Hé lộ “thủ đoạn” che giấu 32.000 tỷ USD của giới siêu giàu
(Dân trí) - Chia nhỏ tài sản và cất giữ dưới tên của các công ty được thành lập ở những “thiên đường” thuế, rất nhiều tỷ phú thế giới thuộc hàng siêu giàu nhưng về mặt pháp lý lại chẳng có mấy tài sản. Có khoảng 32.000 tỷ USD đang được che giấu theo cách này.
Tỷ phú Dmitry Rybolovlev, người giàu thứ 14 tại Nga và vợ là Elena Rybolovleva suốt 5 năm qua đã có những tranh cãi pháp lý triền miên tại ít nhất 7 quốc gia về khối tài sản 9,5 tỷ USD của vị tỷ phú này.
Trong một đơn ly hôn được nộp tại Geneva, Thụy Sỹ năm 2008, Rybolovleva cáo buộc chồng đã sử dụng “vô số các bên thứ ba” để tạo ra một mạng lưới các công ty và các quỹ tín thác ở nước ngoài để nắm giữ tài sản cho mình, bao gồm khoảng 500 triệu USD các tác phẩm nghệ thuật, 36 triệu USD trang sức và một du thuyền 80 triệu USD, khiến bà không thể đụng tới.
Rybolovleva đã khởi kiện ông chồng 48 tuổi tại đảo Virgin Islands, Anh, xứ Wales, Mỹ, đảo Síp, Singapore và Thụy Sỹ để đòi chia 6 tỷ USD.
Những vụ kiện này đã giúp công luận phần nào thấy được những cấu trúc tài sản ở nước ngoài và những quốc gia bí mật mà những người giàu có nhất thế giới sử dụng để quản lý, bảo vệ và che giấu tài sản của mình.
Theo Mạng lưới công lý thuế, một tổ chức có trụ sở tại Anh đấu tranh vì sự minh bạch của hệ thống tài chính, chỉ tính tới cuối năm 2010 các “đại gia” thế giới đã che giấu khoảng 32.000 tỷ USD ở nước ngoài. Trong đó, theo chuyên gia kinh tế James Henry của công ty McKinsey & Co, chỉ khoảng 100.000 người đã nắm giữ số tài sản tới 9800 tỷ USD.
“Với rất nhiều người, vấn đề không chỉ là tránh nộp thuế”, Philip Marcovici, một luật sư thuế độc lập tại Hong Kong, kiêm thành viên công ty tư vấn tài sản Kaiser Partner Group cho biết. “Mục đích của những người đó còn là đạt được quyền riêng tư và bảo mật cho các thương vụ tài chính của mình”.
Hơn 30% trong số 200 người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản khoảng 2800 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg, kiểm soát một phần các tài sản của mình thông qua một công ty ở nước ngoài hoặc các tổ chức trong nước khác mà qua đó họ gián tiếp nắm giữ tài sản. Các tổ chức này thường che giấu tài sản khỏi con mắt của các cơ quan thuế, hoặc đem đến sự bảo vệ về luật pháp trong trường hợp chính phủ tịch biên hay trước các vụ kiện.
Rybolovlev, đang sống tại Monaco, tích lũy được khối tài sản khổng lồ nhờ bán được hai công ty sản xuất phân bón với giá tổng cộng 8 tỷ USD trong năm 2010 và 2011. Tỷ phú này nắm giữ hai công ty OAO Uralkali và OAO Silvinit thông qua một công ty có trụ sở tại đảo Síp có tên Madura Holding Ltd.
Một số tác phẩm nghệ thuật đắt giá của Rybolovlev lại do công ty Xitrans Finance Ltd có trụ sở tại đảo Virgin Islands của Anh đứng tên. Bản thân các tác phẩm thì được cất giữ tại Singapore. Năm 2011, tỷ phú này mua căn hộ đắt nhất New York với giá 88 triệu USD thông qua một quỹ tín thác liên quan đến con gái mình Ekaterina.
Những thiên đường trốn thuế
Trong vụ kiện ly hôn, bà Rybolovleva nói rằng chồng mình đã chuyển nhiều tài sản, bao gồm đồ trang sức, nội thất và du thuyền, cho 2 quỹ Aries và Virgo do ông thành lập tại đảo Síp năm 2005, chỉ vài tuần sau khi bà từ chối ký thỏa thuận sau hôn nhân mà vị tỷ phú Nga đưa ra.
Tại châu Á, các tỷ phú Li Ka-Shing và Lee Shau Kee, những người giàu nhất châu Á, cũng kiểm soát một phần tài sản của mình thông qua các tổ chức ở nước ngoài. Ông Li nắm 43% cổ phần của tập đoàn bất động sản Hong Kong Cheung Kong Holdings Ltd thông qua các công ty và quỹ tín thác có cùng tên tại đảo Cayman và đảo Virgin Islands thuộc Anh.
Ông Lee thì nắm giữ cổ phần tại công ty Henderson Land Development thông qua 10 công ty khác được thành lập tại Panama và 2 hòn đảo thuộc Anh.
Alisher Usmanov, tỷ phú giàu nhất nước Nga hồi đầu năm nay đã tái cấu trúc cách nắm giữ khối tài sản 19,7 tỷ USD của mình bằng cách chuyển phần lớn tài sản, bao gồm 2 tài sản giá trị nhất là các tập đoàn Metalloinvest Holding Co. và OAO MegaFon, có tổng trị giá 12,7 tỷ USD sang tập đoàn USM Holdings tại đảo Virgin Islands.
Tỷ phú này kiểm soát ít nhất một tài sản – 30% cổ phần tại câu lạc bộ bóng đá Arsenal - trị giá 225 USD, thông qua Red & White Securities. Công ty này cũng được thành lập tại đảo Jersey của Anh.
Ingvar Kamprad, chủ sở hữu tập đoàn bán lẻ đồ gia dụng lớn nhất thế giới Ikea Group với tổng tài sản 53,4 tỷ USD, đã từ bỏ quê hương Thụy Điển để sang Thụy Sỹ từ những năm 1970. Sau đó tỷ phú này chuyển các cổ phiếu của mình tại Ikea vào một quỹ đầu tư tại Hà Lan trong những năm 1980 trước khi tiếp tục chuyển quyền sở hữu trí tuệ của công ty cho một quỹ đầu tư khác ở Liechtenstein.
Sau các giao dịch này, vị tỷ phú xếp hạng 5 thế giới về mặt pháp luật không còn kiểm soát trực tiếp Ikea và ông cũng phủ nhận việc này.
Vợ và bạn gái
Rất nhiều những người giàu có hiện nay vẫn tiếp tục tìm những nơi có thể giúp họ giảm thiểu việc nộp thuế hoặc bị đánh thuế kép, Goran Grosskopf, nhà kinh tế của công ty Lausanne, người từng tư vấn cho nhiều tỷ phú cũng như chính phủ Nga cho biết.
Còn Mario Gassner, CEO của Cơ quan quản lý thị trường tài chính Liechtenstein thì cho biết, còn có những lí do khác đằng sau hành động chia nhỏ tài sản của các “đại gia”. “Nếu một người đã kết hôn mà lại có bạn gái ở nước khác, anh ta có thể có rất nhiều tài sản không muốn cho vợ biết”, Gassner nói.
“Hoặc có thể người đó muốn tìm một giải pháp cho việc học đại học của các con mình, hoặc quan hệ của ông ta với chúng không được tốt và không biết điều gì sẽ xảy đến với tài sản của mình trong tương lai”.
Các tỷ phú Nga tạo ra các công ty tại đảo Virgin bởi họ thấy hệ thống pháp luật tại đây, vốn dựa theo luật pháp Anh, hấp dẫn hơn với họ. Ông Valery Tutykhin, luật sư của công ty luật John Tiner & Partners, chuyên về quản lý tài sản khẳng định.
Đảo Cayman cũng được các tỷ phú yêu thích bởi họ không áp đặt bất kỳ loại thuế thu nhập hay đầu tư nào đối với các quỹ đầu tư được thành lập tại quốc gia Caribbe này. Trong khi đó Delaware là nơi đăng ký thành lập của hơn một nửa số doanh nghiệp tại Mỹ. Chính sách ưu đãi thuế của bang này giúp các công ty giảm được gánh nặng thuế trung bình 40%.
Thanh Tùng
Theo Bloomberg