại TP. HCM không tra cứu được thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Có 3 doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở không thuộc địa bàn TP.HCM đó là Công ty TNHH Poylink vẫn đang hoạt động. Địa chỉ trụ sở ở Bình Dương. Đại diện pháp luật của công ty là Võ Thị Huyền Trân.

Công ty thứ hai là Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo, có địa chỉ trụ sở ở Long An. Đại diện pháp luật của công ty là Lê Hải Dương.

Thứ ba là Công ty TNHH Lotte Global Logistics Việt Nam ở Long An. Đại diện pháp luật của công ty là Jun Woo Young.

Ngoài ra, có 8 doanh nghiệp trong số 15 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có liên quan tới Asanzo đã giao cho Đội quản lý thị trường thẩm tra, xác minh với kết quả dưới đây. Còn lại 23 doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục được xác minh.

Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” đấu thầu Dự án cao tốc Bắc - Nam

Hồi hộp dõi theo “biến căng” ở Asanzo - 3

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được khởi công trong năm 2019

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Đến nay, 8/8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đã mở thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp dự tuyển, gồm: 15 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam; 31 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nước ngoài và 14 bộ của liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

Với 18 bộ hồ sơ nộp và sơ tuyển theo hình thức dự thầu độc lập và liên danh, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất trong danh sách. Số lượng nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc dự thầu xếp thứ 2, sau đó Pháp, Singapore và Philippines.  

Vốn Trung Quốc vào Việt Nam: Chuyên gia cũng phát “sợ” vì nghe đồn!

Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về mối quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trung Quốc.

“Ngay bản thân tôi cũng từng sợ đầu tư Trung Quốc vì nghe đồn nhiều quá”, ông Tuyển nói khi đề cập đến thực tế có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua.

Theo ông Tuyển, bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc .

“Tuy nhiên quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta. Trung Quốc thực tế là một nước rất giỏi về xây dựng hạ tầng, nhưng tại sao dự án Cát Linh – Hà Đông lại như thế? Lỗi tại nhà thầu nhưng cũng có lỗi của chúng ta”, ông Tuyển nói.

Ông Tuyển cho rằng, tại bất kỳ án nào chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại đã giám sát chặt chẽ chưa, đầy đủ trách nhiệm chưa?

“Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên”, ông Tuyển nhấn mạnh.

4 vị Ủy viên Trung ương bàn giải cứu Nhiệt điện Thái Bình 2: Cái khó nhất là... tiền!

Hồi hộp dõi theo “biến căng” ở Asanzo - 4

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và đại diện các bộ, ngành liên quan đi kiểm tra tiến độ công trình

Sáng 23/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, ông Trần Sĩ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đại diện nhiều bộ ngành, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để bàn cách "giải cứu" dự án này. Buổi họp có tới...4 Ủy viên Trung ương Đảng chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch PVN cũng tỏ ý bức xúc: “Dự án hiện có vô vàn khó khăn. Trong quá trình làm, tổng thầu PVC có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bắt bớ cả người của tập đoàn và tổng thầu... Các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được nữa".

"PVC đến giờ thực sự là tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm? Bản chất hiện nay Tập đoàn trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… PVN đã lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng thừa nhận, cùng với thể chế, pháp lý, tư tưởng của anh em thì tài chính là 1 trong 4 vấn đề chính tại Nhiệt điện Thái Bình 2: “Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Không có tiền không thanh toán được lương, không trả được cho nhà cung cấp... Anh em hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi. 32.000 tỷ đồng nằm chềnh ềnh ra đây. Đau xót và lo lắng vô cùng".

"Các bộ ngành cứ chần chừ, không quyết sách cụ thể. Một ngày chậm, phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng với các khoản đã vay. Trong khi đó, có câu hỏi đặt ra: Dự án làm tiếp hay không làm tiếp thực sự đã khiến cả hệ thống hoang mang”, ông Trần Sỹ Thanh bức xúc nói.

Mai Chi (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm