Hàng Trung Quốc đội lốt hàng “xịn” xâm nhập thị trường tết
Càng cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, các loại hàng hoá nhập lậu kém chất lượng lại càng có dịp tung hoành trên thị trường, xâm nhập, len lỏi vào cuộc sống của người dân thủ đô.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu hiện có thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động thay đổi liên tục để qua mắt cơ quan chức năng, đánh lừa người tiêu dùng...
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển thực phẩm thối
Trong vòng một tháng trở lại đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán các loại thực phẩm bẩn, bánh kẹo, rượu lậu... vào Hà Nội ngày càng nhiều và đã có không ít vụ bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Cụ thể, ngày 16.1, tại địa phận xã Tứ Hiệp (H.Thanh Trì), CA huyện này phát hiện xe ôtô BKS 99C-001.28 có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở nhiều thùng xốp (trọng lượng hơn 300kg), bên trong đựng tai lợn và lòng lợn đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối. Lái xe Trương Đình Thịnh (SN 1988, trú tại Bắc Ninh) khai nhận thu mua trôi nổi tai và lòng lợn tại Bắc Giang, định mang về lò mổ ở xã Vạn Phúc (H.Thanh Trì) tiêu thụ.
Trước đó, ngày 6.1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ CA TP.Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 6 thu giữ 4 tấn bánh kẹo Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam. Lái xe Nguyễn Hữu Ba (SN 1973, tại Thái Bình) khai nhận chở thuê số bánh kẹo trên từ biên giới phía bắc về Hà Nội nhưng chưa kịp gặp chủ hàng thì bị bắt.
Trước đó một ngày, trên quốc lộ 1B, đoạn thuộc địa phận xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội, kiểm tra hai xe tải mang BKS 17C-009.63 và 17C-031.02, lực lượng liên ngành phát hiện 14,5 tấn mì chính giả và 4,5 tấn ô mai (đều ghi nhãn mác Trung Quốc) đang được vận chuyển vào Hà Nội để tiêu thụ.
Sáng ngày 24.12, Đội CSGT số 4 (CA TP.Hà Nội) phát hiện chiếc xe tải đang lưu thông trên đường có mùi hôi thối. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện hơn 10 thùng xốp và các sọt nhựa (tổng trọng lượng khoảng gần 1 tấn) chứa đầy nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy. Lái xe khai nhận được một chủ hàng thuê chở từ Hà Nội về KCN Đình Trám – Bắc Giang với giá 2 triệu đồng để tiêu thụ.
Hàng hoá Trung Quốc đội lốt “hàng xịn”
Theo thiếu tá Trương Quang – Đội trưởng Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm CA TP.Hà Nội: Càng gần tết, do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng cao nên các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng chất lượng kém gia tăng hoạt động. Các mặt hàng chủ yếu được bọn chúng thường xuyên buôn bán, vận chuyển là nội tạng động vật, trứng gia cầm, gà, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, mì chính, pháo nổ, pháo lễ hội... So với mọi năm, phương thức thủ đoạn của các đối tượng chuyên vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm có nhiều thay đổi, tinh vi hơn trước đây.
Cụ thể, để tuồn hàng lậu, hàng chất lượng kém vào thị trường, các đối tượng trên đã “chuyên môn hoá quy trình". Theo đó, kẻ đi buôn thì chỉ tập trung vào buôn bán, nhập hàng; một nhóm khác thì chuyên vận chuyển, sau đó tập trung hàng hoá ở Hà Nội rồi xé lẻ đem đi tiêu thụ. Các đối tượng trên hiện thường xuyên trà trộn hàng lậu lẫn vào hàng hoá tiêu dùng để gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu đang tìm cách “lách” kẽ hở trong các quy định hiện hành. Theo quy định, những người dân vùng giáp biên có thể được mua hàng hoá tại cửa khẩu nước bạn với số tiền 2 triệu đồng nhưng không phải nộp thuế.
Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng buôn lậu thường xuyên đi thu gom hàng của người dân giáp biên, sau đó hợp thức hoá bằng cách xuất hoá đơn mua bán hàng thông thường. Nếu như số hàng trên bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thì họ sẽ “cãi lý” rằng đây chỉ là hàng họ mua lại với giá rẻ của người dân vùng biên chứ không phải hàng lậu. Vì thế, hằng ngày có số lượng rất lớn hàng hoá nhập lậu tuồn vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đặc biệt, theo thiếu tá Trương Quang, gần đây tại Hà Nội, nhất là thời điểm giáp tết xuất hiện tình trạng hàng hoá Trung Quốc giả hàng nhập khẩu từ Châu Âu, Mỹ..., thậm chí đội lốt cả hàng Việt Nam. Nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng hiện nay sợ các loại hoa quả, bánh kẹo Trung Quốc, các đối tượng xấu đặt nhãn mác của các nhãn hàng hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Australia... rồi dán vào hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.
Hay như thị trường bánh kẹo, do bánh kẹo Trung Quốc bị tẩy chay nên nhiều đối tượng đã in bao bì bánh kẹo Việt Nam từ Trung Quốc, sau đó sử dụng bánh kẹo Trung Quốc đóng gói ngay tại chỗ, rồi xuất ngược lại Việt Nam tiêu thụ. Vụ việc trên đã từng bị cơ quan CA phát hiện, bắt giữ với số lượng lên tới hàng tấn.
Lợi nhuận quá lớn nên bất chấp tất cả
Theo ông Lê Mạnh Hùng – Đội trưởng Đội QLTT số 11 (Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội): So với vài năm trước đây, hiện chế tài xử lý đã được nâng lên một cách đáng kể, tuy nhiên do lợi nhuận buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng quá lớn nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật.
Nếu như trước đây, ngoài việc chở hàng lậu phải nộp phạt theo quy định thì nếu như không chứng minh, tìm được chủ lô hàng thì các đối tượng vận chuyển hàng lậu chỉ nộp phạt hành chính khoảng 1,5 triệu đồng/ chuyến hàng. Tuy nhiên, với quy định mới hiện nay, ngoài việc mức phạt được nâng lên gần 5 triệu đồng, lái xe phải tự nộp tiền tiêu huỷ hàng hoá. Đơn cử như vụ vận chuyển 1 tấn lòng thối mà QLTT 11 bắt được, lái xe phải bỏ khoảng 10 triệu đồng để tiêu huỷ số lòng trên. Hay như vụ vận chuyển 5 tấn mì chính giả, tiền huỷ lô hàng này lên tới 100 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt hành chính, khi bắt được những lô hàng lậu, nếu chứng minh được hành vi đây là hàng cấm; hàng giả, thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự, chuyển cơ quan CA khởi tố, bắt tạm giam. “Tuy nhiên, do hàng lậu, hàng giả bán ra có số lãi quá lớn nên nhiều kẻ chấp nhận đối mặt với án phạt, vẫn cố tình buôn bán, vận chuyển số hàng trên bởi nhiều khi chỉ cần làm trong một vụ tết là có thể kiếm đủ tiền cho cả năm” – ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo Phi Long