Hậu WTO: Giá thuốc sẽ rẻ hơn

Giá thuốc sẽ rẻ hơn. 135 doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm lớn, đại diện bệnh viện và sở y tế 64 tỉnh thành có cùng nhận định như trên tại hội nghị “Ngành dược Việt Nam - Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập WTO” kết thúc chiều qua 19/6.

Giá thuốc sẽ hạ

 

Mở đầu phần phát biểu của mình, phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Ngọc Nga thông báo kết quả đợt thanh tra giá thuốc mới nhất (3/2006).

 

Theo ông Nga, hiện tượng trình dược viên chi tiền cho bác sĩ kê đơn, cho bệnh viện tiêu thụ thuốc, hiện tượng “rửa hóa đơn” làm viên thuốc lòng vòng 7-8 tầng nấc trước khi đến tay người tiêu dùng vẫn hết sức phổ biến.

 

Chưa kể thuốc trong rất nhiều đơn hàng nhập khẩu cho khối bệnh viện đã được bán nguyên lô cho công ty TNHH, làm méo mó nhu cầu sử dụng, gây rối loạn thị trường dược phẩm...

 

Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ được cải thiện, nhất là số tầng nấc trung gian phân phối thuốc, bởi kể từ 1/1/2007 tới, theo cam kết mà Bộ Thương mại đã ký với các đối tác, các công ty và chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại VN có quyền nhập khẩu trực tiếp.

 

Điều này làm thay đổi về “chất” hiện tượng các doanh nghiệp dược lớn nhất VN thực chất chỉ ngồi không, bán “chữ ký” và hưởng phí nhập khẩu ủy thác (trung bình 0,75-1,5%/ giá trị đơn hàng). Đó cũng là một lý do làm giảm giá thuốc. Chưa kể thuế nhập khẩu thuốc sẽ giảm (từ 0-10% trước đây còn trung bình 2,5%).

 

Ông Trần Bình Duyên, giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 1, cho biết: các loại thuốc thông thường, thuốc gốc chắc chắn sẽ giảm giá sau thời điểm nói trên.

 

Tuy nhiên, đối với các nguyên liệu làm thuốc gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị... mà các công ty nước ngoài nắm chắc thị phần, việc có giảm giá được hay không là “phụ thuộc vào công ty có hàng”-ông Duyên nhận xét.

 

Không chỉ giá thuốc, phó chánh thanh tra Trần Ngọc Nga nhận định giá mỹ phẩm cũng sẽ giảm. Lý do là thuế sẽ giảm, chưa kể sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm có mặt tại thị trường VN, tạo một sân chơi giàu tính cạnh tranh.

 

Tuy nhiên, “cái khó cho doanh nghiệp trong nước là hầu hết các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm chưa biết gì về luật pháp liên quan đến mỹ phẩm. Trong khi đây là mặt hàng rất nhạy cảm, dễ xảy ra tai biến và liên quan đến một bộ phận lớn dân cư”-ông Nga nói.

 

Doanh nghiệp dược Việt Nam đã đủ lớn?

 

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, 1/3 trong số này đã đạt tiêu chuẩn GMP của ASEAN và Tổ chức Y tế thế giới.

 

Tuy nhiên, ngành dược Việt Nam mới đáp ứng được 39% nhu cầu sử dụng thuốc trong bệnh viện, phần lớn trong đó là các thuốc thông thường, rẻ tiền...Còn lại, thị phần thuốc chuyên khoa, đặc trị, biệt dược đắt tiền...hoàn toàn dành cho nhà sản xuất nước ngoài.

Chuẩn bị bước vào sân chơi mới, Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 1 đã chuyển một phần hoạt động sang sản xuất. Trong đó, công ty vừa khánh thành nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt) của Tổ chức Y tế thế giới tại tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đặt vấn đề được “sản xuất nhượng quyền” (sản xuất các thuốc nổi tiếng, đã có thị phần...) tại nhà máy mới này.

 

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào WTO. Phó giám đốc sở y tế một tỉnh phía Nam nhận định: hầu hết các doanh nghiệp còn...mơ mơ màng màng, ít hiểu biết về luật pháp quốc tế.

 

Trong điều kiện như vậy, chỉ “vướng” một vụ kiện là...phá sản. Đơn cử gần đây, một công ty dược đã thua kiện 47.000 USD do nhái nhãn mác một sản phẩm thuốc ngừa thai khẩn cấp nổi tiếng của nước ngoài.

 

Chưa kể, theo tiết lộ của cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Cao Minh Quang, đã có hàng loạt đơn từ khiếu nại của các doanh nghiệp nước ngoài bị nhà sản xuất Việt Nam nhái nhãn mác, thậm chí nhái gần... y chang nhãn mác, trong khi cơ quan quản lý nhà nước như Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý dược cũng không nắm được thông tin, chấp nhận cho nhà sản xuất VN đăng ký lưu hành sản phẩm.

 

“Với các trường hợp tương tự, nếu không giải quyết trong êm thắm như tự động thay đổi nhãn mác...thì khi bị kiện ra tòa án, nhà sản xuất Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Quang nhấn mạnh.

 

Từ nay đến tháng mười, Cục Quản lý dược đã có 10 đầu việc “cần làm ngay”. Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược cũng thông báo đang có cuốn sách trên 1.000 trang thông tin về luật pháp quốc tế, sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp.

 

Nhưng có thể “biến thách thức thành cơ hội”, như mong ước của chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam Đống Viết Thắng, phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo ông Cao Minh Quang, trong những năm mới gia nhập WTO, đã có hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc phá sản.

 

Ở Việt Nam, sự chuẩn bị trước khi bước vào sân chơi này còn chưa kỹ càng bằng người bạn láng giềng. Nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, trên bình diện rộng rãi, người dân sẽ được lợi.                                 

 

Theo Lan Anh

Báo Tuổi trẻ