Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh - Gia Lai:

“Hiếm doanh nhân nào làm được như tôi!”

Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng Đoàn Nguyên Đức “nổ quá chừng” khi tuyên bố như vậy. Thế nhưng, nếu tận mắt được chứng kiến những gì mà doanh nhân Phố Núi này làm được ở Lào, tuyên bố đó là có cơ sở.

Trong mưa rừng tầm tã, ông Đức tự tay lái chiếc xe hai cầu đưa các nhà báo, đại diện quỹ đầu tư từ Việt Nam sang thăm các đồn điền cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở phía đông tỉnh Attapeu, miền nam Lào.

Từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kontum), vượt qua một con đèo ngoằn nghèo chừng 50km, xuống tới đất bằng là đến cơ ngơi của HAGL. Hai bên quốc lộ 18 thẳng tắp là những cánh rừng xơ xác và vắng vẻ, hàng chục cây số không nhìn thấy một bóng người, một mái nhà.

Trụ sở công ty HAGL Attapeu nằm cách biên giới chừng 80km và cách tỉnh lỵ tỉnh Attapeu đúng 31km. Công ty này quản lý các dự án trồng cao su của HAGL trên địa bàn tỉnh, mà theo ông Đức hiện đã lên tới 16.000 ha; có 12.000 ha đã khai hoang và san ủi, trong đó có 8.000 ha đã được trồng cao su 1 - 2 năm tuổi.

Đoàn xe lao nhanh trên những con đường đất đỏ trơn trượt, xuyên qua những rừng cao su cao khỏi đầu người hoặc qua những khoảnh đất vừa được khai hoang, màu đất còn tươi, phân bón chất từng đống lớn chờ được hòa vào đất.
 
“Hiếm doanh nhân nào làm được như tôi!” - 1
Ông Đức dẫn đoàn nhà báo và nhà đầu tư tham quan vườn cao su tại Lào (Ảnh: HAGL)

Theo ông Đức, hiện có một số DN cao su Việt Nam đầu tư trên đất Lào nhưng diện tích của HAGL là lớn nhất. Ông cho biết, Lào đã có chính sách ngừng cho các DN nước ngoài thuê đất trồng rừng ở đây.

Những tính toán tại Lào

Mặc dù đã quyết định ngừng cho thuê đất đối với các DN nước ngoài, nhưng có lẽ đối với chính phủ Lào, HAGL của Đoàn Nguyên Đức là một ngoại lệ.

Mới đây, chính phủ nước này đã chấp thuận cho HAGL được thuê thêm 16.000 ha đất, đổi lấy việc tập đoàn này viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Attapeu một bệnh viện đa khoa 200 giường với kinh phí xây dựng và trang bị khoảng 10 triệu USD. Đến lúc đó, diện tích trồng cao su của HAGL tại Lào sẽ lên tới 31.000 ha, gần gấp 3 lần diện tích cao su của tập đoàn này tại Việt Nam.

Để biến 1 ha rừng khộp Nam Lào thành 1 ha cao su như chúng tôi nhìn thấy trên đường đi, HAGL phải bỏ ra khoảng 4.000 USD vốn đầu tư. (Một người quen, cũng đang trồng cao su tại Lào, tiết lộ rằng, giá trị từ lượng gỗ thu được khi khai hoang 1 ha rừng đã đủ bù khoản đầu tư này). Thiết bị làm đất, phân bón và công nhân kỹ thuật được HAGL đưa từ Việt Nam sang, cây giống sản xuất tại chỗ, còn lao động phổ thông thì tuyển dụng người địa phương; 80% số công nhân của HAGL tại Lào là người địa phương hưởng mức lương khoảng 50 kip/ngày (tương đương 110.000 VND) với định mức mỗi công nhân quản lý 2 ha cây trồng.

“Thổ nhưỡng ở Lào phù hợp với cây cao su hơn Việt Nam. Cây lớn nhanh hơn, cho thu hoạch sớm hơn và có thể sản lượng cũng sẽ cao hơn”, ông Đức nói.

Theo tính toán của ông, mỗi ha cao su đến tuổi thu hoạch có thể cho khoảng 2,5 - 3 tấn mủ mỗi năm, sau khi sơ chế có thể bán ra thị trường với giá trên dưới 3.000 USD/tấn; chẳng bao lâu đã có thể thu hồi vốn đầu tư.

Đoàn xe rời trụ sở công ty HAGL Attapeu lúc 2h chiều, thỉnh thoảng dừng lại để quay phim, chụp ảnh, mà đến 6h chiều vẫn chưa đi hết những cánh rừng cao su bạt ngàn của HAGL.

Ông Đức tiết lộ, riêng tại Lào, HAGL sẽ đầu tư khoảng 400 triệu USD vào các đồn điền cao su, nhà máy thủy điện, mỏ khoáng sản và kinh doanh BĐS ở thủ đô Vientiane. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 7/2010 HAGL sẽ khởi công xây dựng cùng lúc 2 nhà máy thủy điện Nậm Cống 2 và Nậm Cống 3, cùng trên địa bàn tỉnh Attapeu, cách đồn điền cao su khoảng 25km, với tổng công suất 120 MW, vốn đầu tư cho mỗi MW vào khoảng 1 triệu USD. Dự kiến sau 2 năm xây dựng, những công trình này sẽ hoàn thành và bán điện vào mạng lưới điện quốc gia của Lào.

Tại tỉnh Sekong phía bắc tỉnh Attapeu, giáp biên giới với tỉnh Quảng Nam, HAGL có hai mỏ đồng và sắt. Ông Đức cho biết, trữ lượng của mỏ đồng chưa xác định được vì dự án đang còn trong giai đoạn làm thủ tục và chỉ có thể bắt đầu khai thác vào năm 2011, nhưng mỏ sắt đã hoàn thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu và bắt đầu khai thác nội trong năm nay. Quặng sắt khai thác được sẽ theo đường bộ qua cửa khẩu Đắk Chưng rồi theo quốc lộ 14B về cảng Đà Nẵng hoặc cảng Chân Mây để xuất khẩu ra nước ngoài. Chi phí đầu tư khai thác 1 tấn quặng vào khoảng 30 USD, trong khi giá quặng sắt trên thị trường thế giới hiện đã lên tới 130 USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc - đây quả là một nguồn lợi khổng lồ của HAGL trong tương lai.

Tại Vientiane, theo ông Đức, HAGL hiện có một khu đất ven bờ sông và một khu đất khác rộng khoảng 2 ha ở trung tâm thành phố. Với kinh nghiệm phát triển BĐS ở những thành phố lớn khắp Việt Nam, HAGL dự kiến sẽ biến những lô đất này thành khách sạn 5 sao, cao ốc văn phòng và căn hộ cho thuê, đón đầu làn sóng đầu tư và du lịch nước ngoài đổ vào Lào trong những năm tới.

Xâm nhập thị trường Campuchia

Khoảng một năm rưỡi trước đây, HAGL bắt đầu đầu tư vào Campuchia, cũng với những dự án khai thác tài nguyên đất như đang làm ở Lào. Theo ông Đức, HAGL hiện có khoảng 15.000 ha đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su.

Khác với Lào, việc đầu tư vào Campuchia của HAGL diễn ra chậm hơn, năm nay tập đoàn dự kiến chỉ trồng 1.000 ha, năm tới trồng 5.000 ha và mở rộng dần theo lối cuốn chiếu cho đến hết diện tích được cấp.

Trọng tâm đầu tư của HAGL ở Campuchia là hai mỏ sắt. Mỏ thứ nhất nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách biên giới với tỉnh Gia Lai của Việt Nam khoảng 40km, có trữ lượng ước tính khoảng 30 triệu tấn quặng. HAGL đang đầu tư mở đường vào mỏ và đưa điện từ Gia Lai sang, dự kiến đến tháng 8 năm nay thì bắt đầu khai thác.

Cũng như mỏ sắt ở tỉnh Sekong, Lào, quặng sắt khai thác từ Campuchia sẽ được tạm nhập về Việt Nam để xuất sang Trung Quốc bằng đường biển. Mỏ sắt thứ hai vừa được chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp quyền khai thác cho HAGL, nằm cách mỏ thứ nhất khoảng 20km, hiện đang được thăm dò và đánh giá trữ lượng thương mại.

Ông Đức cho biết, tổng số vốn mà HAGL dự kiến đầu tư vào Campuchia là từ 80 đến 100 triệu USD, trong đó hai mỏ khoáng sản sẽ tiêu tốn khoảng 40 triệu USD, số còn lại được dành cho các nông trường cao su.

Chiến lược “3 chân ở 3 nước”

Bằng việc đẩy mạnh đầu tư sang Lào và Campuchia, ông Đức xác định hướng phát triển của HAGL là “chiến lược 3 chân ở 3 nước”, tập trung khai thác tài nguyên đất (cao su, khoáng sản) và tài nguyên nước (thủy điện) trong khu vực có bán kính 200km tính từ đại bản doanh của tập đoàn tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai.

Theo chiến lược này, HAGL sẽ dần dần thay đổi cơ cấu nguồn thu nhập, theo đó thu nhập năm 2010 vẫn dựa chủ yếu vào các dự án kinh doanh BĐS tại các thành phố lớn ở Việt Nam, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2012, nguồn thu chính sẽ đến từ thủy điện và sau đó, những năm từ 2013 trở đi nguồn thu sẽ được bổ sung từ các rừng cao su và các mỏ khoáng sản.

Doanh thu từ BĐS sẽ có tỷ lệ giảm dần trong cơ cấu thu nhập của HAGL vì theo ông Đức, thị trường BĐS, nhất là ở Việt Nam, đã có dấu hiệu bão hòa, không còn khả năng sinh lợi như trước nữa.

Trước dư luận cho rằng, HAGL tàn phá rừng Nam Lào, ông Đức cho rằng mình làm đúng chủ trương “chuyển rừng” của chính phủ Lào: thay diện tích rừng khộp nghèo và không có giá trị kinh tế bằng rừng cao su có lợi ích kinh tế hơn và giải quyết được công việc làm cho người dân bản địa.

Theo ông, trước HAGL đã có một số công ty khác, kể cả công ty nước ngoài, tham gia thực hiện sự chuyển rừng này nhưng không thành công.“Tôi phá rừng nhưng được chính phủ Lào thưởng huân chương”, ông Đức nói.

Dự án cao su của HAGL tại Lào cần tới 10.000 lao động, song theo hợp đồng với chính phủ Lào chỉ có 10% số lao động này được đưa từ Việt Nam sang, chủ yếu là công nhân kỹ thuật, phần còn lại phải sử dụng lao động địa phương. Không chỉ cung cấp công việc làm với thu nhập khá cao, dự án của HAGL còn tạo điều kiện nâng cao đời sống và thay đổi nếp sống của người dân bản địa.

Tập đoàn đã có kế hoạch xây dựng 1.000 ngôi nhà công nhân để cấp cho những gia đình người Lào có ít nhất 2 lao động làm việc cho HAGL với cam kết làm việc từ 10 năm trở lên. Mỗi ngôi nhà có diện tích 80 m2, 1 trệt, 1 lầu, được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Lào và có đủ công trình vệ sinh, điện, nước sạch. Đợt 1, 250 ngôi nhà như vậy đã được bàn giao cho các chủ nhân mới của chúng vào ngày 11/5 vừa qua.

Cũng trong dịp này, HAGL đã tổ chức khánh thành cây cầu bê tông dài 100 mét bắc qua sông Sê-sụ nối hai huyện của Lào, cũng đồng thời phục vụ việc vận chuyển nhân công, vật liệu tới các nông trường cao su của HAGL bên bờ sông. HAGL còn có kế hoạch biến khu vực chung quanh trụ sở của Chi nhánh HAGL Attopeu thành một thị trấn nhỏ, có các dịch vụ cơ bản phục vụ cư dân và người lao động trong khu vực.

Hóa giải bài toán vốn đầu tư

“Hiếm doanh nhân nào làm được như tôi!” - 2
Đoàn xe tham quan nông trường cao su của HAGL tại Lào (Ảnh: HAGL)
 
Ông Đức cho biết, cho đến nay HAGL chưa phát hành trái phiếu DN, cũng chưa tiếp nhận vốn của các ngân hàng nước ngoài một phần vì Ngân hàng BIDV cam kết tài trợ tín dụng cho 70% nhu cầu vốn trồng cao su trong 12 năm, một phần vì HAGL không thiếu vốn hoạt động.

“Báo cáo tài chính cuối năm 2009 HAGL có dư 1.940 tỉ đồng, hiện còn 1.300 tỉ đồng; mỗi tháng thu vào 300 tỉ đồng từ các dự án BĐS ở TPHCM và còn 6.000 tỉ đồng phải thu trong 2 năm tới từ nguồn này. Nói chung, nguồn tiền này đều và khá ổn định vì khách hàng đã đóng khoảng 40% tổng số tiền mua căn hộ sẽ không bỏ cuộc”, ông Đức nói.

Tuy vậy, ông Đức cũng thừa nhận rằng kinh doanh BĐS hiện đã rất khó khăn, điều may mắn của ông là HAGL đã tung các dự án ra bán từ đầu năm 2009 trở về trước, khi thị trường chưa rơi vào tình trạng đóng băng như hiện nay; còn một vài dự án chưa bán thì ông chủ trương dừng lại, chờ thời điểm thích hợp.

Theo đánh giá của ông Đức, Việt Nam vẫn là thị trường khó cạnh tranh nhất, ở Lào và Campuchia ông cảm thấy tự tin hơn do luật chơi rõ ràng hơn. “Luật đầu tư của Lào rất thông thoáng. Chúng tôi thuê đất trồng cao su với giá 7 USD/ha/năm và được miễn thuế thu nhập DN trong 8 năm đầu. Việc hành xử thì hoàn toàn căn cứ theo luật”.

Ông cũng thừa nhận rằng, 95% người dân Lào bản địa ủng hộ các dự án của HAGL trong khi con số này trong giới cán bộ chính quyền địa phương chỉ vào khoảng 75%. “Cứ làm đúng lương tâm là được”, ông nói.

Ông Đức không giấu giếm niềm tự hào về tài sản rất lớn của HAGL ở nước ngoài. “Bỏ ra một tuần cũng chỉ đi xem được 40% số công trình của HAGL”, ông nói. Từ những thành công như vậy, ông Đức khuyên các DN: “Nước đục thì cá lớn. Muốn lớn, muốn thành công thì phải vươn ra nước ngoài. Thị trường Hà Nội và TPHCM cơ hội không còn nhiều”, ông nói.

Có điều, “muốn thành công lớn thì phải cày, đã làm thì phải chịu cực”, ông nói và dẫn chứng bản thân ông đã cày 5, 6 năm nay. Một cán bộ thân cận của ông Đức cho biết, hiện thời ông ở Lào và Campuchia nhiều thời gian hơn ở nhà với gia đình.

Và tuyên bố của Đoàn Nguyên Đức

Những dự án của HAGL tại Lào và Campuchia có hiệu quả đến đâu, điều đó cần có sự phân tích và thẩm định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, nhưng với cảm nhận của một người bình thường, những dự án và công trình này quả thật khá ấn tượng. Những dự định, kế hoạch của ông chủ tập đoàn này cũng khá táo bạo và quyết liệt. “Ở Việt Nam, hiếm có doanh nhân nào làm được như tôi”, ông Đức nói với vẻ tự hào.

Trong giới doanh nhân Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức có tiếng là người “chơi trội”; ông là người lập đội bóng đá DN đầu tiên, lần đầu tiên thuê cầu thủ nước ngoài, thuê thầy ngoại mở trường dạy đá bóng, cho tới là người đầu tiên mua máy bay riêng.

Trong vụ đầu tư ra nước ngoài, có lẽ ông cũng là người đầu tiên đặt cơ sở đầu tư vững chắc ở Lào và Campuchia.

Những dự án của HAGL ở nước ngoài có thể sẽ thành công lớn, cũng có thể không thành công vì còn tùy thuộc vào trời đất, vào thị trường và vô số yếu tố bất trắc khác, song khó mà phủ nhận rằng chúng thể hiện một tầm nhìn chiến lược, được tính toán kỹ lưỡng, một thái độ dấn thân quyết liệt và một niềm tin vững chắc vào lựa chọn của các nhà lãnh đạo HAGL.

Bề ngoài, ông Đức chỉ là một người tuềnh toàng, bình dị đến nỗi lần đầu gặp ông nhiều người tưởng lầm ông chỉ là một nhân viên phục vụ của tập đoàn HAGL.

Theo Thái Bình
DĐDN