Hàng Trung Quốc ở ta và ở Tây

Hóa ra giữa ta và tây, giống nhau ở chỗ đều là thị trường tiêu thụ hàng TQ, nhưng khác nhau, rất khác nhau ở chất lượng của thứ hàng cùng “made in China” này.

Ở ta, hàng Trung Quốc (TQ) tràn ngập khắp nơi, từ thứ to tướng với động cơ nổ ầm ầm như ô tô, xe máy, máy phát điện hoặc các sản phẩm công nghệ cao như máy tính, điện thoại thông minh, đến thứ nhỏ nhoi như củ gừng, củ tỏi, thậm chí đơn giản như cái tăm. Thôi thì tất tần tật, bất cứ loại hàng tiêu dùng gì mà thị trường Việt Nam thể hiện “cầu” thì TQ có “cung”, hoặc “cung” trước để mồi “cầu”. Có thể nói hàng TQ đã và đang len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam. Có lẽ không có gia đình nào, từ “đại gia” giàu có đến người nghèo, lại không dùng hàng có xuất xứ từ TQ.

 

Hàng TQ đã một thời (khoảng những năm 1970) là niềm mơ ước của hàng triệu gia đình Việt Nam. Thời đó, những chiếc xe đạp Phượng hoàng, Vĩnh cửu, máy khâu 5 con bướm, đài bán dẫn Xionmao, phích nước Thượng Hải… và ngay cả vỏ chăn hoa TQ sao mà đẹp thế, tốt thế. Đẹp và tốt tới mức đã tạo thành ấn tượng khó phai mờ trong lòng người tiêu dùng sau mấy mươi năm sử dụng. Lúc bấy giờ, không phải gia đình Việt Nam nào cũng có thể mua được những thứ này, dù rất muốn.

 

Hàng TQ bán ở Việt Nam bây giờ không thể so được với hàng TQ bán ở Việt Nam thời xa xưa vừa kể trên đây, cả về mẫu mã cũng như chất lượng, nhất là chất lượng.

 

Hàng TQ bây giờ chỉ được cái rẻ. Nhiều thứ rẻ đến bất ngờ, rẻ đến nỗi người ta không thể tưởng tượng được bằng cách gì mà người TQ lại có thể làm ra những sản phẩm mà nếu tính theo giá thành thì gần như cho không. Nhưng “của rẻ là của ôi”. Chất lượng hàng TQ ở ta hiện nay thì thôi rồi người tiêu dùng ơi! Trừ hàng hiệu, hàng chính hãng của các nhà sản xuất có danh tiếng trên thế giới tổ chức chế tạo, lắp ráp tại TQ được nhập về chính ngạch theo hợp đồng hoặc hàng TQ viện trợ có chủ đích cho các nước được nhập lậu vào nước ta, còn lại toàn là thứ mau hỏng, thậm chí là độc hại mà báo chí đã cảnh báo với những ví dụ rất cụ thể.

 

Ở Việt Nam ta hiện nay, có thể thấy khá phổ biến tâm lý sợ hàng TQ hoặc sợ mua nhầm phải hàng TQ đội lốt hàng Việt. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận không nhỏ dân chúng, nhất là người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tuy biết hàng TQ chất lượng kém, nhưng vẫn mua, vì giá cả hợp với túi tiền “lép” của họ.

 

Tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, các nước EU… cũng đầy các sản phẩm do TQ sản xuất, vì TQ là “công xưởng của thế giới”. Và ở các nước này, người tiêu dùng không sợ hàng TQ. Vì, về cơ bản, hàng TQ đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu định ra. Nói cách khác, những sản phẩm nào sản xuất tại TQ mà không đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển thì không được phép nhập vào nước họ. (Đấy là “về cơ bản”, còn trong thực tế, cũng có những trường hợp hàng TQ bị phát hiện chất lượng kém hoặc “bẩn”).

 

Hóa ra giữa ta và tây, giống nhau ở chỗ đều là thị trường tiêu thụ hàng TQ, nhưng khác nhau, rất khác nhau ở chất lượng của thứ hàng cùng “made in China” này.

 

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, người ta hay nói các nước phương Tây là thị trường “khó tính”. Trong khi đó, nước ta lại là thị trường quá “dễ tính” với hàng TQ và vì vậy, đã là mối hời rất béo bở đối với các nhà sản xuất và giới buôn TQ, cả chính ngạch và tiểu ngạch.

 

Ở ta, công tác quản lý chất lượng hàng nhập khẩu nói chung, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ TQ không chặt chẽ, nghiêm ngặt như ở tây, nếu không nói là yếu kém. Bằng chứng là vô khối hàng TQ chất lượng kém, thậm chí là những thứ đã bị họ thải loại (như gà, vịt), đã ôi thiu (như phủ tạng động vật), vẫn được nhập vào nước ta để làm khổ dân ta, làm hại dân ta.

 

Và một sự khác biệt nữa là ở tây, ý thức chấp hành luật pháp của người dân rất cao. Không dám nói là ở tây không có tình trạng buôn lậu, nhưng những “cú” đánh hàng lậu với hàng chục, thậm chí hàng trăm “cửu vạn” mang hàng từ TQ vượt biên vào mà các cơ quan chức năng, dù đã cố gắng hết mức cũng không thể ngăn cấm triệt để, thì có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

 

Có những sự “rất khác nhau” như vậy, vì sao?

 

Vì ta khác tây.

 

Theo Nguyễn Quốc Uy

Báo Tin tức TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm