Hãng rượu hơn 120 năm tuổi ở Hà Nội tiếp tục thua lỗ
(Dân trí) - Halico tiếp tục lỗ ròng 7 tỷ đồng trong quý II, lỗ lũy kế của doanh nghiệp sản xuất rượu này hiện lên tới 458 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội, được người Pháp xây dựng từ năm 1898 tại Thủ đô. Halico hiện là công ty con của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), doanh nghiệp này sở hữu các thương hiệu rượu như Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội.
Tiếp tục lỗ
Số liệu tài chính quý II vừa công bố cho thấy Halico nối dài chuỗi ngày thua lỗ. Halico chỉ đạt doanh thu thuần 17 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu quá thấp dưới giá vốn khiến hãng rượu này lỗ gộp 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp không được tiết giảm và thậm chí còn cao hơn cùng kỳ. Kết quả là hãng rượu lỗ ròng 12 tỷ đồng trong 3 tháng vừa qua, gần gấp đôi mức lỗ 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Halico đạt doanh thu thuần 53 tỷ đồng, không tăng đáng kể so với kỳ bán niên 2020. Lỗ sau thuế của doanh nghiệp là 13 tỷ đồng, cải thiện nhẹ so với mức lỗ ròng 15 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ban lãnh đạo Halico cũng nhấn mạnh, yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến thói quen sử dụng rượu bia tại miền Bắc, sản lượng tiêu thụ rượu vào mùa hè, mùa thu thấp hơn các giai đoạn lạnh trong năm như mùa đông, mùa xuân.
Năm nay, hãng rượu hơn 120 năm tuổi lên kế hoạch doanh thu thuần 115 tỷ đồng và dự kiến lỗ trước thuế 30 tỷ đồng. Như vậy, doanh số của công ty chưa hoàn thành 50% chỉ tiêu cả năm sau nửa chặng đường đã qua.
Đến cuối tháng 6, lỗ lũy kế của Halico lên tới 458 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa âm vốn chủ sở hữu nhờ nguồn tiền hơn 600 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.
Khó khăn kéo dài
Là công ty con của Habeco, hiện Halico có 54,3% cổ phần thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước này, Halico có cổ đông chiến lược là tập đoàn Diageo - tập đoàn quốc tế sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng, chiếm 45,6% cổ phần.
Dù có cổ đông ngoại là thương hiệu hàng đầu về sản xuất rượu nhưng Halico vẫn chật vật nhiều năm nay. Trong báo cáo thường niên, lãnh đạo hãng rượu của Hà Nội thừa nhận chưa khai thác được thế mạnh trong việc hợp tác với Diageo như gia công sản phẩm hay sử dụng chung kênh phân phối và đang nỗ lực cải thiện.
Ngoài ra, nhiều yếu tố khách quan theo công ty dẫn đến tình trạng khó khăn như thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm ngày càng khắt khe về chất lượng, hình ảnh, mẫu mã. Thêm vào đó, xu hướng người tiêu dùng tự mang rượu đến các nhà hàng ngày càng lớn.
Ngoài ra, thị trường rượu trong nước chứng kiến tình trạng trốn thuế, làm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt.
Nhiều yếu tố chủ quan khác cũng ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, tác động tiêu cực từ chương trình bán hàng, hệ thống bán hàng như hiện tượng bán lấn vùng, lấn tuyến, bán phá giá. Nhu cầu sản xuất của nhà máy ở mức thấp khiến công ty không giảm được giá thành sản xuất, lại phải bố trí nghỉ, ngừng việc.
Trước những khó khăn của thị trường tiêu thụ rượu và đồ uống có cồn, Halico cũng đã phát triển các sản phẩm cồn, dung dịch sát khuẩn tay để thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và đặt kế hoạch tìm kiếm thị trường tiêu thụ mặt hàng này.
Halico cho biết đang nỗ lực khôi phục, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, tập trung ở châu Á, châu Âu, giải quyết các vấn đề liên quan đến bất động sản để mang lại sự hiệu quả cho doanh nghiệp.