Hiểm nguy rình rập giới siêu giàu Triều Tiên?

(Dân trí) - Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc trở thành một phần của tầng lớp siêu giàu, hay bộ phận 1% của xã hội, đồng nghĩa với những đặc quyền, đặc lợi. Nhưng tại Triều Tiên có vẻ như điều đó không còn đúng, mà số phận Jang Song-thaek là điển hình.

Theo hãng tin tài chính CNBC, mặc dù việc chú dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa bị xử tử cho thấy một cuộc củng cố quyền lực đang diễn ra bên trong quốc gia này, nếu nhìn kỹ hơn sự kiện này còn cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang cảm thấy bị đe dọa bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của tầng lớp thượng lưu về kinh tế.

 Ông Jang Song-thaek từng là người quyền lực số 2 tại Triều Tiên
 Ông Jang Song-thaek từng là người quyền lực số 2 tại Triều Tiên

Với nhiều người nước ngoài, Triều Tiên có thể là một quốc gia đang trong tình trạng nghèo đói triền miên. Họ đã đóng cửa với thế giới bên ngoài từ 60 năm trước, và thông tin về quốc gia này rất hiếm hoi. Tuy nhiên không phải bất cứ ai ở Triều Tiên cũng đang chết đói, bởi nền kinh tế quốc gia này không hề bị cô lập như người ta tưởng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thông qua các hoạt động kinh doanh tạo nguồn thu, vốn thường do quân đội và các nhà lãnh đạo chính trị quản lý, các công ty thương mại quốc doanh của Triều Tiên đã tạo ra hàng triệu USD cho tầng lớp lãnh đạo. Trong khi 99% người dân vất vả tìm kiếm thực phẩm, những người thuộc nhóm “1%” - thông qua các doanh nghiệp tư nhân - lại trở nên ngày càng giàu có một cách khó tin.

Ngay cả ở một quốc gia như Triều Tiên, vẫn có một thứ hạng về doanh nghiệp. Và trong số các công ty thương mại quốc doanh, ông Jang Song Thaek đã nắm giữ và quản lý một trong những tập đoàn lớn nhất, nhiều ảnh hưởng nhất. Với các các mối quan hệ cấp cao từ quân đội tới chính phủ, Jang là người có ảnh hưởng lớn nhất tại Triều Tiên cho đến khi bị xử tử vì tội phản quốc hồi tuần trước.

“Jang giống như một kẻ buôn vua”, John Park, chuyên gia an ninh Đông Bắc Á tại trường Harvard Kennedy khẳng định. “Tại Triều Tiên, có một sự tồn tại song song giữa nhóm 1% và 99%. Và việc Jang bị xử tử chính là nhằm quản lý quyền lực của nhóm 1%. Ông ta đã khiến Triều Tiên giống như đế chế kinh doanh Triều Tiên”.

Sau khi xử tử Jang, ông Kim Jong-un giờ phải đối mặt với một sự thăng bằng mong manh giữa loại trừ các cộng sự của chú mình, nhưng lại không được làm hỏng toàn bộ cỗ máy kiếm tiền của các doanh nghiệp quốc doanh mà Jang đã tạo dựng. Loại trừ mạng lưới của Jang chỉ là một biện pháp ngắn hạn.

“Trong trung và dài hạn, bạn phải cắt bỏ cỗ máy này và nó cũng không khác nào hành động tự sát”, ông Park nhận định. Và những cuộc thanh trừng còn lâu mới kết thúc.

Một chiếc Mercedes đời mới tại Bình Nhưỡng
Một chiếc Mercedes đời mới tại Bình Nhưỡng

“Triều Tiên đã triệu hồi hầu như toàn bộ những đại diện của mình tại Trung Quốc. Điều đó cho thấy họ sẽ bị tra xét và ít nhất một số người sẽ bị loại trừ”, Bruce Bennett, nhà phân tích quân sự cấp cao tại RAND Corp nói.

Và không giống như các cuộc thanh trừng trước đây, vốn không đụng tới những quan chức cấp cao nhất, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đang đi xa hơn. “Thậm chí cả nhóm người ở trung ương cũng đang bị đánh động chưa từng thấy”, Bennett nói tiếp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giờ sẽ phải loại bỏ vây cánh của ông Jang mà không làm hỏng mạng lưới các doanh nghiệp thương mại nhà nước. Trong năm 2011, ước tính doanh số thương mại giữa nước này và Trung Quốc đạt gần 6 tỷ USD, ông Park nói.

Phần lớn trong số tiền này ở phía Triều Tiên đã rơi vào tay Jang, chính quyền cũng như những người còn lại trong tầng lớp 1% của Triều Tiên.

Trong lúc hàng triệu người tại nước này cần thực phẩm cứu trợ của cộng đồng quốc tế, theo số liệu của Liên hợp quốc, giới “1%” tại đây lại có thể xài hàng xa xỉ, bao gồm rượu cô-nhắc, các trang thiết bị gia đụng và ô tô hạng sang. Họ bay thẳng tới châu Âu trên các chuyến bay thương mại ngay tại sân bay ở Bình Nhưỡng. Thậm chí một số du khách và người đào tẩu còn cho biết nhìn thấy những người béo phì tại Triều Tiên.

Gần đây, có thông tin cho thấy Triều Tiên đã bán một lượng không xác định vàng dự trữ quốc gia để cứu vãn nền kinh tế. Bên cạnh đó ông Kim Jong-un cũng có thể sử dụng gia sản của gia đình mình - với hơn 4 tỷ USD được cất giấu ở các tài khoản nước ngoài - chủ yếu được tích lũy dưới thời cha mình, để tạo ra nguồn thu mới, bù đắp cho tổn thất từ việc loại trừ mạng lưới của ông chú dượng.

Và những cuộc thanh trừng kịch tính hơn có thể diễn ra chỉ trong vòng vài tuần, thay vì vài tháng tới. Cuộc sống của những người thuộc tầng lớp thượng lưu tại Triều Tiên, bởi vậy xem ra sẽ chưa được yên ả.

Thanh Tùng
Theo CNBC
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước