Hàng quán khốn khó vì giá thịt tăng vọt

(Dân trí) - Tăng giá bán, cắt giảm lượng thịt trong mỗi phần ăn… là cách mà nhiều nhà hàng, quán ăn tại TPHCM đang áp dụng mới mong có lãi khi giá các loại thịt tăng mạnh kể từ đầu tháng 3/2011.

Mặc dù đã ra Tết 1 tháng, song giá lương thực, thực phẩm vẫn không giảm như mọi năm mà còn có chiều hướng tăng lên, đặc biệt là giá các loại thịt. Để có lãi, nhiều nhà hàng, quán ăn buộc phải tăng giá bán hoặc bán với giá cũ nhưng bớt khẩu phần thịt trong đồ ăn…
 
Hàng quán khốn khó vì giá thịt tăng vọt - 1
Tăng giá bán, bớt khẩu phần ...là cách mà nhiều quán ăn hiện đang áp dụng.
 
Những ngày gần đây, nhiều người dân đến hàng quán ăn uống đều ngỡ ngàng khi giá cả nhiều món ăn đều đồng loạt tăng giá. Như mỗi bát phở, hủ tiếu, bánh canh, bún vịt… đều đội lên vài ngàn đồng. Các món ăn khác chế biến từ các loại thịt heo, bò, gà vịt… cũng tăng giá từng ngày.

 

Theo ghi nhận, hàng loạt hàng quán ở khu vực trung tâm đến các vùng ven ở TPHCM đều tăng giá bán. Tại quán bún chả Hà Nội ở trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q. Bình Thạnh), bảng niêm yết giá là 30.000 đồng/phần nhưng khi khách hàng thanh toán được báo giá 32.000 đồng. Bảng niêm yết giá tại quán bánh canh cua ngay trước chợ Gò Vấp, từ 13.000 đồng đã được “thay” thành 15.000 đồng.

 

“Heo lên giá cao quá. Từ 65.000 đồng mà lên đến 80.000 đồng một ký nên buộc mình phải tăng giá bán. Khách hàng đều ngỡ ngàng nhưng nghe mình giải thích họ cũng rất thông cảm”, cô Vân, chủ quán hàng bún chả trên cho hay.

 

Hàng quán khốn khó vì giá thịt tăng vọt - 2
Phần bún thịt nướng này vẫn giữ giá 15.000 đồng nhưng miếng thịt đã nhỏ đi thấy rõ

 

Bên cạnh việc tăng giá, một hình thức khác được khá nhiều hàng quán áp dụng là vẫn giữa nguyên giá bán cũ nhưng giảm lượng thịt chế biến trong mỗi suất ăn. Với cách này, họ hy vọng sẽ giữ được lượng khách đến với quán trong thời điểm kinh doanh khó khăn này.

 

Đi ra quán bún bò Huế trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) sau khi dùng bữa sáng, chị Lê Vân Anh, nhân viên kế toán một công ty khu vực này cho hay: “Hôm nay tôi ăn tô bún bò mà thấy rõ… chưa chắc bụng lắm. Lượng thịt trong tô bún giảm đi, lát thịt bò mỏng hơn, móng heo cũng được chặt khúc nhỏ hơn”.

 

Theo vị khách hàng này, trong khi nhiều quán ăn uống tăng giá bán thì chị chấp nhận hình thức “rút ruột” đồ ăn kiểu này. “Trong điều kiện sống tiết kiệm, tôi nghĩ nhiều người đồng ý với việc ăn ít đi thay vì phải trả thêm tiền. Bởi thực tế tiền kiếm ra có hạn, đâu có thể mà chạy theo giá cả được”, chị Anh nói.

 
Tại hàng bún vịt, bún thịt nướng của ông Thụy trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh) đang áp dụng “kép” cùng hai thức thức. Mỗi phần bún vịt, bún thịt nướng tại đây trước có giá 15.000 đồng, giờ thì tùy vào lựa chọn của khách. “Suất bình thường, vẫn 15.000 đồng nhưng ít hơn trước. Còn phần bằng như cũ là 17.000 đồng, tôi luôn hỏi khách ăn phần nào”, ông Thụy nói.

 

Theo ông Thụy, mức tăng 2.000 đồng mỗi phần thật ra chỉ “vớt vát” chút ít chứ không bù nổi với mức giá thực phẩm tăng như hiện nay. Tuy nhiên, cứ mỗi lần tăng giá, lượng khách đến quán lại giảm đi đáng kể.

 

“Các loại thịt đều tăng từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, bún từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/kg… , giá bán lẽ ra phải tăng cao hơn. Nhưng trong lúc khó khăn thế này, mình phải chấp nhận lãi ở mức thấp nhất may ra mới giữ được khách. Cứ đà tăng giá như thế này, đến lúc người dân không dám đi ăn quán nữa mất", ông chủ quán này than thở. 

 

Hoài Nam