Hạnh phúc sau những cánh bay không nghỉ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Những phi công trẻ đã dành cả thanh xuân để tôi luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao, dấn thân theo đuổi nghề nghiệp. Với họ, các chuyến bay an toàn là điều hạnh phúc và niềm vui sau cánh bay không nghỉ.

Trưởng thành từ khổ luyện

Gia nhập Đoàn bay 919 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ tháng 12/2023, Nguyễn Anh Minh (sinh năm 1992) đang là cơ phó lái tàu bay Airbus A321.

Hạnh phúc sau những cánh bay không nghỉ - 1
Quá trình làm chủ "chim sắt" cũng là hành trình vượt qua chính mình của chàng cơ phó trẻ tuổi.

3 tháng đào tạo tại Nha Trang và 4 năm tại New Zealand đã rèn giũa Minh trở thành phi công thực thụ. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là chuyến bay đầu tiên Minh tự điều khiển mà không có sự hướng dẫn của thầy bên cạnh. Chuyến bay ấy đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khẳng định bản lĩnh và sự trưởng thành của chàng trai trẻ trên con đường chinh phục ước mơ.

"Từ những ngày đầu tiên được ngồi trong khoang lái, có học viên còn vừa bay vừa nôn do chưa bắt kịp khi ở môi trường trên không, cho đến khi chính thức trở thành phi công Vietnam Airlines với mình là hành trình vượt qua giới hạn bản thân. Đến bây giờ, mình vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc khi lần đầu cầm lái 'chim sắt' cất cánh, chao lượn trên bầu trời", Minh tâm sự.

Để đảm bảo an toàn bay, mỗi một phi công đều trải qua các bài kiểm tra về khả năng ngoại ngữ, huấn luyện đặc thù về dạng hình khai thác bay trên buồng lái mô phỏng (SIM) để đào tạo khả năng ứng phó, xử lý của phi công trong các tình huống khẩn nguy như máy bay hỏng động cơ, chim va vào máy bay, bay trong thời tiết xấu, sương mù… và nếu trượt ở hạng mục nào thì bằng lái phi công sẽ bị treo.

Hạnh phúc sau những cánh bay không nghỉ - 2

Nguyễn Anh Minh hiện là Cơ phó lái tàu bay Airbus A321.

"Hãy làm thế nào để tất cả những lần cất cánh của bạn đều phải an toàn", đó là câu nói của thầy dạy mà Minh luôn ghi nhớ trong mỗi hành trình.

Bay an toàn với "kỷ luật thép"

Được truyền động lực mạnh mẽ khi trong nhà có ông ngoại là phi công quân sự, mẹ và dì đều làm trong ngành hàng không, tuy nhiên chặng đường chinh phục bầu trời của Trần Xuân Trường (sinh năm 1994, cơ phó tàu bay A321) gặp không ít khó khăn.

Thời gian học phi công ở New Zealand cũng là thời điểm Covid-19 bùng phát, khóa học phải kéo dài từ 18 lên 24 tháng với nhiều khó khăn cả về sinh hoạt và kinh tế. Những học viên mới như Trường phải nỗ lực gấp đôi để vượt qua rào cản ngôn ngữ, lĩnh hội kiến thức.

Hạnh phúc sau những cánh bay không nghỉ - 3

Xuân Trường hiện là cơ phó tàu bay A321, Đoàn bay 919.

"Học lái máy bay rất khắc nghiệt, vất vả vì đây là công việc nhiều thách thức, thường xuyên phải đối mặt thời tiết xấu như sấm sét, mưa bão… khi bay", Trường chia sẻ.

Gia nhập Vietnam Airlines vào năm 2022 và tiếp tục được đào tạo chuyển loại, sau một năm, chàng học viên này đã trở thành cơ phó tham gia chuyến bay thương mại đầu tiên trên tàu Airbus A321.

Với Trường, áp lực lớn nhất là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. Trong hành trình bay, đầu óc phải luôn tỉnh táo để nhìn nhận, phán đoán và xử lý tình huống để đưa ra các quyết định chính xác. "Thực hiện chuyến bay an toàn chính là thành công lớn nhất và mỗi phi công đều phải có 'kỷ luật thép' với bản thân để hoàn thành nhiệm vụ".

Hạnh phúc sau những cánh bay không nghỉ - 4
Với Xuân Trường, áp lực lớn nhất của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh.

Ngoài thời gian bay, Trường thường xuyên tập luyện thể thao để cơ thể cân bằng và tăng tính linh hoạt phối hợp giữa tay - chân - mắt, thực hiện các giấc ngủ ngắn khi nghỉ ở giữa các chặng bay dài nhằm hồi phục năng lượng, cũng như duy trì chế độ ăn lành mạnh, dinh dưỡng để có thể trạng tốt nhất khi bay.

Sinh năm 1992, Nguyễn Hồng Sơn - cơ trưởng, giáo viên SIM Đoàn bay 919 cơ sở TPHCM - đã có 10 năm công tác tại Vietnam Airlines. Chàng trai trẻ này làm cơ trưởng khi chỉ mới 25 tuổi.

"Áp lực lớn nhất của một cơ trưởng trẻ tuổi là phải đảm đương vai trò chỉ huy với những người lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng tuổi tác không quan trọng bằng khả năng thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp và kỷ luật, đảm bảo an toàn cho mọi chuyến bay", Sơn nói.

Hạnh phúc sau những cánh bay không nghỉ - 5

Anh Sơn đã có 10 năm cống hiến và giảng dạy tại Đoàn bay 919.

Trong vai trò một giáo viên đào tạo phi công, Sơn đã gặp nhiều học viên trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết và luôn chủ động chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Không chỉ đòi hỏi sự tập trung và năng lực chuyên môn, nghề phi công cũng có những yêu cầu khắt khe về sức khỏe. Đặc thù là thường xuyên di chuyển, thay đổi múi giờ nhiều nên Sơn luôn phải ép mình theo múi giờ sinh hoạt tại đất nước sẽ tới. Ngoài ra Sơn đã bắt đầu chơi quần vợt từ khi học trung học và tham gia câu lạc bộ quần vợt của đoàn bay hơn 8 năm.

Với ý thức quyết tâm cao, các phi công trẻ đang ngày ngày rèn luyện, hoàn thiện bản thân, chinh phục bầu trời bằng cả năng lực, bản lĩnh và trái tim. Những phi công trẻ như cơ trưởng Sơn, cơ phó Trường và Minh của Đoàn bay 919 cho biết luôn thường trực suy nghĩ cần phải tận tâm cống hiến, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao phó, viết giấc mơ điều khiển những loại tàu bay hiện đại nhất như Boeing 787 hay Airbus A350.