1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hậu Covid-19: Cần hoãn, giãn và khoanh thuế để "khoan sức dân"

(Dân trí) - Trong bối cảnh nền kinh tế đang vực dậy sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời gian giãn, hoãn, khoanh các loại thuế để "khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu”.

Tác động của Covid-19 với nền kinh tế còn dai dẳng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4/2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt từ ngày 1/4 đến 22/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã sụt giảm mạnh.

Hậu Covid-19: Cần hoãn, giãn và khoanh thuế để khoan sức dân - 1

Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 4/2020 là 7.885 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 93.854 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết lên đến hơn 223.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp hàng không đang đứng trước rất nhiều khó khăn, Vietnam Airlines thông báo số lỗ hơn 2.600 tỷ đồng trong quý 1 do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đa ngành khác cũng đang rất khó khăn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc mới đây cũng gửi Thủ tướng nêu nhiều khó khăn của doanh nghiệp gặp phải. Theo ông này, mặc dù Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp song nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa tiếp cận được với các cơ chế, chính sách từ các cơ quan có trách nhiệm.

"Doanh nghiệp vẫn phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, trả nợ lãi vay… bình thường như trước đây. Các văn bản doanh nghiệp đề nghị với các cơ quan thuế, ngân hàng đều chưa được xem xét, giải quyết với lý do chờ hướng dẫn của cấp trên", đại diện VCCI nói.

Tại một tọa đàm mới đây, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, để cứu được một lúc hết các doanh nghiệp khó khăn là điều rất khó, do đó, cần chọn bỏ, chấp nhận hy sinh vì đại cục.

Ông Thiên cho rằng, Nhà nước nên ưu tiên các chính sách về thuế phí để giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp lớn trước, họ kinh doanh đa ngành nên tác động dịch bệnh nặng nề hơn.

"Để cứu tất cả doanh nghiệp sẽ rất khó, cứu trợ để doanh nghiệp hồi phục, nhưng họ hồi phục như thế nào? Nếu cứu một doanh nghiệp có cấu trúc yếu, cứu cho sống lại để làm gì? Tại sao không đặt vấn đề chúng ta nên tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, với sự linh hoạt, sáng tạo từ nội lực của chính họ", TS. Thiên nói.

Đề xuất tăng thời gian giãn thuế để tư nhân hồi phục

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, các chính sách của Chính phủ như gói an sinh 62.000 tỷ đồng, chính sách cho vay tín dụng 300.000 tỷ đồng và gói giãn nợ thuế 180.000 tỷ đồng đang được thực hiện song đây chưa phải là cú huých mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Hậu Covid-19: Cần hoãn, giãn và khoanh thuế để khoan sức dân - 2

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Cần hành động để cảm ơn các doanh nghiệp đã chung sức chống dịch Covid-19

"Các doanh nghiệp đang khó khăn, việc giãn thuế phí sẽ giúp họ "thở" được, sau đó mới đến là giúp họ sống tốt và nộp lại thuế phí. Riêng về thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế Tiêu thụ đặc biệt cần kéo dài thời hạn 12 tháng, mốc thời gian tính nên áp dụng thời điểm từ khi công bố dịch”.

"Đại dịch khiến Việt Nam nhìn ra nhiều điều, đó là năng lực của dân tộc, ý chí đoàn kết và đặc biệt là sự chung tay của doanh nghiệp với Chính phủ trong nhiệm vụ phòng, chống dịch. Sau dịch là lúc chúng ta phải làm mọi việc để cảm ơn họ", bà Lan nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho hay, việc cắt giảm thuế phí thực tế khó đem lại hiệu quả, các gói giãn hoãn thuế cũng mới chỉ kéo dài 5 đến 8 tháng theo chu kỳ tính thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, thời điểm hiện nay để doanh nghiệp hồi phục thực sự, đối với doanh nghiệp sản xuất cần ít nhất 1 đến 2 năm.

"Thuế thu nhập doanh nghiệp cần nới thời gian, cho giãn trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm công bố hết dịch, doanh nghiệp hoạt động trở lại như cũ, không tính chung vào thời điểm từ khi có dịch. Bản chất việc giãn, hoãn nộp thuế không phải ngân sách mất đi chỉ chuyển từ thu hôm nay, sang hôm khác. Giãn, hoãn thuế là để "khoan sức" dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục, nuôi dưỡng thu cho ngân sách", ông Hiếu cho hay.

Ông Hiếu cũng cho rằng, các nước phát triển có tiềm lực kinh tế lớn đang phải bỏ hàng trăm tỷ USD để vực dậy nền kinh tế, cứu trợ các tập đoàn lớn trước nguy cơ phá sản. Tại Việt Nam, Covid-19 đã, đang và sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp bởi chúng ta phụ thuộc nguồn xuất khẩu, vay vốn nước ngoài, không thể đứng ngoài nhìn các doanh nghiệp phải tự vật lộn trong bối cảnh hiện nay được.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương: “Việc giãn, hoãn thuế là tất yếu và cần phải kéo dài thời gian cho doanh nghiệp. Ngân sách có thể hụt thu và phải điều chỉnh chính sách tài khóa, dự toán thu ngân sách. Tuy nhiên, đây là điều cần làm".

An Linh