Hàng loạt dự án đầu tư thép “đói” vốn

(Dân trí) - Không chỉ đối mặt với tình trạng cung lớn hơn cầu trên thị trường trong nước cũng như khó khăn trong việc xuất khẩu, ngành thép còn phải đối mặt với hàng loạt dự án đầu tư đang “khóc dở mếu dở” vì gánh nặng tài chính.

Hàng loạt dự án đầu tư thép “đói” vốn - 1
Doanh nghiệp thép tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2012 (ảnh minh họa)
 
Do diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế và chính trị của thế giới, năm 2012, nhiều nước vẫn tiếp tục thực thi chính sách kinh tế có kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, giảm nợ công làm cho tiêu thụ sản phẩm thép đã giảm sút.

Những nước nhập khẩu nhiều thép như Mỹ và Tây Âu sẽ giảm bớt số lượng nhập khẩu làm cho lượng thép của các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ dư thừa vì vậy giá thép thị trường thế giới được dự báo khó tăng cao.

Theo dự báo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá thép trong nước cũng sẽ biến động không lớn. Điều này có nguyên nhân từ tình trạng cung lớn hơn cầu trong sản xuất thép ở Việt Nam vẫn còn trầm trọng trong năm 2012 làm cho giá thép trong nước khó có thể tăng, tình trạng sốt giá sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên, giá thành và giá bán các sản phẩm thép trong năm 2012 có thể sẽ biến động nếu các yếu tố đầu vào cho sản xuất thép như điện, xăng, dầu, than… được tính đủ theo giá thị trường.

Đáng chú ý, không chỉ có các doanh nghiệp đang sản xuất thép gặp khó mà cả những dự án đầu tư thép cũng đang “khóc dở mếu dở”. Báo cáo của VSA cho thấy, hàng loạt dự án đầu tư dở dang trong nước như: dự án thép Liên hợp ở Lào Cai, dự án giai đoạn II của Gang thép Thái Nguyên sẽ khó hoàn thành trong năm 2012 nếu không có những biện pháp thúc đẩy vấn đề giải ngân và kiểm soát thực hiện tiến độ của các nhà thầu. Như vậy, đây sẽ là gánh nặng tài chính lớn cho chủ đầu tư vì trả lãi vay ngân hàng.

Hay như những dự án đã xây dựng xong và xây dựng dở dang chưa đưa vào sản xuất như lò cao Vạn Lợi ở Hải Phòng, ở Hà Tĩnh, lò cao Đình Vũ… cũng chưa thể có hướng đi rõ ràng trong năm 2012, rồi vấn đề tài chính và khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định cũng không hề đơn giản.

Đặc biệt là dự án thép Quang Liên Khu công nghiệp Dung Quất Quảng Ngãi cho tới nay chưa rõ khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư mặc dù đã có sự chấp thuận của Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án 5 triệu lên 7 triệu tấn/năm và tổng đầu tư từ 3 tỷ lên 4,5 tỷ USD. Theo VSA, tính khả thi của dự án là rất khó khăn…

Trước những khó khăn trên, ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2012. Thậm chí, nếu chúng ta không có những chính sách hợp lý cùng với chiến lược đúng đắn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất thép còn phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn trong những năm tiếp theo.

Lan Hương