1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hết kỳ vọng mua xe giá rẻ, giá nào cũng chấp?

Nếu không được mua xe ô tô giá rẻ, người tiêu dùng sẽ chọn xe cũ hoặc "cố lên một tí" để mua bằng được một chiếc xe 4 bánh.

Hàng loạt các chương trình ưu đãi ô tô thời gian qua khiến người tiêu dùng cảm thấy chưa khi nào lại nhận được sự quan tâm đặc biệt như vậy.

Cùng với đó là những thông tin cho thấy tới thời điểm năm 2018, thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc được sản xuất từ các nước ASEAN về Việt Nam được giảm xuống bằng 0, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa cao sẽ giảm từ năm 2018 làm nhiều ý kiến cho rằng, các động thái này đang góp phần đưa xe ô tô về giá trị thực của nó.


Ô tô giảm giá trăm triệu vẫn chưa về giá trị thực. Ảnh minh họa: NLĐ

Ô tô giảm giá trăm triệu vẫn chưa về giá trị thực. Ảnh minh họa: NLĐ

Tuy nhiên, với các diễn biến chính sách gần đây, điều này là khó xảy ra.

Trong báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương lại đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi cho các nhà lắp ráp ô tô Việt nhưng tăng thuế TTĐB với người mua xe.

Theo đó, hiện nay, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện và thuế nhập khẩu linh kiện khá cao, từ 15-18%. Đây là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.

Sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.

Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đề xuất thay đổi giá tính thuế với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022 và không tính thuế TTĐB với linh kiện, phụ tùng nội địa hóa nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước…

Trong khi đó, Bộ Công thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp điều chỉnh tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2.5L trở lên, Thuế TTĐB đối với xe dung tích 2.5L bởi thuế TTĐB là loại thuế nội địa không chịu ràng buộc của các cam kết quốc tế.

Hiện ở Việt Nam, mức thuế TTĐB đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống dung tích xi lanh 2.5L là 55%.

Theo Luật 106/2016/QH13 - Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực ngày 1/7/2016, xe 9 chỗ dung tích xi lanh dưới 1.5L được áp dụng Thuế TTĐB ở mức 40% từ 1/7/2016 đến hết năm 2017 và về mức 35% từ năm 2018 trở đi.

Với kiến nghị trên của Bộ Công Thương, nếu được thông qua, xe ô tô dung tích 1.5L sẽ mất 4 năm nữa mới được giảm thuế TTĐB từ mức 40% hiện nay, xuống 35% như trong Luật 106 nói trên.

Bộ Công thương cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính đánh thuế nhập khẩu và thuế TTĐB đối với dòng xe bán tải (pick up) nhập từ Thái Lan cao ngang với thuế đối với xe con 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc này được cho là nhằm ngăn chặn dòng xe nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam khi các hãng ô tô bắt đầu ngưng sản xuất để nhập khẩu nguyên chiếc một số dòng xe nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Xe Việt có thể không làm, vì sao bắt dân gánh nợ?

Trước các diễn biến tác động tiêu cực tới giá xe như hiện nay, người tiêu dùng lâm vào một "mê đồ trận" mà không biết có nên mua xe thời điểm này hay đợi tới năm 2018, nên mua xe lắp ráp trong nước hay mua xe nhập khẩu nguyên chiếc với giá cả có thể rẻ hơn và chất lượng cũng hơn.

Anh Hồng Minh (35 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chất lượng của xe ô tô trong nước đang ngày càng được khẳng định. Nhiều người bạn của anh đã chọn và cũng hài lòng với mức giá cùng chất lượng xe.

Tuy nhiên, để cạnh tranh về chất lượng với các nước ASEAN mà phải dùng quá nhiều ưu đãi với xe lắp ráp, sản xuất trong nước mà bỏ quên mất quyền lợi của người tiêu dùng là điều rất khó để chấp nhận.


Nhu cầu cao thì không nên ép thuế với dân. Ảnh minh họa: Bizlive

Nhu cầu cao thì không nên ép thuế với dân. Ảnh minh họa: Bizlive

Anh Minh đặt câu hỏi, việc một chiếc xe được lắp ráp tại Việt Nam có giá thành cao luôn được viện cớ áp lực từ nhập khẩu linh kiện nhưng ở các quốc gia khác cũng phải nhập khẩu linh kiện, giá xe vì sao lại không đắt gần nhất thế giới như ở Việt Nam?

Ngoài ra, giá xe cao nhưng vì sao chất lượng lại không được bằng các hãng xe khác trên thế giới?

"Nếu so sánh một chiếc ô tô lắp ráp Việt Nam, và một chiếc ô tô lắp ráp tại Thái Lan với các chi tiết kỹ thuật tương đương, giá xe có thể chênh nhau ít nhiều nhưng chất lượng và độ bền sẽ khác biệt hoàn toàn. Nói không phải để chê xe Việt Nam, nhưng nếu không có lắp ráp ô tô Việt, tôi thấy không có vấn đề gì. Người dân khi có nhu cầu sẽ chấp nhận bỏ tiền cao để mua xe nhập khẩu" - anh Minh nói.

Cùng ý kiến này, anh Lý Cường (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, mức độ cạnh tranh của Việt Nam trong một số lĩnh vực so với các nước ASEAN là khá cao, ngoài công nghiệp ô tô.

"Khi nhu cầu người dân về ô tô tăng cao đặc biệt là thời điểm năm 2018, xe máy bị cấm vào năm 2020- 2030 vì lý do tắc đường, trong khi cơ sở hạ tầng không rõ 10 năm nữa đã có thể đủ để cung cấp nhu cầu đi lại cho người dân hay chưa thì tôi nghĩ tầm nhìn đó chưa thể cạnh tranh được" - anh Cường nhận xét.

Anh Cường cũng cho rằng, nếu như muốn cứu các doanh nghiệp ô tô cạnh tranh được với các nước ASEAN, không thể chọn cách áp thuế vào người tiêu dùng, những người đáng lẽ được hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước.

"Chúng ta tìm cách mở cửa để thu hút thị trường thế giới, thu hút thật nhiều hãng ô tô ngoại được vào Việt Nam để lấy tiền thuế. Sau đó chúng ta không cạnh tranh được, chúng ta tìm cách cứu các doanh nghiệp trong nước bằng cách 'đè đầu' dân để thu thuế. Đúng là 'Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong'! " - anh Cường nói.

Còn chị Linh Nguyễn (32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng, gia đình nào cũng mong muốn có ô tô để đi lại cho thuận tiện bởi nhu cầu đi lại của những gia đình có gốc ở ngoại tỉnh và đi chơi, nghỉ dưỡng cũng rất cao. Những gia đình không có điều kiện vật chất thì mới nói rằng không muốn mua ô tô. Nếu để dư ra được một khoản tiền, họ sẽ chú ý ngay tới một phương tiện để đi lại che mưa che nắng.

Do vậy, nhu cầu mua ô tô là không giới hạn. Người ít tiền mua xe cũ, người nhiều tiền mua xe mới.

Cũng bởi vậy, cách làm đánh thuế lên người có nhu cầu thiết yếu là một chiếc ô tô là điều không nên lựa chọn. Đặc biệt, lý do để đánh thuế người tiêu dùng lại nhằm cứu các nhà lắp ráp trong nước vốn không hoạt động hiệu quả, chất lượng sản phẩm không tương xứng giá bán thì càng không nên chấp nhận.

Theo Cúc Phương
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm