Hiếm có trong lịch sử: Ngân hàng “dư dả” tiền vào cuối quý III

(Dân trí) - Báo cáo của BVSC cho biết, theo thông lệ, các thời điểm cuối tháng, cuối quý trước đây, hệ thống ngân hàng thường xuất hiện dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản. Tuy nhiên, diễn biến cuối quý III năm nay không cho thấy hiện tượng này.

Trong một bản tin thị trường vừa mới phát hành, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, với những chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, một điều hiếm có đã xảy ra vào cuối quý III khi thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, không bị căng thẳng như thường lệ.

Cụ thể, tuần vừa rồi, lượng bơm/hút ròng trên thị trường mở bằng 0. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành mới lượng tín phiếu bằng với tuần trước đó là 68.997 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,5%) và lượng tín phiếu đáo hạn đạt 68.997 tỷ đồng.

Trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO), NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn nào. Như vậy, hiện tại lượng tín phiếu đang lưu hành ở mức 68.997 tỷ đồng và không có lượng OMO nào đang lưu hành.

“Việc duy trì mức tín phiếu lưu hành giống tuần trước đó và lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang duy trì trạng thái tương đối dồi dào”, BVSC nhận xét.

Hiếm có trong lịch sử: Ngân hàng “dư dả” tiền vào cuối quý III - 1

Lãi suất liên ngân hàng đi xuống trong tuần vừa rồi

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua cũng tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,05%; 0,1% và 0,1%, xuống mức 2,15%/năm; 2,4%/năm và 2,6%/năm. Lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp sau quyết định hạ các loại lãi suất điều hành của NHNN.

Báo cáo của BVSC cho biết, theo thông lệ, các thời điểm cuối tháng, cuối quý trước đây, hệ thống thường xuất hiện dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản. Tuy nhiên, diễn biến cuối quý III năm nay không cho thấy hiện tượng này.

Lý giải về điều này, BVSC cho rằng, ngoài động thái mua ròng ngoại tệ đồng nghĩa với việc bơm tiền Đồng ra thị trường của NHNN thì việc tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9 ở mức thấp hơn so với tăng trưởng huy động (8,4% so với 8,68%) cũng là nguyên nhân giúp duy trì trạng thái tích cực của thanh khoản toàn hệ thống.

Hiếm có trong lịch sử: Ngân hàng “dư dả” tiền vào cuối quý III - 2

Việc điều hành chính sách của NHNN đang được đánh giá cao

Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá trung tâm tuần vừa rồi tăng 18 đồng, từ mức 23.142 VND/USD lên mức 23.160 VND/USD. Tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại giảm 3 đồng, từ mức 23.204 VND/USD xuống mức 23.201 VND/USD. Khoảng cách giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại NHTM tiếp tục được thu hẹp chỉ còn 41 đồng.

Tin tốt đó là trong tháng 9, Việt Nam xuất siêu ước tính đạt 500 triệu USD đã tiếp tục bổ sung ngoại tệ, giúp tỷ giá VND/USD ổn định.

Trong rổ tiền tệ tính Dollar Index, USD tăng giá so với đa số các đồng tiền còn lại. Cụ thể USD tăng giá lần lượt 0,33%; 1,49%; 0,7% và 0,8% so với JPY, GBP, EUR và SEK. Ở chiều ngược lại, USD giảm giá 0,12% so với CAD.

Theo BVSC, những tín hiệu tích cực về thương mại Mỹ-Trung khi Trung Quốc bắt đầu mua lượng lớn nông sản của Mỹ, trong đó có thịt bò và thịt lợn là thông tin giúp hỗ trợ đồng USD. Ngoài ra, thị trường cũng đang kỳ vọng phái đoàn của Trung Quốc sẽ tới Mỹ vào đầu tháng 10 để tiến hành vòng đàm phán thương mại mới.

Đặc biệt, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ bị Hạ viện tiến hành điều tra luận tội “lạm dụng quyền lực” cũng đã khiến khi nhu cầu về tài sản an toàn tăng lên và giúp hỗ trợ đồng USD.

Các chỉ số kinh tế của EU cũng được công bố trong tuần qua. Chỉ số nhà quản trị mua hàng trong tháng 9 của khu vực này giảm còn 45,6 điểm thấp nhất trong 7 năm đã khiến đồng EUR giảm giá tương đối mạnh.

Mai Chi