Hiện tượng chưa từng có tiền lệ với hệ thống ngân hàng Việt dịp Tết!

(Dân trí) - Theo thông lệ hàng năm, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngân hàng Nhà nước thường phải “chi viện” cho hệ thống ngân hàng do tình trạng căng thẳng tiền mặt. Tuy nhiên suốt gần 5 tuần vừa qua cơ quan điều hành tiền tệ thậm chí không những không bơm tiền mà còn rút tiền về “cất kho”.

Bản tin trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa phát hành mới đây cho thấy, trong tuần từ 13/1 đến 17/1/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không hề thực hiện hoạt động phát hành mới nào trên cả hai kênh tín phiếu và nghiệp vụ thị trường mở (OMO).

Tính ra, có 4 tuần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng vào thị trường khi thanh khoản hệ thống đang tương đối ổn định, dù ở những tuần cuối cùng của năm Âm lịch Kỷ Hợi.

Hiện tượng chưa từng có tiền lệ với hệ thống ngân hàng Việt dịp Tết! - 1

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã không còn xảy ra tình trạng căng thẳng như những năm trước

Không những vậy, thống kê của NHNN còn cho thấy, trong 3 ngày 20/1 đến 22/1 (những ngày giao dịch cuối cùng của tuần này trước khi nghỉ Tết Nguyên đán), thông qua hoạt động đấu thầu trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước còn hút về gần 5.000 tỷ đồng mỗi ngày và nâng số tiền rút khỏi thị trường để “cất kho” lên tới gần 15.000 tỷ đồng.

Đây là hiện tượng chưa từng có tiền lệ, bởi những năm trước đây, vào thời điểm giáp Tết, thanh khoản thị trường ngân hàng thường rơi vào tình trạng căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước phải bơm một lượng tiền lớn để cung ứng.

Trước đó, báo chí cũng phản ánh nhu cầu rút tiền mặt chi tiêu cho dịp Tết tăng mạnh và nhiều cây ATM trong tình trạng đông nghịt người.

Thủ tướng đã lập tức yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên xử lý các giao dịch trả lương cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đảm bảo hoạt động của hệ thống thanh toán, các máy rút tiền tự động thông suốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả tiền lương của doanh nghiệp và rút tiền mặt của người lao động.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã ban hành Công điện số 01 yêu cầu các đơn vị liên quan đặc biệt tổ chức tín dụng tổ chức, bố trí cán bộ trực, giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ đối với ATM hết tiền; có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn).

Các ngân hàng cũng được yêu cầu tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động) và triển khai giải pháp thay thế ATM (chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động, chi trả qua máy POS của ngân hàng,…) và phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền qua ATM cũng như nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của khách hàng.

Cần lưu ý là từ nửa cuối tháng 12/2019, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện mạnh khi lượng kiều hối tăng lên vào thời điểm cuối năm 2019 dẫn đến hoạt động mua ròng ngoại tệ của NHNN (đồng nghĩa với việc đẩy VND ra thị trường).

BVSC dẫn công bố của NHNN cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã ở mức 79 tỷ USD. Như vậy, trong hai tháng cuối năm 2019, NHNN đã mua vào thêm khoảng 6 tỷ USD (tương đương với 139 nghìn tỷ đồng).

Tóm lại, điều chưa từng có trong hệ thống ngân hàng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (NHNN không những không phải bơm tiền “cứu viện” cho thanh khoản hệ thống mà còn rút tiền về) rất bất ngờ nhưng rõ ràng xuất phát từ sự chủ động của cơ quan điều hành từ trước đó.

Mai Chi