1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng nhái, hàng giả: Kiểu nào cũng có!

Chen vào những hàng hóa đạt yêu cầu chất lượng, có nguồc gốc cụ thể, trên thị trường đầy dẫy loại hàng nhái, hàng giả chất lượng kém. Mặt hàng nào thu hút khách hàng do chất lượng cao thì y như rằng chỉ một thời gian ngắn trên thị trường xuất hiện ngay hàng nhái, hàng giả.

Kiểu nào cũng có

   

Đáng báo động nhất là các sản phẩm làm giả có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc. Nước uống đóng chai là ví dụ điển hình. Lợi dụng nhãn hiệu La Vie đang có uy tín, các sản phẩm Lavu, Levi, Levu, Love… với dòng chữ và hình giọt nước “na ná” xuất hiện nhan nhản.

 

Nguy hiểm ở chỗ, các cơ sở làm nước đóng chai này chỉ dùng nước từ các nguồn thủy cục, nước giếng, thậm chí là giếng khoan sát nghĩa địa, lắng lọc rồi đóng chai! Kế đến là sữa bột giả từ loại “xác sữa” dùng để làm bánh được đóng gói theo dạng ký lô, rồi bày bán công khai trên đường Nguyễn Thông, Lý Chính Thắng.

 

Bên cạnh đó là các loại rượu Tây giả sản xuất bằng rượu đế, cồn và màu; thuốc tây giả với công thức duy nhất là... bột mì; các loại bột ngọt, gas, xe máy, phần mềm vi tính… giả nhãn hiệu, kiểu dáng, sao chép những mặt hàng có uy tín khác. Hàng điện tử của Sony, National, Casio hay áo sơ mi Việt Tiến cũng bị giả tuốt với giá rất “bèo”.

 

Ông Nguyễn Văn Ri – Đội trưởng Đội 3A, chống hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM (gọi chung QLTT TPHCM)- đưa chúng tôi xem biên bản vụ làm giả mỹ phẩm do Trần Đình Nghiệp (P4, Q6) tổ chức sản xuất. Rất nhiều nhãn hiệu kem dưỡng da nổi tiếng của nước ngoài như Topsyne, Pop, Butée, Arché, Emoon, Young One… xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp và các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước như kem bôi da Thanh Thảo, kem lột nhẹ Thanh Hiền và các loại kem chống nắng… đều bị Nghiệp làm giả đến mức khiến người ta lo sợ.

 

Chống giả... cũng bị làm giả!

 

Từ năm 2004 đến nay, QLTT TPHCM phát hiện tổng cộng 347 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, mua bán, tiêu thụ hàng giả trên địa bàn TPHCM. Theo quy định, các loại rượu ngoại nhập khẩu đều phải dán tem, tuy nhiên hầu như các loại rượu có dán tem bán ở Hải Triều, Nguyễn Tri Phương, Huỳnh Thúc Kháng… đều có vấn đề.

 

Qua kiểm tra 142 chai rượu ngoại trên đường Hải Triều mới đây, trên 70% số chai dán “tem nhập khẩu” giả nhưng rất khó phát hiện bằng mắt thường. Ngoài ra, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả - xuất hiện khá nhiều từ biên giới phía Bắc.

 

Ông Nguyễn Khắc Chỉnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến cho hay, công ty sử dụng các nguyên vật liệu đặc thù như nút áo, vải, logo, mác… nhưng vẫn bị nhái. Ông than: “Chúng tôi chi 500 triệu đồng/năm cho công tác chống hàng giả. Nếu phát hiện đại lý nào bán hàng nhái của Việt Tiến thì phạt cảnh cáo 7 triệu đồng, tái phạm thì cắt hợp đồng nhưng cũng khó khăn lắm”.

 

Ông Nguyễn Khắc Chỉnh cũng đề nghị: “Bên cạnh những nỗ lực chống hàng giả, các thông tin về sản phẩm chính hiệu phải được công bố rộng rãi, với sự giúp sức của các phương tiện thông tin đại chúng”.

 

Trách nhiệm của địa phương

 

Hiện nay, các lực lượng cảnh sát kinh tế (CSKT), QLTT, hải quan, biên phòng có nhiệm vụ chống hàng giả (về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, kiểu dáng…). Thế nhưng, hàng giả vẫn … tồn tại và phát triển với mức độ ngày càng phức tạp.

 

Lý giải nguyên nhân, nhà báo Anh Thư, Trưởng Đại diện phía Nam, Hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), cho biết: “Ngay như người bị hại cũng không muốn lên tiếng trên báo chí vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh số sẽ giảm sút.

 

Bên cạnh đó còn là kinh phí kiểm nghiệm. Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất bột ngọt tại TPHCM nhận được thông báo của CSKT phía Bắc yêu cầu gửi kinh phí ra để kiểm nghiệm chất lượng, căn cứ vào đó mà xử lý.

 

Do chi phí cho chống hàng giả thấp, nên doanh nghiệp này đành buông xuôi. Trong khi đó, VATAP đã tổ chức không biết bao nhiêu hội thảo, lại còn phát động hộp thư tố giác hàng giả nữa, nhưng “chết yểu” rồi, chẳng địa phương nào xem đó là nhiệm vụ của mình cả”.

 

Về pháp luật, để “bắt tận tay, day tận trán” bọn sản xuất hàng giả, không cách nào khác hơn là lực lượng chống hàng giả phải trinh sát, tạo cơ sở, thâm nhập… trong từng sự vụ cụ thể. Thế nhưng do lực lượng mỏng, kinh phí hạn hẹp nên cực kỳ khó khăn. Cũng không loại trừ địa phương sơ hở, lơ là trong quản lý địa bàn”.

 

Kể về những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Ri còn ví dụ: Rượu Henessy giả khi đưa ra bán trên thị trường thì cái vỏ chai là thật, chất lượng rượu bên trong lại không được nhà sản xuất nước ngoài công bố tại Việt Nam, chúng tôi cũng không biết dựa vào đâu mà xử lý!

 

Mới đây, chúng tôi bắt được một vụ hàng nhái 607 chiếc xe gắn máy vi phạm kiểu dáng Wave, Future II của hãng Honda. Do Honda đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu và kiểu dáng nên vụ này chỉ xử phạt và tiêu hủy những yếu tố vi phạm (chủ yếu là đồ nhựa bên ngoài) thôi chứ đâu thể khác hơn.

 

Do vậy, nếu nhà sản xuất không nhanh chóng hạ giá thành cho phù hợp thì có hô hào “chống hàng giả” đến mấy cũng bằng thừa...

 

Theo Minh Anh

Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm