Hàng xả cuối năm, đến đi ngắm còn... lười

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, cuối năm là dịp nhiều mặt hàng đua nhau “xả” tới mức giá thấp nhất hòng lôi kéo người mua. Nhưng ghi nhận tại thị trường tại TPHCM chưa thời điểm nào lại ế ẩm như lúc này khi đến việc đi ngắm, người dân còn không hứng thú.

Từ Noel, Tết dương - những thời điểm được xem là sức mua lớn trong năm - khắp các cửa hàng, trung tâm thương mai, siêu thị ở TPHCM liên tục tung nhau các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích thích sức mua.

Khắp các ngả đường được xem là “những cung đường mua sắm” như đường Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng… băng rôn khuyến mãi đua nhau treo rợp, rất bắt mắt ở các cửa hàng, nhất là các cửa hàng quần áo, giày dép thời trang. Đủ kiểu khuyến mãi như 1 tặng 1, giảm giá 50%, thậm chí có nơi treo biển giảm 70%...

Hàng xả cuối năm, đến đi ngắm còn... lười
Hình ảnh ảm đạm thế này là tình cảnh chung của cửa hàng kinh doanh ở TPHCM vào ngày cuối tuần (Ảnh chụp chiều chủ nhật 6/1)

Trái với sự “nhộn nhịp” từ các cửa hàng, sức mua lại ế ẩm thấy rõ. Lúc này hình ảnh khách ra vào nườm nượp ở các cửa hàng khuyến mãi lớn, cửa hàng của các thương hiệu có tiếng… chỉ còn là quá khứ. Kể những ngày lễ lạt hay những chiều cuối tuần, người dân TPHCM vốn có thói quen đi mua sắm thì bây giờ nơi nào đông khách lắm cũng chỉ lác đác vài ba người. Chưa nói đến việc bỏ tiền ra mua, đến việc đi ngắm người tiêu dùng còn chẳng hứng thú.

Anh Nguyễn Văn T, chủ một loạt cửa hàng thời trang não nề cho biết chưa năm nào mà việc kinh doanh lại ế ẩm như năm nay, doanh thu hàng tháng liên tục không đủ để trang trải các chi phí cho cửa hàng. Ngay dịp Noel và Tết dương lịch vừa qua, tổng doanh thu của 5 cửa hàng không bẳng riêng một cửa hàng bán được trong các năm trước. 

“ Vào dịp cuối tuần, nhìn khách ra vào các cửa hàng là biết người dân có đi mua sắm hay không, dường như người Sài Gòn đang bỏ thói quen mua sắm. Năm ngoái hàng ế, khách chủ yếu đi ngắm thì năm nay, đến ngắm đi ngắm người ta chẳng thèm”, anh T. thở dài.

Băng rôn nhộn nhịp giảm giá nhưng vắng bóng khách ghé thăm. 

Băng rôn nhộn nhịp giảm giá nhưng vắng bóng khách ghé thăm. 
Băng rôn "nhộn nhịp" giảm giá nhưng vắng bóng khách ghé thăm. 

Bà Phan Ngọc Hiền, chủ đại lý giày dép Hiền đóng ở Q. Gò Vấp buồn bã cho hay, trong năm nay nhân viên tại ba cửa hàng từ hơn 30 người giờ chỉ cắt giảm xuống phân nửa mà vẫn không có việc để làm vì quá vắng khách. Thậm chí, nhân viên chỉ mong có khách vào xem hàng cho thêm phấn chấn và được bận rộn hơn chút ít. 

Những dịp mua cuối năm, hy vọng doanh thu sẽ tăng lên đôi chút của bà chủ này cũng không đạt và cửa hàng phải đối diện với khó khăn cho việc trang trải tiền vốn, mặt bằng, nhân viên…

“Không chỉ tiết kiệm, giảm mua sắm mà người tiêu dùng đang cắt giảm cả những nhu cầu cần thiết. Chưa bao giờ tôi thấy người ta lại thờ ơ với việc mua sắm như lúc này. Hàng loạt cửa hàng thời trang ở Gò Vấp đua nhau đóng cửa, ai mạnh vốn thì còn trụ nhưng chẳng biết đứng nổi đến bao giờ”, bà chủ hàng giày dép nói.

Túi tiền eo hẹp, người tiêu dùng cũng mất luôn hứng thú đi ngắm hàng hóa. 
Túi tiền eo hẹp, người tiêu dùng cũng mất luôn hứng thú đi ngắm hàng hóa. 

Chị Lê Thị Nhung, nhân viên văn phòng, ngụ ở đường Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình) cho hay trước đây vào ngày cuối tuần chị và bạn bè thường ới nhau đi đến các cửa hàng mua sắm này nọ, không mua cũng đi xem cho vui. Thế nhưng nửa năm đổ lại đây chị đã bỏ hẳn thói quen này, rất hiếm khi ghé vào các cửa hàng trừ những lúc thật sự cần mua thứ gì đó. 

Chị Nhung lý giải: "Cũng dễ hiểu thôi, trong người không có tiền thì chẳng ai thích đi đâu. Hơn nữa, chị em đều lo ngắm nghía nhiều, không kiềm chế được mua những thứ chưa thật cần thiết thì lại thâm vào các khoản chi tiêu khác". 

Theo giới kinh doanh, tình trạng khó khăn kéo dài đã tác động rất rõ đến thói quan mua sắm, chi tiêu của người tiêu dùng. Không chỉ mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, giỏ xách mà đến các mặt hàng như điện máy, điện tử, hàng tiêu dùng… cũng rơi vào tình trạng khan hiếm khách hàng đến... thăm quan.

Hoài Nam