Hàng loạt ô tô hạng sang đấu nhau xuống giá, người Việt vẫn khó mua xe rẻ

(Dân trí) - Sự gia nhập của hàng loạt tân binh với thiết kế bắt mắt, nội thất đẹp và giá phải chăng đang chiếm đất diễn của nhiều ông lớn xe sedan cao cấp ở Việt Nam. Tuy nhiên, dường như các hãng còn trông chừng động thái của nhau và người tiêu dùng Việt vẫn khó được hưởng lợi về giá trong một sớm, một chiều.

Xe sang 1 tỷ đồng: Nhiều ông lớn nhập cuộc đua xuống giá

Hiện, các dòng xe sedan mới, phân khúc sang trọng tại Việt Nam có mức giá từ 800 triệu đồng đến hơn 1,6 tỷ đồng có khoảng 8 mẫu xe với nhiều biến thể khác nhau. Cuộc cạnh tranh trong phân khúc này ngày càng quyết liệt vì các hãng xe đang tối ưu hóa về giá, loại bỏ các options không thích hợp với người Việt, tăng các đa tiện ích để phù hợp với người tiêu dùng.

Hàng loạt ô tô hạng sang đấu nhau xuống giá, người Việt vẫn khó mua xe rẻ - 1

Các dòng xe sang như Camry, Mazda 6 và VinFast LuxA 2.0, Honda Accord... đang cạnh tranh quyết liệt với nhau về giá và thị phần

Các mẫu xe sedan đang cạnh tranh với nhau quyết liệt là Toyota Camry, Mazda 6, Honda Accord, Peugeot 508, Mercedes C200 hay BMW i320 và tân binh mới ra nhập thị trường là VinFast LuxA.

Hiện mẫu Camry của Toyota có hai phiên bản 2.0G và 2.5Q. Mẫu 2.0G có mức giá bán khoảng 1,02 tỷ đồng/chiếc; mẫu 2.5Q có giá bán từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng. Doanh số trong 7 tháng qua của hai mẫu xe này dao động từ 1.200 đến 1.500 chiếc. Doanh số mẫu 2.0G giảm hơn 200 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong khi mẫu 2.5Q mới nhập từ Thái Lan có mức tiêu thụ tăng hơn 200 chiếc.

Mazda 6 của Trường Hải lắp ráp trong 7 tháng qua cũng tiêu thụ được hơn 1.000 chiếc, mẫu xe này có mức giá từ 820 đến 900 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn so với Camry của Toyota.

Các dòng xe khác cùng phân khúc như Nissan Teana có giá 1,4 tỷ đồng, Accord có giá 1,2 tỷ đồng, Peugeot 508 có giá gần 1,2 tỷ đồng và VinFast LuxA có giá khoảng 990 triệu đồng cũng đang cạnh tranh và giành giật thị phần xe sang tầm giá trên 1 tỷ đồng.

Các dòng xe cao cấp hơn như Mercedes C200 hay BMW i320 gần đây cũng chỉ có giá khoảng 1,3 đến 1,5 tỷ đồng, mức giá tuy đắt hơn song đối với dân sành xe, giới đại gia trẻ sẽ chọn những mẫu xe này bởi thương hiệu lớn và mẫu xe trẻ trung hơn.

"Trước đây, các dòng xe sedan hạng trung và cao cấp khi xuống giá sẽ được hãng, doanh nghiệp cắt bớt lựa chọn nội thất ví dụ như điều hòa, âm thanh, chỉnh điện ghế, camera hoặc túi khí. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hãng đều không cắt các chi tiết này mà để làm yếu tố cạnh tranh", anh Minh, nhân viên kinh doanh xe hơi của Honda Tây Hồ nói.

Một chi tiết được nhiều người am hiểu về xe cho rằng sở dĩ xe rẻ hơn là bởi các hãng đều giảm độ cứng của khung vỏ xe, cảm giác đầm chắc hoặc đãi tay người lái không còn ở các dòng xe sang bị xuống giá.

"Giảm độ cứng của khung vỏ xe sẽ làm giảm trọng lượng xe, từ đó tối ưu động cơ, có thể lắp các động cơ dung tích thấp hơn. Động cơ có dung tích thấp hơn sẽ được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn, điều này có lợi cho hãng xe, nhưng chất lượng xe sẽ ảnh hưởng", một thợ sửa xe tại Cầu Giấy chia sẻ với phóng viên.

Người tiêu dùng có hưởng lợi!?

Trước kia, các dòng xe sang đều có dung tích xy lanh khá cao, như Camry hầu hết là 2.4L, rồi 3.0L, thậm chí 3.5L. Tuy nhiên, hiện nay mẫu xe này cũng chỉ có hai dung tích 2.0L và 2.5L. Trong khi đó, ở phân khúc xe cận cao cấp, nhiều hãng cũng đang đưa vào sử dụng động cơ dung tích 1.5L và 1.6L để tiết kiệm nhiên liệu, giảm thuế từ đó giảm được giá xe.

Ngoài việc cắt giảm dung tích, giảm độ dày khung vỏ, các dòng xe sang còn cắt giảm các trang bị của xe sang để bình dân hóa. Ví dụ như camera lùi, cửa sổ trời, sấy kính sau, chất liệu ghế ga chuyển sang nỉ....

"Đối với người chỉ có nhu cầu xe để đi lại thì việc cắt giảm các options xe sang không quá quan trọng và không ảnh hưởng nhiều. Điều mà người tiêu dùng quan tâm là chất lượng và độ an toàn của xe, các hãng cần phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, không được phép cắt giảm những chi tiết liên quan đến chất lượng, an toàn xe", ông Nguyễn Văn Tùng, chủ đại lý ô tô nhập khẩu tại Cầu Giấy nói.

Mặc dù đa số người cho rằng, các dòng xe sang xuống giá đều là chiêu đẩy hàng tồn, tối đa hóa doanh số và đặc biệt là bắt đáy nhóm khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, xu hướng này cũng vô tình khiến giá xe trên thị trường nói chung buộc phải giảm đi và các hãng không còn giữ được mức giá theo ý của mình.

Nếu như trước, phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 tỷ đồng để sở hữu xe Camry, dòng xe được mặc định cho người đàn ông trung niên thành đạt, quý ông có tiền thì nay chỉ cần khoảng 1,1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng đã sở hữu được chiếc xe Camry 2,0L.

Một diễn biến khác là hiện đối thủ của xe sedan hạng sang xuống giá là xe SUV hay MPV đời mới. Với thiết kế đẹp, hiện đại và phong cách, các mẫu xe này hiện có mức giá khá rẻ từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng, đủ sức cạnh tranh quyết liệt với các mẫu xe sedan hạng sang xuống giá.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, chuyên gia của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cố vấn chiến lược của Toyota: "Cạnh tranh trên thị trường sẽ khiến các hãng phải giảm giá, có lợi cho người tiêu dùng. Để xe tại Việt Nam giảm giá thêm, chắc chắn xe trong nước phải giảm chi phí, vì chi phí sản xuất xe hơi của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan 20%".

Cũng theo lời chuyên gia này, mặc dù xe Thái rẻ hơn xe Việt Nam song khi nhập vào Việt Nam họ sẽ tối ưu hóa lợi nhuận, không giảm giá. Người tiêu dùng Việt chỉ được hưởng lợi giá xe giảm khi và chỉ khi xe trong nước giảm giá và để làm được điều này phải giảm chi phí, ưu đãi thuế và có ngành công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh.

An Linh