Hoàng Anh Gia Lai chi 15 triệu USD mua lại trái phiếu Credit Suisse
(Dân trí) - Trong tháng 7, công ty đãtiến hành mua lại trái phiếu Credit Suisse với giá mua bằng 97% mệnh giá và dự kiến mua thêm để giảm số dự nợ loại trái phiếu này nhằm giảm bớt rủi ro tỷ giá.
Theo Nghị quyết Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã HAG), trong tháng 6 vừa rồi, công ty đã phát hành 10 triệu cổ phần ngành thủy điện cho nhà đầu tư và thu được 313 tỷ đồng.
Đến tháng 7, HAGL tiến hành mua lại trái phiếu Credit Suisse 15 triệu USD với giá mua bằng 97% mệnh giá. Cùng với đó, đã tiến hành giải tỏa các điều khoản ràng buộc quan trọng và giải chấp tài sản đảm bảo.
Định hướng của HAGL là sẽ mua lại thêm trái phiếu này để giảm số dư nợ loại trái phiếu Credit Suisse nhằm giảm bớt rủi ro tỷ giá.
Cán cân tiền mặt của HAGL đến thời điểm cuối tháng 6 thặng dư 2.200 tỷ đồng.
Theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh được nêu tại Nghị quyết, 6 tháng đầu năm, HAGL ước đạt 232 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế soát xét.
Ở lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, HAGL cho biết, công ty sẽ bàn giao nhà tại dự án An Tiến trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2012. Trong khi đó, dự án Minh Tuấn dự kiến sẽ xong và đủ điều kiện để bán cũng trong tháng 8. Ngoài ra, công ty cũng đang hoàn thiện dự án Phú Hoàng Anh, dự án Hoàng Anh Incomex, Phúc Bảo Minh, và dự án Thanh Bình.
Để đa dạng hóa hạng mục đầu tư, công ty bầu Đức trước đó đã "đánh mạnh" sang cao su, mía đường, thủy đện, khai khoáng. Riêng lĩnh vực cao su, 6 tháng đầu năm, HAGL cho biết, đã trồng xong 8.800 ha, trong đó, trồng tại Việt Nam 1.300 ha, Lào 3.000 ha, và Campuchia 4.500 ha. Sáu tháng cuối năm, công ty chủ yếu tiến hành trồng giặm và chăm sóc.
Dự kiến năm tới, công ty khai thác đại trà 7.000 ha cao su. Hiện tại, HAGL đang xây dựng nhà máy chế biến cao su công suất 25.000 tấn/năm tại Attapeu và bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến mủ công suất 20.000 tấn/năm tại Hàm Rồng, Gia Lai.
Về mía đường, công ty đã trồng được 5.000 ha, và dự kiến sẽ trồng thêm 1.000 ha trong quý IV/2012. Nhà máy đường và nhà máy điện đã nhập xong thiết bị và lắp đặt được khoảng 70%, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 11/2012.
Đầu tháng 5, HAGL đã hoàn thành và đưa nhà máy thủy điện Đắk Srông 3B đi vào hoạt động với công suất 19,5 MW. Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 dự kiến đi vào hoạt động vào cuối tháng 8/2012 với công suất 80 MW. HAG hiện đang xây dựng nhà máy thủy điện Bá Thước 1, Đăk Srông 3A, Nậm Kông 2.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng sắt, 6 tháng đầu năm, HAGL sản xuất được 130.000 tấn, và bán được 100.000 tấn cho tập đoàn Hòa Phát, thu về 156 tỷ đồng. Dự kiến cả năm khai thác được 300.000 tấn. Mỏ sắt của HAG tại Lào dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12/2012.
Về gỗ đá, tính tới 30/6, ngành này đã đem lại doanh thu 209 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2011.
Vừa rồi, sau khi bị Fitch Ratings xếp hạng triển vọng tín nhiệm "tiêu cực" hồi tháng 6 thì đến 19/7, công ty tiếp tục bị Standard and Poor's (S&P) giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B- và triển vọng tiêu cực.
Theo đánh giá của S&P, tình hình hoạt động kinh doanh và thanh khoản của HAGL sẽ còn "yếu kém" trong 6 đến 12 tháng tới. Theo đó, môi trường kinh doanh dành cho những công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam còn nhiều thách thức dù Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, sự chậm trễ trong phê chuẩn hoạt động khai thác quặng ở Lào và Campuchia cũng mang đến những rủi ro cho hoạt động kinh doanh của HAGL. Và ngay cả việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sang các đồn điền cao su và các dự án thủy điện đòi hỏi chi phí vốn lớn cũng kèm theo rủi ro.
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, HAGL đã "phản pháo" lại nhận định này, cho rằng S&P đã không hề liên hệ với công ty để cập nhật thông tin trước khi ra báo cáo.
Được biết, đến hết tháng 6, cán cân tiền mặt của HAGL đang thặng dư hơn 2.200 tỷ đồng, cao hơn con số 1.700 tỷ đồng hồi cuối tháng 3.
Đóng cửa phiên giao dịch 2/8, cổ phiếu HAG của HAGL giảm 200 đồng/cp, tương ứng giảm 0,69% xuống 28.900 đồng/cp.
Mai Chi