Hết khẩu trang rồi đến áo phao: Gian thương trục lợi bằng bất cứ giá nào

(Dân trí) - Lợi dụng thời điểm dịch bệnh hay lúc bão lũ nguy nan, nhiều gian thương vẫn cố tình trục lợi, tăng giá các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu như khẩu trang, áo phao, bất chấp sự lên án của người tiêu dùng.

Áo phao cứu sinh

Từ khi mực nước lũ ở miền Trung dâng cao, các đoàn từ thiện, người dân liên tục mua áo phao cứu sinh chuyển vào cứu trợ, khiến nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ ở Hà Nội "cháy hàng". Nhiều cơ sở còn phải thông báo tạm dừng nhận đơn do không đủ lượng hàng cung ứng và không kịp tiến độ sản xuất.

Chủ một tiệm chuyên bán đồ bảo hộ ở Hoài Đức (Hà Nội) thông tin, toàn bộ số áo phao cứu sinh ở cửa hàng đã hết sạch. Nếu khách muốn mua phải chờ 1 - 2 ngày nữa mới có hàng. Không những thế, giá áo phao sẽ tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/chiếc so với mọi khi.

"Áo phao dành cho người lớn hiện tại là 70.000 đồng/chiếc, còn 1 - 2 ngày nữa giá thế nào thì tôi không biết. Vì ngay cả như chúng tôi giờ còn không nhập được hàng. Khách muốn mua đều phải chuyển khoản và tự đến lấy đồ vì tiệm hiện rất bận" - chủ tiệm nói.

Hết khẩu trang rồi đến áo phao: Gian thương trục lợi bằng bất cứ giá nào - 1

Nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ liên tục thông báo "cháy hàng" áo phao cứu sinh

Chị N.Y, thành viên ở một nhóm từ thiện cho biết, nhóm chị đang vật lộn tìm đầu mối mua áo phao cứu sinh để gửi vào miền Trung. Giá áo phao liên tục tăng mạnh trong vài ngày trở lại đây khiến nhóm chị phải cân nhắc các phương án tốt nhất. Bởi các đầu mối bình ổn giá, bán áo phao hợp lý hiện đều hết hàng hoặc sản xuất không kịp do lượng đơn quá tải. 

"Điều tôi buồn nhất lúc này là nhiều gian thương nhân cơ hội tăng giá áo phao. Ban đầu, áo chỉ có 50.000 - 60.000 đồng/chiếc tùy loại, mà hiện tăng lên gấp đôi. Đây là việc làm quá thất đức khi lợi dụng lúc đồng bào đang lúc khó khăn để trục lợi" - chị Y. bức xúc nói.

Khẩu trang y tế

Tương tự như khi ở Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, giá khẩu trang y tế đột nhiên tăng gấp 3 - 4 lần. Đơn cử như giá khẩu trang ngày thường dao động ở mức 5,5 triệu đồng/thùng, nhưng đến khi có bệnh nhân mắc Covid-19 đã lên tới 7 triệu đồng.

Hết khẩu trang rồi đến áo phao: Gian thương trục lợi bằng bất cứ giá nào - 2

Khẩu trang y tế trở thành vật bất ly thân trong mùa dịch Covid-19

Do mức giá biến động quá mạnh khiến chị Phương Linh (Chợ Bún, Hà Nội) vội vàng hủy hết các đơn hàng đã nhận tiền của khách. Bởi theo chị, hôm trước hỏi 1 giá, hôm sau hàng lại 1 giá, đã chốt đơn mà lại tăng giá sẽ bị khách nói. Mà không tăng thì lỗ, nên chị đành trả lại hết tiền cho khách.

“Đó là chưa kể, khẩu trang không về ngay mà cuối tuần hàng mới về. Nhiều mối buôn lớn muốn găm hàng càng lâu càng tốt để được giá mới bán ra. Lúc đó, họ bán ra giá bao nhiêu cũng phải mua, nếu không mua thì cũng rất khó có chỗ khác lấy được ngay”, chị Linh cho hay. 

Thậm chí, bài đăng về việc bán khẩu trang trên mạng xã hội chị Linh cũng phải xóa. Vì có quá nhiều khách đặt hàng, nếu không trả lời thì lần sau khách sẽ không mua ủng hộ.

“Mà nhận tiền rồi không có hàng, hoặc bán đắt khách lại chửi thất đức, nên tôi dừng hẳn ý định buôn khẩu trang”, chị Linh nói.

Nhận cái kết đắng

Khi sóng dịch lần 2 trở lại, anh T (Đống Đa, Hà Nội) được bạn rủ chung tiền buôn khẩu trang. Nhóm này đã đi vay mượn, xoay sở được 500 triệu đồng để nhập khẩu trang y tế .

“Lúc đó, ai cũng hào hứng vì nghĩ sẽ dễ “ăn” như lần đầu. Mỗi người đều bỏ vào đó hơn 100 triệu đồng. Số tiền này là đi vay mượn gia đình hoặc tiền tiết kiệm của mỗi người”, anh T nói.

Hàng nhập về đến kho, nhưng chỉ vài hôm sau, cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt việc buôn bán khẩu trang. Chưa kể, mặt hàng khẩu trang không được phép chạy quảng cáo trên mạng xã hội khiến việc bán hàng càng trở nên khó khăn.

Nhóm bạn trẻ này còn chưa lường được việc, do có sự chuẩn bị, nên mặt hàng khẩu trang không khan hiếm như trước. Nhiều nơi cũng tung hàng ra bán với giá rẻ hơn nên càng khó cạnh tranh.

Giá khẩu trang giảm một mạch về còn 60.000 - 70.000 đồng/hộp, nhóm anh T mới vỡ mộng làm giàu.

Không chỉ mất gần một nửa giá gốc, nhóm này còn mất cả chi phí vận chuyển, lưu kho bãi, điện nước và công sức. Tính ra, số tiền lỗ đã quá một nửa tiền vốn và chưa dừng lại vì hàng vẫn còn nhiều chưa bán hết.

Xử lý mạnh tay

Trước thông tin nhiều thương lái găm hàng, đẩy giá áo phao, Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định sẽ xử nghiêm. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, ngay khi lũ xảy ra, Tổng cục Quản lý Thị trường đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phải xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá. Đặc biệt việc găm hàng, tăng giá các loại thực phẩm, đồ ăn, nước uống, áo phòng hộ, đồ cứu nạn...

Ông Bình cho biết, hiện Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các Cục Quản lý thị trường các tỉnh xảy ra lũ lụt phải tìm các biện pháp để bình ổn giá cả và đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đảm bảo không vì lũ lụt mà tăng giá, gây khó khăn cho người dân vùng lũ.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng thương lái bán lẻ các loại áo phao cứu trợ, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các nhóm, tổ chức thiện nguyện liên hệ với các cơ quan chức năng, hoặc doanh nghiệp bán hàng trực tiếp để đảm bảo hàng đúng chất lượng, giá cả ổn định