Hé lộ nguyên nhân giới siêu giàu châu Á liên tục đổ tiền về Singapore

(Dân trí) - Được biết đến là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á, Singapore luôn được giới đầu tư tin chọn là địa điểm lý tưởng để đặt trụ sở chính của các công ty, và là nơi nhà giàu cất giữ tài sản.

Những năm trở lại đây, Singapore còn được nhắc đến nhờ một loại hình đầu tư mới, đó là các văn phòng gia đình.

Hé lộ nguyên nhân giới siêu giàu châu Á liên tục đổ tiền về Singapore - 1

Ưu đãi thuế, uy tín về tài chính và là cửa ngõ của trung tâm tài chính là những điểm thu hút giới đầu tư tại Singapore. Ảnh: Getty

Trong giai đoạn từ năm 2017-2019, số lượng các văn phòng gia đình tại Singapore đã tăng vọt hơn 500%. Thông qua các văn phòng gia đình, nhà giàu quốc tế đổ tiền về Singapore - trung tâm tài chính châu Á để đầu tư, quản lý tài sản hay thậm chí lập kế hoạch thừa kế.

Ngoài giới siêu giàu, không ít văn phòng được thành lập bởi các triệu phú và tỷ phú nước ngoài. Theo SCMP, các đối tượng đầu tư trên bị thu hút bởi sự uy tín về tài chính, ưu đãi thuế, môi trường an toàn và hệ thống giáo dục tốt.

Theo ước tính của Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Tiền tệ Singapore - ông Tharman Shanmugaratnam, hiện có khoảng 200 văn phòng gia đình tại Singapore, quản lý khoảng 20 tỷ USD.

Thị trường Hồng Kông cũng “mở cửa” với các văn phòng gia đình quốc tế.
Vào hồi đầu tháng 9 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai thành phố mới ban hành hướng dẫn cấp phép đầu tiên. Kể từ đó, sau 2 tháng, đã có hơn 50 văn phòng đã đăng ký giấy phép.

Theo ông Lee Woon Shiu tại Ngân hàng tư nhân DBS, Singapore đã thu hút được các văn phòng gia đình nhờ tiềm năng phát triển của châu Á và là cửa ngõ của khu vực.

“Các văn phòng gia đình đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp Đông Nam Á, không chỉ ở mảng thị trường tài chính và bất động sản, mà còn có được cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp địa phương trong những lĩnh vực kinh doanh đa dạng và phong phú”, ông Lee chia sẻ.

Theo báo cáo của Boston Consulting Group, trong 5 năm tới đây, tài sản của châu Á ngoại trừ Nhật Bản sẽ tăng 5,1-7,4%/năm. Khu vực này có thể vượt qua Tây Âu trở thành khu vực giàu thứ hai trên thế giới vào năm 2022.

Tại châu Âu và Mỹ, khái niệm về văn phòng gia đình không hề xa lạ. Tại đây, có những gia đình giàu có thậm chí đã quản lý tài sản qua 10 thế hệ. Tuy nhiên, tại châu Á, những văn phòng này còn khá mới lạ, bởi tài sản của các gia đình giàu thường chỉ vài thế hệ.

Theo báo cáo được DBS và Economist Intelligence Unit công bố hôm 19/11, có đến 95% tỷ phú ở Trung Quốc là tỷ phú tự thân, nắm giữ tài sản trong vòng 2-3 thập kỷ qua.

Theo Đạo luật Thuế thu nhập tại Singapore, các phương tiện đầu tư gia đình được miễn thuế đối với một số loại thu nhập nhất định. Điều này cho thấy Singapore đang tận dụng vị thế trung tâm tài chính khu vực để đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút nhiều văn phòng gia đình hơn.

Tại Hồng Kông, thuế đối với văn phòng gia đình cũng khá thấp. Hồi tháng 8, Hội đồng Lập pháp thành phố thông qua luật cho phép doanh nghiệp thành lập dưới hình thức công ty hợp danh hữu hạn. Đây là hình thức phổ biến của các văn phòng gia đình.

Theo PGS. Lawrence Loh của Đại học Quốc gia Singapore, sự phát triển của các văn phòng gia đình cũng đang giúp cho Singapore củng cố và định hình trung tâm tài chính an toàn.

“Đối với Singapore, các văn phòng gia đình, nhất là những văn phòng toàn cầu, sẽ mở rộng nguồn vốn có thể đầu tư. Điều đó giúp Singapore giữ vững vị thế trung tâm đầu tư, và quan trọng hơn là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới", ông khẳng định.

Hé lộ nguyên nhân giới siêu giàu châu Á liên tục đổ tiền về Singapore - 2
Ông chủ chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao đang “làm mưa làm gió” cũng đang tham gia vào văn phòng gia đình tại Singapore. Ảnh: Getty

Tiêu biểu tại Hồng Kông, các văn phòng gia đình có tỷ phú Trung Quốc Cheung Chung Kiu - Chủ tịch công ty Bất động sản CC Land. Nhà tài phiệt Lý Gia Thành cũng có Horizons Ventures - hoạt động như một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ. Số còn lại, hầu hết là các gia đình danh giá đều kín tiếng và giữ bảo mật về thông tin cá nhân.

Những bí mật được hé lộ

Có hai loại văn phòng gia đình: Một là các chuyên gia đầu tư, cố vấn thuế và luật sư chỉ làm việc cho một gia đình, hai là văn phòng đa gia đình chuyên giải quyết những công việc trên nhưng của hai gia đình trở lên.

Tiết lộ về công việc của mình, ông Jaydee Lin tại Văn phòng gia đình Raffles cho biết văn phòng đa gia đình của ông thích các gia đình có gia sản từ 50-100 triệu USD.

“Với khối tài sản như trên, chúng tôi sẽ hoạt động và giải quyết hiệu quả hơn. Còn nếu lớn hơn, các gia đình sẽ tự lập văn phòng riêng”.

Trước đây, văn phòng của ông quản lý tài sản của 4 gia đình Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông. Giờ đây, họ đang quản lý 6 gia đình tại Hồng Kông và Singapore.

Thông thường, ngoài đầu tư, các gia đình văn phòng cũng hỗ trợ khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác. Ông Goh, làm việc tại Kamet Capital, tiết lộ dịch vụ của công ty cung cấp cả tài xế, trợ lý, quản lý... Bà Veronica Shim, Giám đốc điều hành của Envysion Wealth Management, cho biết không ít văn phòng gia đình còn giúp lập kế hoạch thừa kế

Theo dự báo của DBS và Economist Intelligence Unit, “từ 10-15 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến việc chuyển dịch tài sản đáng kể giữa các thế hệ”. Họ ước tính số của cải dịch chuyển trong thập kỷ tới tại châu Á lên đến 2.000 USD.

Hé lộ nguyên nhân giới siêu giàu châu Á liên tục đổ tiền về Singapore - 3
Cuộc gặp mặt giữa Raffles – một văn phòng đa gia đình cùng với khách hàng. Ảnh: Getty

Theo tiết lộ, ông Lin cho biết các gia đình thường tìm kiếm được khoản lợi nhuận 5-10%/năm. Khách hàng của ông cũng ưu tiên giữ tài sản, và ít có xu hướng hướng đến những khoản đầu tư rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ. Những lĩnh vực được ưa chuộng là chăm sóc sức khỏe, môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Kamet Capital, các khách hàng của ông Goh thích những khoản đầu tư mạo hiểm hơn, chẳng hạn công nghệ và hàng tiêu dùng.

Theo SCMP, việc tài sản của nhà giàu châu Á tập trung vào các văn phòng gia đình là tin tốt cho những chuyên gia tài chính. Ông Goh từ Kamet Capital nhận định các văn phòng này là “điểm sáng của lĩnh vực tài chính đang gặp khó khăn”. Họ dùng một lượng vốn đáng kể ngay cả khi lĩnh vực này lao đao vì dịch Covid-19.

Chẳng hạn, Văn phòng Gia đình JL vừa mua một nhà phố thương mại trị giá 15,7 triệu SGD (11,6 triệu USD) ngay cả khi nhiều doanh nghiệp đang tận dụng chương trình giãn nợ để hoãn thanh toán các khoản vay thế chấp.

Lĩnh vực này cũng hấp dẫn đối với các chuyên gia tài chính, những người phải đối mặt với triển vọng việc làm sụt giảm vì nền kinh tế lao dốc. “Làm việc với các doanh nhân thành công, bạn sẽ được giao nhiệm vụ phức tạp. Bạn cũng sẽ có cơ hội tiếp xúc với những người nổi tiếng và quan trọng”, ông Goh tiết lộ.

Trên thực tế, loại hình văn phòng gia đình không phổ biến ở Malaysia, Indonesia hay Thái Lan. Theo SCMP, Singapore cũng nhận được hiệu ứng lan tỏa từ xu hướng này. Bên cạnh vài trăm người làm việc trực tiếp trong các văn phòng gia đình, những việc làm gián tiếp cũng được tạo ra khi các chuyên gia tài chính, thuế và pháp lý bên ngoài tham gia tư vấn để lập kế hoạch tài sản, kế hoạch hoạt động...