Hàng loạt ngân hàng Trung Quốc đòi nợ 2,1 tỷ USD của tỷ phú Ấn Độ phá sản

(Dân trí) - Các ngân hàng Trung Quốc đang đòi 2,1 tỷ USD tiền nợ từ công ty Reliance Communication của cựu tỷ phú Ấn Độ Anil Ambani.

Hàng loạt ngân hàng Trung Quốc đòi nợ 2,1 tỷ USD của tỷ phú Ấn Độ phá sản - 1

Nhà tài phiệt Ấn Độ Anil Ambani đã phá sản vào đầu năm nay.

Các công ty cho vay của Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã đòi ít nhất 2,1 tỷ USD từ công ty Reliance Communication của nhà tài phiệt Ấn Độ Anil Ambani, người đã phá sản vào đầu năm nay.

Trong đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, đang ôm khoản nợ 1,4 tỷ USD và là chủ nợ lớn nhất của công ty viễn thông Ấn Độ này, theo hồ sơ của công ty gửi lên các sàn giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng đang tìm cách đòi khoản nợ 2,4 triệu USD, trong khi Ngân hàng Công thương Trung Quốc tuyên bố khoản nợ hơn 1 triệu USD, theo hồ sơ.

Tòa án phá sản Ấn Độ đang xem xét bên cho vay và cựu tỷ phú viễn thông Ấn Độ khi ông này cố gắng tìm người mua tài sản của công ty để trả nợ.

Anh trai của cựu tỷ phú Anil Ambani cũng là người đàn ông giàu nhất châu Á Mukesh Ambani trước đó đã đề nghị mua tài sản của công ty RCom với giá 12,11 triệu USD, điều này sẽ giúp trả một được một phần nợ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không thành sau khi gặp rào cản pháp lý.

Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, tỷ phú Mukesh Ambani cũng đã giúp em trai của mình tránh được việc ngồi tù bằng cách trả 80 triệu USD cho các dịch vụ bảo trì trong quá khứ thay mặt cho một chi nhánh của Ericsson AB.

Hàng loạt ngân hàng Trung Quốc đòi nợ 2,1 tỷ USD của tỷ phú Ấn Độ phá sản - 2

Danh sách 7 công ty cho Reliance Communication vay nợ nhiều nhất, tính đến ngày 13/6. Trong đó, các ngân hàng Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng số khiếu nại.

Vào hôm qua (17/6), Reliance Communications đã công bố danh sách các chủ nợ tài chính đang yêu cầu bồi thường hơn 40 triệu USD theo thủ tục phá sản của Ấn Độ.

Ngân hàng đầu tư VTB Capital của Nga cũng góp mặt trong danh sách với yêu cầu trả nợ gần 400.000 USD. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered (London), Deutsche Bank (Hong Kong), DBS Bank và Emirates NBD Bank cũng nằm trong số các ngân hàng nước ngoài đã cho Reliance Communication vay nợ nhiều.

Hồng Vân (Tổng hợp)