Nghệ An:

Hàng Trung Quốc “tấn công” thị trường thiết bị chống rét

(Dân trí) - “Quạt sưởi ở đây toàn hàng Trung Quốc nhập lậu. Nếu có phiếu bảo hành bằng tiếng Việt thì cũng là liên doanh với Trung Quốc. Không phải hàng “Tàu” thì lấy đâu ra giá rẻ thế này!”, ông Lập - một chủ hàng chắc nịch.

Các cửa hàng chăn đệm giảm giá để thu hút khách
Các cửa hàng chăn đệm giảm giá để thu hút khách

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng chịu ảnh hưởng mạnh của không khí lạnh tăng cường. Nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức dưới 15 độ C, nhiều khu vực miền núi, nhiệt độ xuống thấp hơn. Vào đêm và gần sáng, nhiệt độ xuống ở mức 11-12 độ C. Trời rét buốt khiến nhu cầu về các thiết bị chống rét tại đây tăng cao.

Mặc dù nhu cầu cao nhưng các thiết bị chống rét tại chợ Vinh cũng có giá khá mềm. Quạt sưởi có giá từ 120.000 đồng tới 700.000 đồng tùy theo chủng loại và kích cỡ. “Quạt sưởi cỡ nhỏ thì chủ yếu học sinh, sinh viên mua, tiện lợi là để vào góc học tập, loại này có giá từ 120-150 nghìn đồng. Loại máy sưởi đứng 3 bóng điện, mỗi bóng 300W, có thể bật một bóng hay 3 bóng tùy theo nhu cầu có giá từ 400-450 nghìn đồng. Loại này bán chạy nhất, chủ yếu dùng cho hộ gia đình. Loại giống quạt cây này có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng, ít người mua hơn. Có ngày cao điểm chúng tôi bán đến hơn chục cái quạt sưởi”, ông Lập - chủ một ki ốt tại chợ Vinh cho biết.

Hầu hết thiết bị chống rét bày bán ở chợ Vinh đều là hàng Trung Quốc và có giá khá mềm.
Hầu hết thiết bị chống rét bày bán ở chợ Vinh đều là hàng Trung Quốc và có giá khá mềm.

Những chiếc quạt sưởi, máy sưởi được trưng bày hoàn toàn không có hộp dựng hay hướng dẫn sử dụng nhưng ông Lập cam đoan là tuyệt đối an toàn nhờ hệ thống ngắt điện tự động khi máy bị đổ xuống. Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị này, ông Lập cho biết: “Toàn hàng Tàu cả đó. Hàng nhập lậu nên rẻ hơn chứ cũng thiết bị này nếu bán ngoài cửa hàng sẽ đội giá lên vài trăm nghìn nữa. Như loại quạt sưởi dạng cây này có giấy bảo hành bằng tiếng Việt nhưng đều là hàng liên doanh cả đấy. Mình đặt hàng bên đó chứ chưa sản xuất được. Chỉ có hàng Tàu nhập lậu thì giá mới rẻ thế này chứ”.

Bên cạnh quạt sưởi thì các loại túi sưởi cũng khá hút khách. Mỗi chiếc tủi sưởi có giá từ 100 - 160.000 đồng tùy theo kích cỡ, hình dáng. Túi sưởi được bày bán đều được giới thiệu là hàng Nhật Bản, chỉ cần cắm xạc điện trong vòng 15 phút sẽ tỏa nhiệt trong vòng 6 tiếng. Với ưu thế giá rẻ, giữ nhiệt lâu và tiết kiệm điện hơn quạt sưởi nên túi sưởi được người tiêu dùng lựa chọn hơn.

Túi sưởi không nhãn mác có giá từ 100-160.000 đồng được bày bán tại các hiệu thuốc
Túi sưởi không nhãn mác có giá từ 100-160.000 đồng được bày bán tại các hiệu thuốc

Chị Hồng (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: “Mặc dù được giới thiệu là hàng Nhật Bản nhưng các túi sưởi đều được bán “trần”, chỉ khi khách yêu cầu mới được cho vào hộp đựng in bằng chữ Nhật. Tuy nhiên, đến khi về nhà, mở túi sưởi ra thì tôi mới phát hiện mác đính vào túi là chữ Trung Quốc. Cũng hơi lo lắng không biết dùng có tác hại gì không vì nó nóng sực lên, đặt chân lên có cảm giác bỏng nhưng cho vào trong chăn thì cũng ấm nên cứ dùng thôi”.

Trời rét nên các cửa hàng bán chăn đệm cũng tranh thủ hạ giá khuyến mãi để thu hút khách. Tuy nhiên, sôi động nhất có lẽ là các điểm bán áo ấm đồng giá được bày bán ở các vỉa hè. Với mức giá từ 200-230.000 đồng/áo khoác nữ và 200-250.000 đồng/áo khoác nam thì các điểm bán này thực sự “hút” khách hàng bình dân và người lao động nghèo.

Quần áo ấm giá rẻ có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tại vỉa hè thu hút khách hàng bình dân
Quần áo ấm giá rẻ có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tại vỉa hè thu hút khách hàng bình dân 

Chị Nguyễn Thị Thương (xã Nghi Kim, Tp Vinh) cho biết: “Áo ấm bây giờ mặc một mùa là đã lỗi mốt rồi, nên thay vì đầu tư cả triệu đồng 1 cái áo khoác thì mua ở vỉa hè rẻ hơn rất nhiều. Với từng đó tiền, mình có thể mua được 2 cái để mặc thay đổi và còn mua được cho chồng cái nữa. Tiền nào thì của nấy, mặc hết mùa đông này là được rồi”.

Ưu thế của các điểm bán áo ấm đồng giá vỉa hè này là khỏi mất công mặc cả nên khách hàng không sợ bị mua “hớ”. Sau một hồi lựa chọn, chị Thương cũng chọn được một cái áo phao với giá 220.000 đồng. Giải thích cho lý do giá rẻ bất ngờ này, người bán hàng cho biết: “Hàng Trung Quốc nên rẻ thôi. Chứ hàng Việt Nam mình vừa đắt, mẫu mã không đa dạng mà màu sắc cũng xấu nên kén người mua. Trung bình mỗi ngày tôi bán được chừng 15 cái, có hôm bán được hơn 20 cái áo khoác”.

Hoàng Lam
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước