Hàng xách tay thao túng thị trường

Sở dĩ hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại và giá rẻ so với sản phẩm chính hãng.

Không còn len lỏi trong những ngõ nhỏ để bán vài món mỹ phẩm, quần áo…, các shop bán hàng xách tay những năm gần đây mọc lên như nấm ở cả những phố trung tâm của TP Hà Nội. Nhiều cửa hàng dù chỉ có vài chục mét vuông cũng trương biển siêu thị hàng xách tay để thu hút người tiêu dùng với sản phẩm từ cuộn giấy vệ sinh đến những lọ nước hoa, thuốc đông y...
Một shop bán hàng xách tay tại TP Hà Nội
Một shop bán hàng xách tay tại TP Hà Nội

Là người hay đi nước ngoài, chị Lê Thị Hoa ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội rất ngạc nhiên khi thấy giá bán một số sản phẩm trong các shop hàng xách tay tại TP Hà Nội quá khác biệt so với sản phẩm tương đương ở nước ngoài. Chẳng hạn, bịch 10 chiếc mặt nạ dưỡng da ở Hàn Quốc có giá 5.000 won (gần 100.000 đồng) nhưng ở “thiên đường” hàng xách tay Nguyễn Sơn (huyện Gia Lâm) chỉ 60.000 đồng.

Một chủ shop hàng xách tay ở huyện Gia Lâm khẳng định chất lượng thì “yên tâm” do tiếp viên xách về. Tiếp viên bay lâu năm thường có mối gom hàng ở nước ngoài, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức - các thị trường có đường bay của hãng hàng không Việt Nam. Giá hàng về đến Việt Nam được tính bằng giá mua ở nước ngoài cộng công cửu vạn (tính theo chuyến), tiền ship của tiếp viên (tính theo ký) và tiền lời của shop, không phải nộp thuế, cước vận chuyển nên rẻ.

Đặc điểm của shop hàng xách tay là cùng sản phẩm nhưng mỗi nơi bán một giá. Một lọ kem chống nắng của Đức có nơi bán 180.000 đồng nhưng nơi khác “hét” tới 250.000 đồng.

Có một kênh khác cung cấp hàng xách tay cho thị trường Việt Nam là những người Việt ở nước ngoài. Các gia đình có Việt kiều thường tổ chức thành hệ thống mua gom, chuyển hàng về cho người nhà theo đường hàng không hoặc đường biển, làm đầu mối phân phối trong nước.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội, cho rằng hàng xách tay chính là hàng lậu đang thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa. Sau thời gian kinh doanh tự phát, thăm dò, thị trường hàng xách tay đang có xu hướng bùng nổ. Nhiều shop còn khuếch trương thành siêu thị để tăng mức độ sang trọng khiến người tiêu dùng tin tưởng.

Theo ông Phú, cả nước hiện có khoảng 700 siêu thị nhưng chỉ 30% đạt chuẩn, còn lại là người kinh doanh “tự phong”. Sở dĩ hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại, giá lại rẻ so với chính hãng. Một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế GTGT 5%, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế. Tuy nhiên, không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…

Đối tượng chuộng hàng xách tay là tầng lớp trung lưu trong xã hội. “Cứ điểm” của hàng xách tay tại TP Hà Nội là phố Nguyễn Sơn (huyện Gia Lâm) và tại TP HCM là đường Hồng Hà (quận Tân Bình, gần đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines).

Xử lý như hàng nhập lậu

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, các hành vi vi phạm chủ yếu đối với những cửa hàng kinh doanh hàng xách tay là bán sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Trong quá trình kiểm tra, nếu cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thì bị xử lý theo quy định đối với hàng nhập lậu.

Ông Lam cho biết mặt hàng bị thu giữ nhiều nhất là mỹ phẩm. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 378.522 sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội bị thu giữ, chủ yếu là hàng nhập lậu, vi phạm về nhãn hiệu.

 
Theo Phương Anh
Người Lao Động