Hàng Thái, Nhật ngập thị trường: Cửa nào cho hàng nội?

Phải đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, liên kết trong khâu sản xuất và phân phối…, doanh nghiệp Việt mới hy vọng đứng vững trước làn sóng hàng hóa nước ngoài đang đổ vào ồ ạt.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ví von hiện tượng hàng hóa nhập khẩu có mặt ngày càng nhiều trên thị trường giống như “nước dâng đến đầu” các doanh nghiệp (DN) trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện DN cho rằng không còn cách nào khác, DN Việt Nam phải “đá” hết sức trên sân nhà mới hy vọng tồn tại.

Viễn cảnh lao đao

Không chỉ hàng Thái, Nhật mà sắp tới, hàng hóa các nước khác cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, giá rẻ hơn theo cam kết hội nhập. Ở chiều ngược lại, DN Việt cũng có cơ hội bán hàng sang các đối tác lớn trên thế giới. Tuy nhiên, sự chuẩn bị của DN Việt chưa tương xứng với thời cơ và cũng là thách thức mới. Trong đó, số đông DN có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu những chính sách hỗ trợ tới nơi tới chốn… nên nhiều DN không vượt lên được.

Hàng Thái, Nhật ngập thị trường: Cửa nào cho hàng nội?
Một cửa hàng trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP HCM chuyên bán các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng muốn hay không cũng không thể cản được hàng hóa các nước - đặc biệt là hàng Thái, Nhật - đổ vào Việt Nam. Sắp tới, Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) được thành lập, các nước trong khu vực sẽ đưa hàng vào Việt Nam nhiều hơn. Mỗi nước có thế mạnh riêng: Thái Lan mạnh về đồ gia dụng, điện máy, hóa mỹ phẩm; Malaysia, Indonesia mạnh về bánh kẹo… Họ sẽ đưa sản phẩm thế mạnh đó vào Việt Nam tiêu thụ. Khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi vì có thêm sự lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ nhưng các DN trong nước sẽ lao đao hơn.

“Các DN đã được cảnh báo về viễn cảnh bị “bủa vây” bởi hàng hóa ngoại nhập, cạnh tranh vô cùng gay gắt nhưng đến nay, chỉ những DN lớn có chiến lược, bước đi riêng. Trong khi đó, các DN nhỏ vẫn bình chân như vại” - ông Hưng lo ngại.

Không thay đổi là chết

Theo phó tổng giám đốc một DN bán lẻ tại TP HCM, cạnh tranh là không tránh khỏi nhưng nếu biết cách, DN vẫn có thể phát triển được.

“Trong tương lai, hàng Nhật có nhiều thế mạnh hơn hàng Thái vì trong tâm thức người Việt, hàng Nhật được mặc định là chất lượng tốt, an toàn. Ngoài ra, cách phục vụ của các cửa hàng Nhật cũng được người tiêu dùng ưa thích. Hàng Thái thì đã khẳng định thế mạnh ở nhóm đồ điện, điện tử, đồ dùng gia đình, thời trang bình dân… Đến nay, hàng hóa trong nước ở các lĩnh vực này vẫn chưa phát triển bằng hàng Thái. Đó chính là khoảng trống để hàng Thái xoáy vào, chiếm phần áp đảo” - vị phó tổng giám đốc này phân tích.

Khó khăn là vậy nhưng theo các DN, cạnh tranh với hàng Thái, Nhật nói riêng hay hàng nhập khẩu nói chung dù đang gia tăng nhanh chóng song đây không phải là áp lực bất ngờ “từ trên trời rơi xuống” mà đã có quá trình dài. DN trong nước muốn cạnh tranh, giữ được sân nhà và tiến ra thị trường chung thì phải thay đổi, làm mới mình.

Trước tiên, các nhà sản xuất phải “bắt tay” nhau hình thành chuỗi sản phẩm, liên kết trong kênh phân phối, logistic để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả. Song song đó, liên kết chặt giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ, đặc biệt là nhà bán lẻ nội địa, để tăng sức mạnh cho hàng Việt.

Cạnh tranh trong kinh tế thị trường, chất lượng và giá cả hàng hóa mang tính quyết định. Vấn đề mấu chốt đối với các DN là làm sao để tăng chất lượng sản phẩm và tăng năng suất. Theo các chuyên gia kinh tế, dù áp lực cạnh tranh khá lớn trên sân nhà nhưng DN Việt khá nhanh nhạy, khả năng thích nghi tốt nên sẽ xoay xở được.

Tìm cơ hội ở nước ngoài
Nhựa gia dụng là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại. Theo giám đốc một DN nhựa khá lớn tại TP HCM, hàng nhựa gia dụng của Việt Nam và các nước trong khu vực có mẫu mã, chất lượng tương tự, giá bán không chênh lệch nhiều. Mấy năm nay, hàng nhựa gia dụng nhập khẩu nhiều hơn, mẫu mã đa dạng nên cạnh tranh ở thị trường nội địa khá vất vả. DN trong nước phải tăng tốc giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới, xây dựng hệ thống phân phối, khuyến mãi giảm giá... nhiều hơn để bán hàng.
 
Thông qua các kỳ hội chợ ở nước ngoài, nhiều DN đã dần đưa sản phẩm sang một số thị trường trong khu vực, tìm nhà phân phối...
 
Theo Đông Nghi - Lê Phong
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”