Hoạt động tài chính Việt Nam khả quan nhất châu Á
(Dân trí) - Hé lộ những kết quả đầu tiên về báo cáo giám sát gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho biết về 7 “không”.
Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sau 7 tháng thực hiện có nhiều điểm rất đáng chú ý và đặc biệt kết quả giám sát đã cho thấy “mừng nhiều hơn lo”. Cụ thể về 7 “không” thu được khi thực hiện kích cầu hỗ trợ lãi suất đó là:
1. Không dẫn đến lạm phát. Lo ngại về kích cầu có thể gây ra lạm phát trong năm nay hoặc trong năm 2010 là không có cơ sở. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lạm phát trong năm nay và năm sau đều không cao.
Năm 2009 sẽ giới hạn trong khoảng từ 5 đến 5,7% và năm 2010 sẽ trong khoảng từ 7,8 đến 8,2%. Với sự phục hồi của kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới, giá cả vật tư năng lượng thế giới sẽ tăng nhưng tăng thấp và không có đột biến lớn, không thể trở lại mức cao như năm 2008. Cho đến năm 2010 vẫn không có nguy cơ lạm phát cao ở Việt Nam.
2. Không có bong bóng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng khoảng trên 30%, đó là mức độ tăng trưởng bình thường và thấp hơn nhiều so với năm 2007 (tăng trên 50%). Nếu so với Trung Quốc thì đến hết tháng 8/2009, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đã trên 97%. Việt Nam sẽ không có chuyện bong bóng tín dụng.
3. Không có bong bóng bất động sản. Năm 2008, cho vay kinh doanh bất động sản của Việt Nam là 138.000 tỷ. Năm 2009, tính đến tháng 6/2009, cho vay kinh doanh bất động sản là 148.000 tỷ, tăng 7,6% nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân. Chính vì thế, Ủy ban kết luận: Không có bong bóng bất động sản.
4 “không” còn lại là: Không có khủng hoảng thanh khoản; Không đáng ngại về tỷ lệ dự trữ ngoại tệ so với thanh khoản ngân hàng khi tỷ lệ dự trữ ngoại tệ so với thanh khoản ngân hàng là khoảng 18,19 tỷ USD; Không có khủng hoảng nợ: Nợ xấu chỉ khoảng trên 2%; Không có vấn đề gì lớn trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Triển vọng trung hạn của hệ thống tài chính Việt Nam là ổn định, chính vì thế, triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô là sáng sủa.
Báo cáo giám sát đầu tiên về gói kích cầu này cũng đưa ra một nhận định rằng kết quả hoạt động tài chính của Việt Nam thuộc loại khả quan nhất Châu Á.
Hệ thống tài chính VN được đánh giá là khá quan nhất châu Á.
Vào thời điểm tháng 1/2009, khi nghiên cứu thực hiện gói kích thích kinh tế 17.000 tỷ đồng, có nhiều phương án được đặt ra: như: Thứ nhất là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định.
Thứ hai, sử dụng để đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quy mô lớn như đường cao tốc, quốc lộ, sân bay, cảng biển.
Thứ ba, xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội, các khu ký túc xá sinh viên; nhà ở cho người nghèo, lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cấp bù lãi suất tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quá trình thảo luận giữa các cơ quan hữu quan cho thấy, nếu sử dụng 17.000 tỷ đồng cho quá nhiều đối tượng sẽ làm phân tán nguồn lực, không tạo nên tính đột phá và việc giải ngân chậm nguồn vốn kích cầu còn làm xấu hơn tình hình kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/1/2009, Thủ tướng đã quyết định phương án tối ưu là sử dụng toàn bộ 17.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho khoản vay ngân hàng bằng VND của doanh nghiệp, hộ sản xuất (dự kiến lan tỏa dư nợ khoảng 630.000 tỷ đồng) bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2009, đối với hầu hết các ngành, lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế.
Lãi suất tiền vay sau khi được hỗ trợ còn khoảng từ 4 - 6%/năm, tương đương với lãi suất tiền vay bằng đồng bản tệ ở nhiều nước (Thái Lan 7%/năm, Malaysia 6,5%/năm, Mỹ 6%/năm, Trung Quốc 7%/năm).
Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại không hạ lãi suất cho vay, kết hợp không hạ thấp tiêu chí cho vay, không tăng lãi suất huy động mà vẫn tiếp tục huy động vốn từ thị trường để cho vay.
Vai trò của chính sách tiền tệ trong thời gian qua là cực kỳ quan trọng, đã góp phần cùng các giải pháp vĩ mô khác đưa nền kinh tế vượt qua được giai đoạn suy giảm.
Không thể phủ nhận sự thành công của Việt Nam trong việc thực hiện linh hoạt gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó nổi bật là gói hỗ trợ lãi suất tín dụng. Chính phủ đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, tạo đà phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động… Thực tế sau 7 tháng thực hiện cho thấy quyết sách của Chính phủ là đúng đắn.
Đoàn Trần