Hàng Việt bạt ngàn thế giới nhưng không ai ghi là của Việt Nam
(Dân trí) - Ở châu Âu, 1/3 ly Capuchino là cà phê Việt. Cá tra cũng chỉ nước ta mới có và xuất khẩu. Vậy mà, không có dòng chữ nào ghi là sản phẩm của Việt Nam tại các cửa hàng, hệ thống phân phối ở những thị trường lớn.
Chất lượng cao, thương hiệu kém
Sự bất cập trên được ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương nêu ra tại hội thảo diễn ra sáng nay (26/5) ở TPHCM.
Ông Hải cho biết, trong chuyến đi thực tế tại một cảng lớn của Bỉ, ông thấy rằng, cà phê Việt Nam bạt ngàn nơi đây. Không chỉ vậy, ở châu Âu, cà phê Việt chiếm 1/3 trong mỗi ly Capuchino nhưng không hề có chữ nào là cà phê Việt Nam trong các cửa hàng.
Nhiều hàng hoá Việt Nam bán tại siêu thị, hệ thống phân phối nhưng đóng gói là sản phẩm nước ngoài. "Chưa có nước nào trên thế giới có cá tra nhưng không có nước nào đóng gói cá tra là của Việt Nam", ông Hải nói.
Mặc dù có những bất cập như trên nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều điểm tích cực và hướng ra rộng mở cho hàng hoá Việt.
Ông Nishitoghe Yasuo, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, AEON có sự hợp tác 1.675 nhà cung cấp tại Việt Nam, trong đó, hàng hoá Việt chiếm 81%, hàng ngoại nhập chỉ 5%. Chất lượng mặt hàng Việt ngày càng tăng. Sản phẩm Việt Nam ở thị trường Nhật đang ngày càng được ưa chuộng. Cá tra Việt được bày bán tại Nhật, năm qua đem về doanh thu 9 triệu USD. Trái xoài Việt Nam cách đây 2 năm chưa được phép bán tại Nhật nhưng nay trở thành loại trái cây mà người tiêu dùng Nhật ưa chuộng.
Chất lượng quyết định thành - bại
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu cho rằng, những bất cập trên là hệ quả của việc hàng hoá nước ta dù bán ra nước ngoài rất nhiều nhưng phần lớn là qua các đại lý trung gian chứ không tham gia trực tiếp được vào mạng phân phối nước ngoài.
Thái Lan hơn Việt Nam bởi họ đưa được sản phẩm hoà vào mạng lưới phân phối quốc tế, trong khi đó, hàng hoá của nước ta dù phong phú, đa dạng nhưng chỉ dừng lại ở việc thông qua các đại lý. Nếu chỉ qua cửa đại lý trung gian thì doanh nghiệp sản xuất sẽ không nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, không quản lý được chất lượng bền vững, không phát triển được thương hiệu.
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020 sẽ xuất khẩu được sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn ở châu Âu, Nam Á, Bắc Á... Đồng thời, doanh nghiệp Việt sẽ tích cực tham gia vào các hệ thống phân phối mới cũng như mở rộng khả năng tiếp cận các hệ thống phân phối đã quen và có mặt tại Việt Nam như AEON, Lotte...
"Việc kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với hệ thống phân phối là cần thiết. Khi đó, chất lượng hàng nông thuỷ sản sẽ được quản lý chặt chẽ, đảm bảo từ nuôi trồng, chế biến, đóng gói...", ông Hải nói.
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã triển khai “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài”. Thông qua đề án, Bộ Công Thương kêu gọi các cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành nghề cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là các nhà phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam cùng đồng hành, phối hợp và hợp tác với Bộ Công Thương để triển khai các hoạt động của đề án.
Ông Đặng Hoàng Hải cho rằng, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.
Trong khi đó, ông Albin Bertrand, Giám đốc thu mua thực phẩm Auchan Retail Việt Nam cho rằng, để hàng hoá Việt ngày càng có "vị thế" tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ... thì các doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu Việt Nam phải tập trung vào chất lượng.
"Phải có niềm tin vào sản phẩm của mình, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng. Xây dựng chất lượng không chỉ của sản phẩm mà là cả quá trình phát triển sản phẩm, kiểm soát chất lượng khâu thu mua. Thị trường Châu Âu, Pháp đề cao chất lượng, Mỹ...", ông Albin Bertrand nói.
Albin Bertrand khuyên doanh nghiệp Việt cần nhận diện lại thị trường truyền thống và tiềm năng một cách thấu đáo trước khi quyết định đưa sản phẩm vào. Cần có chiến lược phù hợp cho từng thị trường nhưng quan trọng vẫn là chất lượng.
"Cần kiên trì với chiến lược dài hạn. Hàng hoá Việt Nam, nhất là thuỷ sản, cà phê... rất chất lượng. Các bạn thực sự có tiềm năng nên phải có niềm tin. Có niềm tin mới chinh phục được thị trường thế giới", Albin Bertrand nói.
Công Quang