1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Hấp hối" vì Covid-19, tiền đâu "cứu" sống ngành hàng không?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Giải pháp quan trọng nhất thời điểm này được cho là tiền. Các hãng phải có tiền để trang trải chi phí trước sức ép rất lớn của các chủ nợ. Về lâu dài là phải bay, phải bay được mới sống được.

Bay được mới sống được

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi khó khăn mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19. Diễn biến của dịch nằm ngoài dự báo và mức độ trầm trọng của dịch cũng nằm ngoài dự tính.

Theo một chuyên gia hàng không, các hãng vận chuyển đang quản lý, khai thác một tài sản khổng lồ. Đơn cử, một máy bay thân hẹp như A320, A321 đã có giá cả trăm triệu USD; những tàu thân lớn thậm chí lên tới 200 - 300 triệu USD. Dịch xảy ra, có những thời điểm hoạt động hàng không gần như tê liệt, hầu như không có chuyến bay. Trong khi đó, chi phí khấu hao rất lớn, chi phí đi thuê rất lớn và chi phí để khai thác cũng rất lớn.

"Một máy bay trị giá 300 triệu USD khấu hao trong 15 năm, mỗi năm đã mất 20 triệu USD, nếu là 20 tàu bay như thế thì riêng chi phí khấu hao đã nhiều đến mức nào?"- vị chuyên gia đặt vấn đề.

Giải pháp quan trọng nhất thời điểm này được cho là tiền. Hàng không phải có tiền để trang trải các chi phí trước sức ép rất lớn của các chủ nợ; tái cơ cấu được các khoản nợ; tái cơ cấu hoạt động để tiết giảm chi phí. Về lâu dài, thì phải bay được, vì hãng vận chuyển phải bay được mới sống được.

Hấp hối vì Covid-19, tiền đâu cứu sống ngành hàng không? - 1

Ngành hàng không đang kiệt quệ vì Covid-19 (Ảnh: Đỗ Linh).

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đề nghị Bộ này đề xuất với Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không trong nước.

VABA cho biết, trong tháng 5 và 6, doanh thu của các hãng hàng không giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi hơn 100 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả hiện nay của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo đã lên 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.

VABA kiến nghị Bộ KH&ĐT đề xuất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không đến 30/6/2022. Ngoài ra, tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022…

Giảm phí, lệ phí hàng không

Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm nay.

Nhằm thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát để giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, 29 khoản phí và lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay. Trong lĩnh vực hàng không, một số phí, lệ phí được tiếp tục giảm đáng kể.

Cụ thể, phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được giảm bằng 90% mức thu phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/TT-BTC. Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay được giảm bằng 80% so với quy định về mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC  của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Một số loại phí được giảm bằng 100% mức thu phí tương ứng quy định trong lĩnh vực hàng không theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC.

Phí đăng ký giao dịch bảo đảm được giảm bằng 80% mức thu phí quy định theo Thông tư số 202/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và 80% mức thu phí quy định tại Thông tư số 113/2017/TT-BTC  của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC. 

Các nội dung nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm