Hàng ngoại chưa giảm giá, vì sao?

Khảo sát thị trường TPHCM cho thấy chỉ mới có vài mặt hàng ngoại nhập giảm giá nhưng với mức giảm chưa đáng kể so với mức thuế suất được áp dụng từ tháng 1/2007 theo cam kết với WTO.

Chỉ giá một số mặt hàng bánh kẹo ngoại, hàng gia dụng giảm từ 5% - 15% so với trước. Còn đa số hàng hóa ngoại đều vẫn không có gì thay đổi, chưa kể một số mặt hàng ngoại lại vừa được điều chỉnh mức giá mới tăng đáng kể, từ 5% - 15% tùy mặt hàng.

 

Đang giải quyết hàng tồn

 

Các nhà bán lẻ tại TPHCM cho rằng đến thời điểm này đa số hàng ngoại nhập đều bán theo giá cũ, chỉ mới có một vài mặt hàng giảm giá nhẹ, không đáng kể. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, cho biết lượng hàng tồn còn khá nhiều cho nên các nhà cung cấp đang giải quyết nguồn hàng này.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Saigon Co.op: Tăng sức cạnh tranh cho hàng nội

 

Saigon Co.op lâu nay với chủ trương ưu đãi hàng nội (hàng nội chiếm từ 85% - 90%), đang tiến hành khảo sát thị trường, thăm dò ý kiến người tiêu dùng xem nhu cầu ra sao để điều chỉnh thích hợp. Sau khi khảo sát xong thị trường, Co.op sẽ tiếp xúc với các nhà cung cấp hàng trong nước và các doanh nghiệp hàng Việt Nam để phân tích, đánh giá tình hình cũng như hợp tác như thế nào cho phù hợp với tình hình mới. Trong năm 2007, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị tại TPHCM và 7 tỉnh - thành khác để tạo thế cạnh tranh tốt nhất cho hàng nội.

Sắp tới, một số nhà nhập khẩu nhập lô hàng mới với thuế suất giảm theo lộ trình gia nhập WTO thì họ sẽ cộng giá mới với giá cũ để tính giá bán. Như vậy, giá sắp tới cũng chỉ giảm một ít, chưa tương xứng với mức thuế suất giảm cho đến khi nào hết lượng hàng tồn.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc hệ thống siêu thị Hà Nội, cho biết cho đến thời điểm này chưa có đơn vị cung cấp hàng ngoại nào thông báo giảm giá. Siêu thị đang nhập hàng quần áo may sẵn từ Trung Quốc với thuế suất mới chỉ còn 20% (trước đây 50%), nhưng lô hàng này phải đến cuối tháng 4 mới về và giá bán ra sẽ giảm 30%.

 

Tương tự, theo phòng thu mua của một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM thì hàng nhập về từ sau ngày 18/1 đều được hưởng thuế suất mới. Chẳng hạn, thuế suất mặt hàng thảm, chăn bông từ 40% giảm xuống còn 12%, nhựa gia dụng từ 50% còn 40%, cây lau nhà từ 30% còn 20%... Đơn vị này cũng cho biết từ 2 tháng qua cũng chưa nhập thêm lô hàng nào vì hàng cũ vẫn còn, cũng như sức tiêu thụ còn chậm phải một - hai tháng nữa mới nhập hàng tiếp.

 

Giá hàng ngoại cao hơn hàng nội từ 20% - 30%

 

Các hệ thống siêu thị đều cho biết mặt hàng ngoại trong cơ cấu ngành hàng của họ chỉ chiếm từ 10% - 20%, tùy đơn vị. Phần lớn giá hàng ngoại hiện vẫn còn cao hơn hàng nội từ 20% - 30%, cho thấy sức cạnh tranh chưa cao. Tuy nhiên, với mức thuế suất mới, các nhà nhập khẩu sẽ có kế hoạch nhập nhiều hàng hơn và đa dạng chủng loại. Giá hàng ngoại lúc bấy giờ sẽ tương đương với hàng nội. Trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng ngoại, đây là lợi thế để hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường.

 

Ông Ngô Văn Hải cho biết lẽ ra trước xu thế hàng ngoại tràn về thì hàng nội cần phải có chiến lược ổn định về giá cả, nhưng mới đây một số mặt hàng trong nước lại điều chỉnh giá tăng. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến, mỹ phẩm tăng từ 5% - 10%. Nếu các nhà cung cấp hàng hóa trong nước không có biện pháp kịp thời sẽ khó lòng cạnh tranh với hàng ngoại.

 

Được biết nhiều nhà nhập khẩu đang xúc tiến nhập hàng với số lượng lớn do tìm được nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh cũng như được hưởng mức thuế suất mới. Một vài tháng tới, nguồn hàng ngoại tràn về sẽ tác động mạnh đến thị trường trong nước.

  

Theo Nguyễn Hải

Báo Người lao động