1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng trăm xe hàng hóa vẫn “nằm im” ở cửa khẩu, chờ sang Trung Quốc

(Dân trí) - Theo báo cáo, tại tỉnh Lạng Sơn vẫn tồn 742 xe, toa chưa xuất khẩu được. Trong đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn 325 xe nông sản (mít, thanh long, nhãn, ớt...), linh kiện điện tử.

Hàng trăm xe hàng hóa vẫn “nằm im” ở cửa khẩu, chờ sang Trung Quốc - 1
Hình minh hoạ.

Chiều 21/2, Bộ Công Thương tiếp tục cập nhật tình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và lượng hàng hòa còn tồn tại ở các cửa khẩu tính đến ngày 20/2.

Theo báo cáo, tại tỉnh Lạng Sơn: Đã xuất khẩu 219 xe; nhập khẩu 196 xe; tồn 742 xe, toa. Trong đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn 325 xe nông sản (mít, thanh long, nhãn, ớt...), linh kiện điện tử.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh hiện vẫn tồn 27 xe nông sản (chủ yếu là thanh long) đang chờ làm thủ tục xuất khẩu; cửa khẩu Cốc Nam tồn 10 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm); cửa khẩu Chi Ma tồn 3 xe xuất khẩu (1 xe tái nhập thạch đen; 2 xe hạt tiêu).

Tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng tồn 12 toa chờ làm thủ tục nhập khẩu. Tại cửa khẩu quốc tế đường sắt, báo cáo cho thấy hiện còn khoảng 200 xe chờ xuất…

Trước đó, ngày 18/02, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.

Theo báo cáo nhanh Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, mặc dù các cơ quan chức năng tại cửa khẩu đang tăng cường triển khai công tác quản lý, giám sát, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá nhưng tính đến thời điểm chiều ngày 20/2, tiến độ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh còn khá chậm, chỉ có khoảng 11 xe trái cây tươi (trong đó chủ yếu là Thanh long), tương đương 3,6% lượng hàng xuất trước thời điểm dịch bệnh (khoảng 300 xe/ngày), hiện tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang tồn khoảng 17 xe trái cây tươi.

Bộ Công Thương nhận định có một số nguyên nhân khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng qua cửa khẩu Tân Thanh chưa nhiều như nêu trên đó là việc trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới theo chính sách 8.000 NDT/người/ngày chưa được phía Trung Quốc cho phép thực hiện.

Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ phương tiện và chủ phương tiện khi thực hiện giao nhận hàng theo quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19; lực lượng bốc xếp tại bến bãi bên phía Trung Quốc (Khả Phong, Bằng Tường) còn khá mỏng làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 dự kiến có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của ta, mặc dù có thể đã được làm thủ tục thông quan xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới như Tân Thanh, Lạng Sơn, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do các nguyên nhân như nên trên trong đó có việc phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước tình hình đó, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công văn số 1021/BCT-XNK ngày 18 tháng 02 năm 2020 và các công văn, khuyến nghị trước đây của Bộ Công Thương.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm