1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hệ thống ngân hàng: Phía sau của sự thành công

Điều hành chính sách tiền tệ góp phần đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định giá trị đồng tiền. Thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Quản lý hiệu quả thị trường vàng, ngoại tệ, thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với lộ trình và bước đi phù hợp đạt được mục tiêu ổn định hệ thống. Đó là thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua. Thế nhưng phía sau của sự thành công đó là không ít mồ hôi, công sức…

Niềm tin là tài khoản ngân hàng

Tổ chức tín nhiệm quốc tế Moody’s mới đây đã nâng chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B2 lên B1 ở mức độ ổn định, hàng loạt ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng đã được tổ chức này nâng hệ số tín nhiệm lên mức triển vọng và “tích cực”. Phía sau những thành công đó, là cả tập thể những người làm ngân hàng của cả nước ngày đêm lao động quên mình để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

Hệ thống ngân hàng: Phía sau của sự thành công
Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại lớn đã ký kết văn bản thỏa thuận cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Kiều Linh
 
Nhà quản trị John Markwell đã nói rằng: “Niềm tin là tài khoản ngân hàng”. Dân tin họ sẽ gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng có giá trị quan trọng đối với sự ổn định hệ thống và tăng huy động tiền gửi. Niềm tin góp phần vào sự thành công của chính sách tiền tệ được bắt đầu từ một bà nội trợ không phải lo lắng giá cả hàng hóa leo thang trong mấy năm trở lại đây, từ việc người dân thích gửi tiền Việt Nam đồng hơn ngoại tệ.
 
Điều đó có nghĩa là họ tin vào đồng tiền Việt Nam, nâng cao giá trị cho đồng tiền Việt Nam. Đó là một điểm sáng trong chính sách tiền tệ vì chúng ta phải đặt hoàn cảnh thống đốc chèo lái ngành ngân hàng trong bối cảnh thế giới nợ công tăng cao, nền kinh tế trong nước và quốc tế đối mặt với nhiều khó khăn do dư địa của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đà phục hồi chậm, tăng trưởng tín dụng trước kia quá nóng, lạm phát ở mức cao…
 
Một bức tranh với nhiều mảng màu tối đã đặt thống đốc vào vị trí phải giải bài toán cung ứng tiền một cách phù hợp để kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Và với chính sách đúng hướng trong việc kiểm soát dòng tiền bằng các công cụ chính sách tiền tệ, câu chuyện ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đã được người đứng đầu ngành ngân hàng giải quyết êm thấm.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Một trong những thành công lớn được ghi nhận trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ ở Việt Nam trong thời gian qua là việc chấn chỉnh quản lý thị trường vàng. Với việc ban hành chính sách mới để thay đổi tư duy trong việc quản lý thị trường vàng, để sẽ không còn hiện tượng người dân lũ lượt mua-bán vàng theo trạng thái tâm lý. Nếu không đổi mới chính sách, một thị trường vàng lộn xộn với một tâm lý nhiều giao dịch kinh tế đều quy ra giá trị “cây” (cây vàng) thì thật sự là một thảm họa cho nền kinh tế đặc biệt là ở đất nước đang phát triển.
 
Mỗi người dân, mỗi gia đình có tiền tích lũy lại mang ra mua vàng về cất trữ, xét trên từng cá nhân thì không ảnh hưởng nhiều nhưng xét trên tổng thể nền kinh tế thì số tiền tích lũy đó không mang lại giá trị cho xã hội và là nguyên nhân của hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Để giải quyết câu chuyện đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đứng trước sự lựa chọn, một là để như trước đồng nghĩa với việc buông lỏng thị trường vàng. Hai là đưa thị trường vàng vào khuôn khổ quản lý có trật tự và sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt, thậm chí sự hiểu lầm của dư luận vì động chạm đến câu chuyện lợi ích.

Khi thực hiện đổi mới chính sách quản lý vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn có niềm an ủi lớn khi thời gian và hiệu quả sẽ là câu trả lời tốt nhất cho hiệu ứng chính sách đối với vàng. Ông đã là người truyền “lửa” cho sự nhiệt huyết và quyết tâm “thử vàng”...

Xóa bỏ một thị trường hai tỷ giá

Làm thế nào để ổn định tỷ giá, phải xóa bỏ bằng được tình trạng 2 tỷ giá (tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường chợ đen) và giảm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế là một quyết tâm đổi mới của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước luôn trăn trở phải có quyết sách hợp lý để ổn định tỷ giá tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mang lại lợi ích cho quốc gia.
 
Nhiều người hoài nghi về quyết tâm đó của thống đốc, có người cho rằng, có thể ổn định được tỷ giá nhưng khó lòng mà kiểm soát được thị trường chợ đen. Để đạt được mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước đã đổi mới chính sách quản lý thị trường ngoại hối. Trong thực tế mấy năm trở lại đây tỷ giá đã ổn định, người dân và doanh nghiệp yên tâm và tin tưởng vào chính sách quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Và chưa bao giờ trong lịch sử dự trữ ngoại hối quốc gia đã lên con số hơn 35 tỷ đô-la do người dân đã bán một lượng lớn ngoại tệ cho ngân hàng.

Thực tế quyết tâm đó đã mang lại hiệu quả, tỷ giá trong năm vừa qua có sự điều chỉnh rất nhỏ và Ngân hàng Nhà nước đã luôn chủ động định hướng thông tin để giúp người dân và doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch kinh doanh của mình trước mỗi lần điều chỉnh tỷ giá. Tình trạng đô-la hóa nền kinh tế được hạn chế. Điều quan trọng là tình trạng chợ đen về đô-la đã được kiểm soát.

Giải bài toán “Tín dụng phải đi vào sản xuất”

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dành nhiều thời gian để đối thoại thẳng thắn với doanh nghiệp, đi đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tiếp cận với bà con nông dân, ngư dân, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài, với các ngân hàng thương mại để tìm hiểu những vướng mắc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để ban hành chính sách tín dụng phù hợp.
 
Làm sao để giải quyết được bài toán tín dụng phải đi vào sản xuất, thủ tục cho vay phải đơn giản hóa, phát huy được các chuỗi giá trị trong nông nghiệp, công nghiệp, giúp bà con nông dân làm giàu từ nông nghiệp, phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần triển khai được tái cấu trúc nền nông nghiệp, thay đổi mô hình tăng trưởng phục vụ cho tái cấu trúc nền kinh tế?

Từ các chuyến đi thực tế đó, chính sách tín dụng mới với hàng loạt chương trình tín dụng lần đầu tiên được triển khai, phân luồng như chương trình cho vay phục vụ sản xuất thu mua phục vụ lúa gạo, chính sách tín dụng với nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, cho vay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cho vay liên kết 4 nhà…

Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh lãi suất cho vay khoảng hơn 20% thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để hạ lãi suất và hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 7-8%. Khi có dư luận doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, ông đã đối thoại thẳng thắn và chỉ đạo ngành ngân hàng triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: "Một cây làm chẳng nên non"

Người ta vẫn dùng thành ngữ đó để nói về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bởi đây là câu chuyện không phải của riêng ngành ngân hàng mà là của cả nền kinh tế. Ở đâu cũng vậy, khi thành lập thì dễ, khi giảm đi thì khó bởi động chạm đến lợi ích. Việc khó, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết tâm làm để trong hơn 3 năm đã giảm số lượng 7 ngân hàng và minh chứng những ngân hàng được tái cấu trúc hoạt động ổn định, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế. Điều mọi người đánh giá cao ngành ngân hàng là thực hiện tái cấu trúc nhưng vẫn bảo đảm được nguyên tắc ổn định hệ thống.

Vấn đề xử lý nợ xấu cũng là một áp lực với Ngân hàng Nhà nước  khi giải quyết những “cục máu đông” tồn tại trong một thời gian dài, cơ chế chưa đầy đủ, không được sử dụng tiền ngân sách. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu với Chính phủ thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) dù còn nhiều khó khăn về cơ chế nhưng đó là một sự lựa chọn tối ưu và hợp hoàn cảnh của Việt Nam.

Phát triển để hội nhập quốc tế

Đó là một thông điệp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thể chế hóa bằng cơ chế chính sách chỉ đạo các ngân hàng thương mại đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị bằng biện pháp dần áp dụng tiêu chuẩn về quản trị rủi ro quốc tế để bảo đảm an toàn hệ thống, minh bạch hóa thông tin giúp ngân hàng Việt Nam có thể hội nhập, cạnh tranh với ngân hàng các nước trong khu vực.
 
Và có lẽ sự đánh giá của Mood’s dy nâng hạng cho hàng loạt ngân hàng Việt Nam là một sự đo lường có kết quả cho quyết tâm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa các ngân hàng Việt Nam vượt qua khó khăn, khôi phục và hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế.
 
Trước những thành công nói trên, nhiều người đã chúc mừng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Thống đốc. Người ta mỉm cười với những hình ảnh lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vận động cả hệ thống ngân hàng chia sẻ, chung tay với những gia đình thương binh, liệt sĩ, người nghèo, người tàn tật, với những trẻ em không được đến trường, với những bệnh nhân ung thư… để ngành ngân hàng tự hào là điểm sáng trong chính sách xóa đói, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội. Thành công là rất lớn, nhưng phía trước của hệ thống ngân hàng vẫn còn không ít gian nan về tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, chấn chỉnh kỷ cương.
 
Theo Minh Hải
Quân đội Nhân dân