1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hoãn tăng vốn, nhiều ngân hàng nói không!

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn cho các nhà băng thêm 1 năm để hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, không ít nhà băng cho rằng, họ có đủ điều kiện tuân thủ lộ trình cũ và sẽ kết thúc việc phát hành cổ phiếu trước ngày 31/12 tới.

Hoãn tăng vốn, nhiều ngân hàng nói không! - 1
Nhiều ngân hàng sẽ hoàn thành lộ trình tăng vốn ngay trong năm nay.
 
Khi chưa có thông tin hoãn lộ trình tăng vốn, nhiều ngân hàng nhỏ "kêu" sẽ khó đáp ứng được lộ trình theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Thế nhưng, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định gia hạn cho các nhà băng thêm 1 năm để hoàn tất việc đưa vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng thì không ít nhà băng lại cho rằng, họ có đủ điều kiện tuân thủ lộ trình cũ và sẽ kết thúc việc phát hành cổ phiếu tăng vốn trước ngày 31/12 tới.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) đã hoàn thành việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ mức 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và nhà băng này đã thông báo đến cổ đông về việc nộp tiền mua cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu giai đoạn hai để nâng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Ficombank cho biết, sẽ cố gắng hoàn tất việc tăng vốn trong năm 2010 này.

DaiA Bank cũng vừa được NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Nai xác nhận việc chào bán 210 triệu cổ phiếu để hoàn thành việc tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn này, DaiABank có 66 cổ đông, nhà đầu tư mới tham gia góp vốn.

Hầu hết các ngân hàng đều cho biết, sẽ thực hiện tăng vốn đúng như kế hoạch xây dựng hồi đầu năm, đồng thời đáp ứng quy định ban đầu của Nghị định 141. Duy chỉ có 1 - 2 ngân hàng nhỏ kéo dài việc nộp tiền mua cổ phiếu cho nhà đầu tư đến hết quý I/2011.

Đơn cử, VietBank cho biết, đang hoàn tất giai đoạn cuối của kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm 2010 kết thúc.

Theo VietBank, việc tăng vốn theo lộ trình quy định là nhằm nâng cao năng lực tài chính cũng như vị thế cạnh tranh của Ngân hàng trong các năm tới. Vì thế, dù được kéo dài thời gian tăng vốn thêm 1 năm, nhưng VietBank vẫn không hoãn.

Tuy nhiên, việc tăng vốn của các nhà băng năm nay chủ yếu trong cậy vào các cổ đông lớn (trừ cổ đông đại diện vốn nhà nước) của ngân hàng hoặc thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược mới.

Chẳng hạn, DaiA Bank hiện có các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược gồm: Tổng công ty Tín Nghĩa; ACB, BIDV, Tổng công ty Cao su Đồng Nai… Tương tự, VietBank cũng có sự hậu thuận lớn từ các cổ đông hiện hữu, trong đó phải kể đến Tập đoàn Hoa Lâm, ACB… Do đó, Ngân hàng dễ dàng tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành kế hoạch tăng vốn theo lộ trình ban đầu, không ít nhà băng đã tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược. Chủ tịch HĐQT MeKong Bank, bà Trần Thị Thanh Thanh cho hay, không phải đến tận lúc này, sau khi Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, mà nếu biết được thông tin giãn lộ trình trước đó, chắn chắn MeKong Bank cũng không hoãn kế hoạch tăng vốn, bởi ngân hàng này đã tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài.

Ngày 9/12 vừa qua, MeKong Bank đã chính thức công bố hoàn thành tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch tăng vốn năm nay, MeKong Bank bán 15% cổ phần cho cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financial Holdings (FFH) thuộc Tập đoàn Temasek Holdings Pte.Ltd, Singapore.

WesternBank đang trong quá trình phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, nhưng sẽ kết thúc việc nộp tiền mua cổ phiếu vào giữa tháng 1/2011.

Trước đó, Navibank công bố, ngày 16/12/2010 là ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành 150 triệu cổ phiếu. Trong đó, chào bán cho cổ đông hiện hữu 148,35 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 10:8,150047 bằng mệnh giá và chào bán cho CBNV 1,65 triệu cổ phiếu.

Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TPHCM, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với các ngân hàng trong việc nâng cao năng lực tài chính và vị thế cạnh tranh.

Đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và đầu năm 2010 tới, các ngân hàng ngoại sẽ được đối xử hoàn toàn bình đẳng với nhà băng nội. Bởi vốn điều lệ tăng, các nhà băng sẽ chống đỡ được rủi ro và đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một cán bộ trong ngành ngân hàng, sở dĩ một số nhà băng nhỏ không muốn hoãn việc tăng vốn điều lệ (dù NHNN đã đưa ra quyết định kéo dài thêm 1 năm), vì sợ lộ năng lực yếu kém.

Thế nhưng, hậu quả của việc tăng vốn lên mức cao trong năm nay sẽ tạo ra áp lực lớn về lợi nhuận cho các nhà băng quy mô nhỏ trong thời gian tới. Vẫn biết, tăng vốn điều lệ đúng theo lộ trình đưa ra ban đầu, các ngân hàng sẽ nâng cao năng lực tài chính, song với tỷ lệ vốn tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn gấp ba lần chỉ trong một năm, thì áp lực cổ tức chi trả cho cổ đông trong năm sau sẽ rất lớn.

Theo Thùy Vinh
Đầu tư Chứng khoán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm