"Hệ thống chống tham ô dự án của Việt Nam chưa đủ mạnh"

(Dân trí) - “Triển khai dự án còn chậm, hệ thống quản lý của Chính phủ Việt Nam chưa đủ mạnh để giảm nguy cơ tham ô, tham nhũng dự án…” - quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Martin Rama, thẳng thắn trao đổi với báo giới xung quanh việc giám sát vốn ODA.

"Hệ thống chống tham ô dự án của Việt Nam chưa đủ mạnh" - 1
Cầu Bãi Cháy, một dự án thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản.
 
Thưa ông, với tư cách một nhà tài trợ, WB đánh giá thế nào về sự kiện Nhật Bản nối lại nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp ODA dành cho Việt Nam?
 
Tôi nghĩ đây là một tin tốt cho Việt Nam, đặc biệt tại thời điểm các nguồn vốn rất hiếm hiện nay. Việt Nam đang rất cần vốn để vượt qua khó khăn.
 
Ông có nghĩ rằng nỗ lực của phía Việt Nam trong việc giải quyết vụ án tại dự án đại lộ Đông - Tây thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ đã giúp lấy lại niềm tin với nhà tài trợ?
 
Nhật Bản và Việt Nam có lẽ đã đi đến thoả thuận nào đó, một sự hiểu nhau hơn về cách thức mà nước chủ nhà tiến hành để đảm bảo rằng các nguồn vốn của Nhật cũng như của các nhà tài trợ khác được sử dụng hiệu quả và không bị lạm dụng.
 
Các nhà tài trợ hiện đánh giá thế nào về hiệu quả của các dự án được thực hiện bằng vốn ODA tại Việt Nam, thưa ông?
 
"Hệ thống chống tham ô dự án của Việt Nam chưa đủ mạnh" - 2

Ông Martin Rama.

Trên quan điểm của WB, các dự án của chúng tôi ở Việt Nam đều có kết quả rất tốt, hiệu quả cao, tác động xã hội tích cực. Quan hệ đối tác tốt đẹp và các khoản hỗ trợ của WB dành cho Việt Nam đang tăng lên. Số tín dụng hỗ trợ cho các dự án hiện hành là 4,5 tỷ USD trên tổng giá trị cam kết 8,5 tỷ USD. Con số này trong tương lai còn có thể tăng lên nữa.
 
Đánh giá này là từ một cơ quan độc lập của WB, như một cơ quan kiểm toán riêng, hoàn toàn tách rời, chứ không phải trên quan điểm chủ quan của chúng tôi. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án tại Việt Nam còn chậm so với nhiều nơi khác trên thế giới. Đây là một yếu tố mà phía Việt Nam phải chú ý hơn.
 
Đã có thời gian tương đối làm dự án tại đất nước này, ông có cho rằng Việt Nam còn “vướng” gì trong nỗ lực quản lý nguồn vốn tài trợ?
 
Tôi nghĩ là do hệ thống quản lý và thực hiện dự án ở Việt Nam còn chồng chéo. Một phần là do hệ thống của Chính phủ Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh để đảm bảo cho các dự án khi thực hiện ít rủi ro cũng như giảm thiểu nguy cơ bị tham nhũng tham ô. Do đo các nhà tài trợ vẫn phải sử dụng hệ thống riêng của mỗi người trong việc thực hiện các dự án.
 
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
 
Sau thoả thuận đạt được với Nhật Bản, trong tương lai chúng tôi hy vọng rằng hệ thống của Chính phủ Việt Nam sẽ được tăng cường để giảm thiểu các rủi ro khi thực hiện dự án.
 
Và như vậy, các nhà tài trợ khác có thể sử dụng nhiều hơn hệ thống của Việt Nam để thúc đẩy việc thực hiện các dự án. Nếu có thể chỉ sử dụng duy nhất một hệ thống quản lý thì tiến độ thực hiện dự án sẽ được đẩy lên rất nhiều.
 
Xin cám ơn ông!
 

Ngày 22/2/2009, Nhật Bản tuyên bố nối lại nguồn vốn viện trợ phát triển trực tiếp ODA dành cho Việt Nam. Tổng số vốn ban đầu là 83 tỷ 200 triệu Yên tương đương khoảng 900 triệu USD, cho 4 dự án: Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội; Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2; Dự án thoát nước và cải tạo môi trường TP Hải Phòng; Dự án nâng cấp hệ thống các cầu và tuyến tỉnh lộ.

 
Thảo Hương (ghi)