1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hậu ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang ở đâu trong “top giàu nhất Việt Nam”?

(Dân trí) - Bước ra khỏi cuộc ly hôn với nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có trong tay khối tài sản ước tính hơn 3.700 tỷ đồng, vượt qua nhiều doanh nhân lớn trên thị trường chứng khoán và chỉ đứng sau 3 nữ doanh nhân trong “top nữ” giàu nhất Việt Nam.

Hậu ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang ở đâu trong “top giàu nhất Việt Nam”? - 1

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Sau 4 năm sóng gió với tiến trình tố tụng kéo dài “dai dẳng” cùng những chi tiết, tình tiết li kỳ bên lề, vào hồi tuần trước, cuộc ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã khép lại với tuyên bố “chấp thuận” của Toà phúc thẩm.

Đây là cuộc ly hôn tốn nhiều giấy bút nhất của báo chí trong nhiều năm qua không chỉ bởi sự ồn ào “ngoại truyện” mà còn bởi quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng của khối tài sản phân chia. Chính vì vậy, công chúng vẫn nhắc đến sự kiện này bằng cụm từ “cuộc ly hôn nghìn tỷ”.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm tuyên hồi tháng 3/2019, ngoài quyền và nghĩa vụ nuôi con, Hội đồng xét xử đã phán quyết cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận 60% tài sản và 40% còn lại thuộc về bà Thảo. Toà giao ông Vũ quản lý 6 bất động sản trị giá 350 tỷ đồng và bà Thảo được giao 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Tài sản quy ra tiền tương đương hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch hơn 1.200 tỷ đồng cho bà Thảo.

Tuy nhiên, đến cấp phúc thẩm thì tình hình thay đổi khá lớn, tạo nên một bước mặt bất ngờ và người theo dõi vẫn “ngộp thở” ngay ở những phút cuối cùng.

Theo kết luận tại phiên toà phúc thẩm ngày 5/12, Hội đồng xét xử đã giao cho ông Vũ quản lý tất cả cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên (tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng). Nói cách khác, ở đây có thể coi ông Vũ là người thắng với mục tiêu tiếp tục nắm quyền kiểm soát Trung Nguyên và đưa doanh nghiệp này phát triển theo định hướng của bản thân.

Bên cạnh đó, ông Vũ cũng được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ đồng.

Còn về phần bà Thảo, “bà chủ” một thời của Trung Nguyên cũng nhận được khối tài sản khổng lồ mà thống kê ra cũng đủ gây choáng ngợp.

Bước ra khỏi cuộc ly hôn với nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có trong tay quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Bà còn được giao sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ trong các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ đồng.

Phần tài sản của ông Vũ tại Công ty Trung Nguyên Singapore, ông đã tự nguyện giao cho bà Thảo sở hữu hoàn toàn (định giá tài sản này khoảng 100 tỷ đồng). Tính ra, tổng số tài sản ròng mà bà Thảo sở hữu sau khi ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ khoảng 3.749 tỷ đồng.

Đối với con cái, bà Thảo được giao nuôi các con chung và chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 đến khi học xong đại học.

Với khối tài sản hơn 3.700 tỷ đồng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được đánh giá là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam. Nếu không tính những “nữ đại gia ngầm” (tức phần tài sản không công khai, chưa được định giá) thì bà Thảo đã vượt qua rất nhiều “nữ tướng”, các nữ doanh nhân quyền lực được xếp hạng trên thị trường chứng khoán.

Có thể kể tới bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, được mệnh danh là “bà hoàng” của ngành thuỷ sản Việt, với sở hữu gần 39,6 triệu cổ phiếu VHC thì giá trị tài sản được định giá ở thời điểm hiện tại (theo thị giá cổ phiếu) cũng mới đạt 3.146 tỷ đồng.

Hay như bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tài sản đang là 1.671 tỷ đồng. Tài sản đại gia thuỷ sản Chu Thị Bình là 1.346 tỷ đồng (Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Thuỷ sản Minh Phú - vợ “vua tôm” Lê Văn Quang). Cặp mẹ con “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc và Đặng Huỳnh Ức My sở hữu khối tài sản lần lượt là 1.260 tỷ đồng và 1.836 tỷ đồng.

Nhiều nhân vật tầm cỡ như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk, bà Nguyễn Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cơ Điện Lạnh (REE), bà Thái Hương - Tổng giám đốc BacA Bank, Chủ tịch TH Milk… cũng đang sở hữu khối tài sản nhiều trăm tỷ đồng, tuy lớn nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với định giá tài sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Thậm chí, giá trị tài sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đang được định giá cao hơn tài sản cổ phiếu mà ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang có (1.227 tỷ đồng). Cách đây 1 thập kỷ, ông Đức từng là người giàu nhất nhì Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán hiện nay ghi nhận những nữ doanh nhân có giá trị tài sản lớn vượt trội là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air với 37.404 tỷ đồng (đây cũng là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam); bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup và bà Phạm Thuý Hằng - Phó Chủ tịch Vingroup với giá trị tài sản cổ phiếu lần lượt là 17.507 tỷ đồng và 11.692 tỷ đồng.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm