Cứu nguy cho thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước bơm hàng nghìn tỷ đồng ra thị trường

(Dân trí) - Tính lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng tổng cộng 55.993 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Dữ liệu cập nhật từ thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong giai đoạn từ 22/4 đến 3/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 5.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 49.998 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất vẫn ở mức 3%) trong khi có 54.998 tỷ đồng đáo hạn trong tuần.

Trên kênh thị trường mở (OMO), NHNN cũng bơm ròng 515 tỷ đồng. Trong đó, 306 tỷ đồng đã được hút về trong khi có 821 tỷ đồng được bơm mới.

Tổng hợp 2 kênh OMO và tín phiếu, NHNN ở vị thế bơm ròng 5.515 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đang có lượng OMO lưu hành là 515 tỷ đồng, không có lượng tín phiếu nào đang lưu hành.

Tính lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 55.993 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu.

Cứu nguy cho thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước bơm hàng nghìn tỷ đồng ra thị trường - 1

Cứu nguy cho thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước bơm hàng nghìn tỷ đồng ra thị trường

Theo đánh giá của BVSC, động thái của NHNN trong các tuần gần đây là bơm, hút đan xen tùy theo diễn biến về thanh khoản thị trường.

Chia sẻ về cách hút tiền về sau khi bơm lượng lớn tiền đồng ra, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá đây là "một nghệ thuật, một sự khéo léo" và được nhà điều hành cân nhắc kỹ lưỡng.

Trước đó, tại diễn đàn "Để ngân hàng Việt vươn xa", TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã ngày càng khéo léo và thông minh hơn, đặc biệt là trong hoạt động bơm - hút tiền trên thị trường.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này bày tỏ sự lo ngại khi NHNN cung lượng lớn tiền đồng ra thị trường để tăng dự trữ ngoại hối và sau đó dựa nhiều vào việc phát hành tín phiếu để hút tiền đồng về. Điều này sẽ cân bằng được lượng tiền đồng ngoài thị trường nhưng phát triển thị trường tài chính nói chung, theo ông Thành cần dần bỏ đi tín phiếu.

Theo phân tích của ông Thành, việc phát hành tín phiếu khiến NHNN phải chịu chi phí cao. Và hai là hạn chế sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường giấy tờ có giá nói chung.

Trước lo ngại của chuyên gia Võ Trí Thành, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN lý giải cách thức hút tiền về của NHNN là "một nghệ thuật, một sự khéo léo" và được cơ quan quản lý cân nhắc kỹ lưỡng.

"Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng rất ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên, độ mở cửa của chúng ta rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ thị trường quốc tế. Tích lũy dự trữ ngoại hối vẫn rất cần thiết để ổn định thị trường, nhất là thị trường ngoại hối Việt Nam không chỉ bị tác động bởi yếu tố kinh tế mà còn là kỳ vọng của thị trường. Khi có điều kiện, NHNN sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ", Phó Thống đốc nói.

Cứu nguy cho thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước bơm hàng nghìn tỷ đồng ra thị trường - 2

Trước lo ngại của chuyên gia Võ Trí Thành, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN lý giải cách thức hút tiền về của NHNN là "một nghệ thuật, một sự khéo léo"

Về việc tại sao lại chọn kênh tín phiếu để hút tiền về, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã cân nhắc rất kỹ trong số tất cả các công cụ.

"Việc chuyển tiền gửi kho bạc từ Bộ Tài chính về NHNN quả thực trước đây chưa có, nhưng những năm vừa qua đã có. Nhưng lượng hút này so với lượng tiền NHNN đưa ra để thu mua ngoại tệ thì vẫn cần phải hút tiếp để đảm bảo duy trì mục tiêu lạm phát", Phó Thống đốc nói.

Trong khi đó, nếu hút tiền đồng về bằng công cụ dự trữ bắt buộc thì trong điều kiện đang cơ cấu lại các tổ chức tín dụng lại ảnh hưởng đến thanh khoản.

Chính vì như vậy, NHNN áp dụng phát hành tín phiếu và cách này rất linh hoạt. "Các tổ chức tín dụng mua được ngoại tệ của dân cư, bán lại cho NHNN thì những tổ chức này có thanh khoản. Có những tổ chức tín dụng thanh khoản không dồi dào thì việc phát hành tín phiếu là một công cụ linh hoạt. Như vậy, vừa có thể hút tiền về nhưng lại không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất", Phó Thống đốc giải thích.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, khi điều hành chính sách tiền tệ thì không đặt ra vấn đề chi phí mất bao nhiêu mà mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi nếu như không có chi phí này thì thị trường không ổn định, lập tức tỷ giá biến động hoặc lãi suất biến động thì chi phí của doanh nghiệp hoặc chi phí kinh tế nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, đây là những chi phí không thể tính toán được.

An Hạ