Hết 2 năm thí điểm với Grab, Uber, Bộ Giao thông kiến nghị gì với Thủ tướng?

(Dân trí) - Được nhiều nhưng mất cũng không ít, sau 2 năm thí điểm mô hình kinh doanh vận tải Grab, Uber theo Quyết định 24, Bộ Giao Thông Vận tải chính thức có đánh giá cụ thể, đồng thời đưa ra 9 kiến nghị đáng lưu ý.


Các hãng taxi truyền thống vẫn đòi hỏi Uber, Grab phải đăng ký như một hãng taxi bình thường để đảm bảo cạnh tranh

Các hãng taxi truyền thống vẫn đòi hỏi Uber, Grab phải đăng ký như một hãng taxi bình thường để đảm bảo cạnh tranh

Theo đó, căn cứ vào kiến nghị của các Sở và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và doanh nghiệp hợp tác xã vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động theo quy định tại Quyết định số 24 cho đến khi Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 có hiệu lực; đồng thời giao cho các tỉnh, thành phố quyết định số lượng đầu xe được tham gia thí điểm.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ cho phép được trực tiếp chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất của hiệp hội, sở và doanh nghiệp nghiên cứu về loại hình vận tải để đưa vào nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh khác theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời Bộ này cho biết cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 86 của Chính phủ, trong đó có nội dung quy định đối với hợp đồng vận tải điện tử, đảm bảo công bằng, minh bạch giữa các loại hình vận tải.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận Tải cũng đề nghị Thủ tướng xem xét cho các địa phương đã thí điểm, khi số lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì tạm thời không cấp mới phù hiệu để tránh hiện tượng cung vượt cầu.

Hiện nay trên một số địa phương đã xuất hiện các đơn vị vận tải cung cấp phần mềm tự ký thoải thuận khiến cho công tác quản lý của các Sở Giao thông Vận tải gặp khó khăn, vì thế, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng cho phép được ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang hoạt động tại 5 địa phương nằm trong diện thí điểm gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh được ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng phần mềm để quản lý và kết nối hành khách.

Việc thí điểm bắt đầu từ đầu năm 2016. Cụ thể, bgày 7/1/2016, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định 24 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Công tác thí điểm được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh trong vòng hai năm. Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thí điểm nhằm tạo tiền đề triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành vận tải; Từng bước đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nền nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Sau thời gian thí điểm, Bộ sẽ đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng đề án trên phạm vi cả nước.

Sau hai năm, ngoài hai ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car) còn có 8 đơn vị khác tham gia Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ GTVT bao gồm: Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh).

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có tổng số 866 đơn vị kinh doanh vận tải với hơn 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó, trên địa bàn TP HCM có 506 đơn vị vận tải, 3 nhà cung cấp phần mềm với 21.601 xe thí điểm. TP Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm với 15.064 xe tham gia thí điểm. Tỉnh Quảng Ninh có 4 đơn vị vận tải, 2 đơn vị cung cấp phần mềm, 62 xe tham gia thí điểm. Còn Khánh Hòa, số lượng xe tham gia thí điểm là 100 và hai đơn vị vừa là doanh nghiệp vận tải vừa là nhà cung cấp phần mềm.

Loại hình chở khách có ứng dụng công nghệ như Grab, Uber từ khi thí điểm tại Việt Nam giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, đồng thời buộc các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, xã hội, sau hai năm thí điểm, vẫn còn một số bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện.

H.Anh

Hết 2 năm thí điểm với Grab, Uber, Bộ Giao thông kiến nghị gì với Thủ tướng? - 2