Hàng loạt vi phạm tại Agribank sắp bị Thanh tra Chính phủ công khai
(Dân trí) - Năm 2012, Thanh tra Chính phủ mặc dù chưa kết luận toàn bộ nhưng đã phát hiện một vụ vi phạm pháp luật tại công ty Lifepro với số vốn vay 3.500 tỷ đồng và lãi đến cuối năm 2012 là 300 tỷ đồng. Có 30 đối tượng đã bị bắt tạm giam.
Nói về tình trạng nhiều sai phạm xảy ra tại ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống hiện nay là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tại chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 26/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, vừa qua, cơ quan này đã thực thanh tra và đưa ra kết luận, đồng thời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Hét giá gà độc, chim lạ tiền triệu vẫn đắt khách |
Theo đó, một trong những dấu hiệu vi phạm tại Agribank đó là đã có những hoạt động tín dụng không đúng quy định của Nhà nước, vi phạm luật tín dụng dưới các hình thức thủ tục, giải ngân và thế chấp tài sản.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan thanh tra cũng phê rằng, trong tổ chức quản lý điều hành của Agribank “lỏng lẻo và gây ra hậu quả”.
Ông Tranh nói, qua thanh tra, Agribank có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nên trong thời gian vừa qua, Agribank đã bị các cơ quan chức năng làm rõ, kiến nghị và tiến hành xử lý một số vụ việc.
Đặc biệt, năm 2012, Thanh tra Chính phủ mặc dù chưa kết luận toàn bộ nhưng đã phát hiện một vụ vi phạm pháp luật tại công ty Lifepro đầu tư nước ngoài ở Ninh Bình vi phạm Luật Tổ chức tín dụng với số vốn vay 3.500 tỷ đồng và lãi đến cuối năm 2012 là 300 tỷ đồng.
Tổng cộng, dư nợ tín dụng của công ty này tại Agribank lên đến 3.800 tỷ đồng vào cuối 2012. Vi phạm có tính chất lừa đảo gây hậu quả, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
TTCP đã chuyển cơ quan điều tra và khởi tố, bắt tạm giam gần 30 đối tượng, trong đó có cán bộ ngân hàng, cán bộ hải quan và khách hàng. Trong số các nhân vật này có 1 giám đốc chi nhánh và 2 lãnh đạo của Agribank. Hiện nay vụ án này đang được tiến hành điều tra làm rõ để truy tố, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận thanh tra của TTCP và ngày 23/1 vừa rồi, TTCP đã công bố tại đơn vị (Agribank) và tới đây sẽ tiếp tục công bố ra các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Tranh khẳng định, sau khi chương trình này phát đi thì các phương tiện thông tin đại chúng khác sẽ được công khai. TTCP cũng đã xin ý kiến của Thủ tướng, chuyển cơ quan điều tra 15 vụ việc để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm, và chuyển 59 vụ việc cho Ngân hàng Nhà nước để NHNN tiến hành kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo Luật tín dụng, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến nội dung kê khai tài sản của những người có vị trí cao, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, sau khi ban hành Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi gần đây, Bộ Chính trị cũng đã có Chỉ thị số 33 giao nhiệm vụ trách nhiệm cho các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải tiến hành lãnh đạo việc công khai, kê khai tài sản.
Điểm mới là tất cả những bản kê khai công khai tài sản trước đây đã được kê khai lại toàn bộ, nếu có tài sản tăng thêm thì phải giải trình.
Sau khi kê khai tài sản, kết quả phải được công khai tại nơi làm việc và công tác thường xuyên của đối tượng kê khai.
Ở Chỉ thị này, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho thủ trưởng của người quản lý cán bộ trực tiếp xác minh khi có dấu hiệu không trung thực hoặc kê khai chậm. Đồng thời, quy định việc xử lý cán bộ kê khai không trung thực, kê khai chậm và có những vi phạm về việc kê khai.
Trong thời gian sắp tới, ngoài kê khai tài sản thì TTCP đang có dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành về việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo Luật Phòng chống tham nhũng.
Bích Diệp