Hệ thống ngân hàng Việt Nam còn xa chuẩn quốc tế

(Dân trí) - Chủ tịch UBGS Vũ Viết Ngoạn đánh giá, ngân hàng Việt Nam mặc dù đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, song về chuẩn an toàn quốc tế, trong khi nhiều quốc gia đã đáp ứng được Basel III thì Việt Nam mới chỉ ngấp nghé Basel II với một số tiêu chí.

Đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á ngày 27/11, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Vũ Viết Ngoạn cho rằng, thời điểm khó khăn nhất của thị trường ngân hàng rơi vào cuối 2011.

Theo đó, thời điểm này, thanh khoản thị trường rất khó khăn, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ do nợ xấu lớn và mất khả năng thanh khoản. Tâm lý thị trường lúc đó rất nặng nề.

Chủ tịch UBGS Vũ Viết Ngoạn: Nghiêm túc mà nói ta vẫn còn xa so với chuẩn mực quốc tế (Ảnh: BD).
Chủ tịch UBGS Vũ Viết Ngoạn: "Nghiêm túc mà nói ta vẫn còn xa so với chuẩn mực quốc tế" (Ảnh: BD).

Tuy nhiên, thông qua những giải pháp phù hợp, ông Ngoạn cho rằng, Chính phủ đã đưa hệ thống ra khỏi thời kỳ này và đảm bảo được quyền lợi người gửi tiền để ngân hàng tiếp tục huy động vốn.

Đồng thời, cơ quan điều hành cũng đã có giải pháp hỗ trợ tạm thời về thanh khoản cho các tổ chức tín dụng đang khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn kiểm soát hoạt động để không cho các ngân hàng có vấn đề tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm hay mở rộng kinh doanh.

Điều này, theo ông Ngoạn, đã hạn chế được khó khăn và cải thiện tình hình cho các ngân hàng và cả hệ thống đã khả quan hơn. Còn nhiệm vụ trước mắt phải làm, theo ông Ngoạn là NHNN phả xử lý được nợ xấu để "dòng máu" nền kinh tế lưu thông tốt hơn.

Về vấn đề cải cách ngân hàng vẫn chưa đột phá, đặc biệt là vấn đề sở hữu chéo, Chủ tịch UBGS cho rằng, một số khó khăn thực tế của kinh tế Việt Nam đã tích tụ từ lâu và để giải quyết cần thời gian.

Trước hết, cơ quan điều hành phải nhận dạng được rủi ro đó và thực tế là Chính phủ đã làm được điều này. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung hoàn thiện quy chế để ngăn rủi ro tương tự. Việc khắc phục hậu quả cần thời gian để nghiên cứ kỹ, nguồn lực và giải pháp hữu hiệu phù hợp với Việt Nam chứ không thể học hỏi kinh nghiệm một cách cứng nhắc từ các nước - theo ông Ngoạn.

Ông cũng cho biết, tư tưởng chung các cơ quan quản lý hiện nay là kiên quyết đẩy nhanh thực hiện nhanh nhất có thể, và thời gian tới sẽ có bức tranh cụ thể hơn về vấn đề này.

Còn về nhiệm vụ giải quyết nợ xấu và thành lập công ty xử lý nợ, ông Ngoạn nói, Chính phủ chưa hề nêu thời gian cụ thể và để thực hiện được, cần lộ trình. Gần đây, tại Quốc hội cũng mới chỉ đặt lộ trình cố gắng tới 2015 đưa nợ xấu dưới 3%.

Vẫn còn cách xa chuẩn quốc tế

Nói về tiến trình thực hiện Basel III, Chủ tịch UBGS cho rằng, Việt Nam phải nhìn nhận được mình đang ở vị trí nào trong lộ trình cải cách tài chính theo lộ trình quốc tế.

Trong khoảng chục năm trở lại, Việt Nam đã nhiều đổi mới về tiếp cận thông lệ quốc tế nhưng "nghiêm túc mà nói ta vẫn còn xa so với chuẩn mực quốc tế", đặc biệt là từ năm 2008-2009 khi khủng tài chính thế giới nổ ra, thế giới lại tiếp tục cải cách tài chính lần nữa.

Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đặt ra cho Việt Nam yêu cầu phải đẩy nhanh cải cách tài chính nhanh hơn. Không những phải khắc phục những điểm yếu nội tại mà còn phải đi nhanh hơn để tiếp cận dần với thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của UBGS, để đạt chuẩn Basel III thì Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, có thể tiếp cận theo tiêu chí Việt Nam chứ không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ Basel 1, Basel 2 rồi mới tới 3.

"Chúng tôi thấy rằng, qua hội nghị kỳ này, được trao đổi với các đồng nghiệp thì các quốc gia trong khu vực đang triển khai nhanh cải cách tài chính như Thái Lan, họ đang tích cực triển khai Basel III, đây là cố gắng lớn của Thái và bài học của Việt Nam".

Trong tương quan với các quốc gia khác cùng khu vực, các quốc gia này đã tiếp cận Basel III tích cực và đã đáp ứng 12/14 tiêu chí về vốn và thanh khoản như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Nhiều quốc gia khác cũng đã ở giai đoạn triển khai Basel II. Trong khi đó, Việt Nam và một số nước khác như Lào, Campuchia vẫn đang ở vị trí khởi đầu.

Dù vậy, theo đánh giá của cơ quan giám sát, một số tiêu chí Basel II thì Việt Nam đã tiếp cận theo cách riêng của mình.

Hiệp định Basel III được Thống đốc các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý ngân hàng 27 thành viên (gồm Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Ả Rập Xê Út, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ) ký kết ngày 12/9/2010 tại Thành phố Basel, Thụy Sỹ.

Basel III với những quy định mới về khái niệm và các tiêu chuẩn tối thiểu cao hơn, cùng phương pháp giám sát an toàn vĩ mô được đánh giá là sự thay đổi lịch sử trong quy định về hoạt động ngân hàng. Lộ trình để thực hiện Basel III bắt đầu từ tháng 1/2013 và hoàn thành vào cuối năm 2018.

Bích Diệp