Thừa Thiên - Huế:
Hàng loạt cây xăng nghỉ bán vì "chê" chiết khấu thấp
(Dân trí) - Trong hơn 1 tuần qua, khá nhiều cây xăng tư nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạm ngừng bán, ngừng nhập xăng dù người dân rất khổ sở vì không có chỗ đổ xăng. Lý do chính là vì mức chiết khấu quá thấp từ doanh nghiệp đầu mối.
Hàng loạt cây xăng tư nhân đóng cửa
Vào trưa ngày 13/4, chúng tôi có mặt tại cửa hàng xăng dầu lớn Trung tâm Thị xã Hương Thủy của Cty CP Hương Thủy. Đây là cây xăng đã kinh doanh hơn 20 năm nay, tuy nhiên đã hơn 10 ngày qua, trước cây xăng ghi bảng “Hết xăng”. Nhiều người dân trong vùng đã rất bức xúc khi không có chỗ đổ xăng.
Cách đó hơn 1km, cửa hàng xăng dầu Thanh Lam thuộc Cty này cũng chung số phận tương tự. Ngoài ra, hai cây xăng 3 Sao và 5 Sao của Cty nằm trên trục đường tránh Huế cũng đã ghi bảng hết xăng. Riêng cửa hàng xăng dầu ở vị trí đắc địa - 187 đường Hùng Vương (TP Huế) cũng đã đóng cửa tắt đèn từ lâu. Tổng cộng, Cty CP Hương Thủy từ 5 cửa hàng xăng dầu nay chỉ còn 4 và chỉ chuyên bán dầu để cầm chừng.
Tại huyện Phú Lộc, một số cây xăng của Cty CP thương mại Phú Lộc cũng nghỉ bán vì thua lỗ. Cùng thảm cảnh, cửa hàng kinh doanh xăng dầu Điền Hương, xã Điền Hương (huyện Phong Điền) chỉ còn bán dầu, không bán xăng từ tháng 10/2011. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân Thanh Hòa (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) thì đã ngừng kinh doanh từ tháng 10/2011.
Trong tuần này, đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường và sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đi rà soát lại tình hình buôn bán của cửa hàng xăng dầu. Bước đầu cho thấy, khá nhiều cửa hàng đã nghỉ bán hẳn hay bán dầu chứ không bán xăng. Đoàn cũng đã kiểm tra và không thấy dấu hiệu vi phạm để lập biên bản phạt hay tước giấy phép kinh doanh như bán gian lận, tích trữ xăng để đầu cơ, pha trộn xăng... Nguyên nhân mà đại đa số các chủ cửa hàng đưa ra về việc nghỉ bán là do mức chiếc khấu quá thấp từ doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Bức xúc nhất trong câu chuyện này là ông Lê Viết Xê, Tổng giám đốc Cty CP Hương Thủy. Công ty của ông Xê đã làm tờ trình gửi Sở Công thương nêu rõ sự thua lỗ không thể cứu vãn được về việc chiết khấu xăng dầu được hưởng quá thấp, thường xuyên dưới mức chi phí tối thiểu hợp lý dẫn đến kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Cụ thể, chiết khấu bình quân 3 tháng đầu năm 2012 mà công ty được nhận từ các doanh nghiệp đầu mối tại Đà Nẵng (PV Oil, Petrolimex, Cty Xăng dầu Quân đội) là đều 273đ/l xăng và 285đ/l dầu. Tính cước vận chuyển từ Đà Nẵng - Huế mất 140đ/l xăng; độ hao hụt (Do: 0,21%; A92: 0,7%) là 153đ/l; Chi phí nhân công tối thiểu là 111đ/l; khấu hao tài sản 124đ/l; chi phí điện nước là 25đ/l; chi phí quản lý là 40đ/l. Tổng chi phí là 593đ/l xăng - so với 273đ/l mà Cty nhận từ đầu mối thì mỗi lít xăng, Cty phải bù lỗ là 230đ. Tương tự đối với dầu thì mỗi lít Cty bù lỗ 335đ. Riêng vào thời điểm ngày 26/3 vừa qua, chiết khấu lại tiếp tục giảm xuống còn 230đ/l xăng khiến Cty phải bù lỗ 360đ/l xăng nhập vào.
Tổng thiệt hại qua 3 tháng đầu năm của Cty CP Hương Thủy theo văn bản gửi Sở Công thương đã là 450 triệu đồng. Riêng trong năm 2011, Cty đã lỗ 2,2 tỷ đồng với hoạt động xăng dầu. Trước tình hình khó khăn trên, Cty đã có văn bản gửi sở Công thương xin phép tạm dừng hoạt động một thời gian. 10 nhân viên làm việc trong 4 cây xăng còn lại (chỉ còn bán dầu) thì lương tháng 3 mới được phát với hơn 1 triệu đồng/người. Việc không kinh doanh xăng đã khiến Cty đã thông báo với họ rằng công việc có thể bị cắt giảm tiếp.
Sẽ xuất hiện tình trạng “cá lớn” nuốt “cá bé”?
Ngày 13/4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Trương Uyên Phương, Phó TGĐ Cty CP Hương Thủy. Bà Phương cho hay: “Việc đóng cửa các cây xăng là bất khả kháng mặc dù chúng tôi biết là người dân rất phản ứng và thương hiệu, uy tín làm ăn hơn 20 năm của Cty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi không còn con đường nào khác khi phải liên tục gánh lỗ như thế này. Chúng tôi hay lấy xăng, dầu từ PV Oil với 70% số lượng nhập vào. Cùng với đó là nguồn hàng từ Petrolimex. Trong những năm trước, mức chiết khấu cao nên làm ăn tốt, riêng vài năm trở lại đây, chiết khấu đã giảm hẳn toàn bộ.
Mặc dù doanh nghiệp đầu mối được 600đ/l, nhưng khi đưa lại cho chúng tôi thì không bằng 1 nửa như các anh thấy. Vào năm trước, 3 tổng công ty xăng dầu nhà nước trên còn chiếc khấu có lúc lên lúc xuống. Nhưng hiện tại cả 3 đã có thể “bắt tay” nhau với mức chiết khấu thấp như nhau. Có một số thời điểm, chúng tôi nhận mức chiết khấu là 0đ/lít xăng”.
Riêng ông Lê Viết Xê, TGĐ Cty CP Hương Thủy cho hay đã có thông tin là một số tập đoàn xăng dầu lớn nói trên đã mua một số cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tiến tới sẽ là đặt vấn đề mua tiếp các cửa hàng xăng dầu tư nhân lớn khác trên tỉnh. Điều này có thể dự đoán được sẽ có tình trạng “cá lớn” thâu tóm “cá bé” trong thời gian không xa. Với khoảng 3.000 cửa hàng xăng dầu thuộc các tổng công ty lớn trên cả nước và khoảng hơn 10.000 cửa hàng tư nhân đang làm ăn hiệu quả thì sự “nhòm ngó” này là tất nhiên. Và việc càng ngày đang có nhiều cửa hàng tư nhân đóng cửa theo ông Xê là do chiết khấu quá thấp, làm cho tiền bán không đủ bù tiền vốn.
“Chúng tôi lấy xăng dầu cũng từ Nhà nước. Vì thế cũng phải cho chúng tôi cơ hội làm ăn nếu không sẽ bị phá sản công ty. Chúng tôi đề nghị Nhà nước đã quy định giá bán ra thì cũng phải quy định về mức chiết khấu tối thiểu hợp lý (theo điều 27 ở nghị định 84/2009/NĐ-CP) mà các doanh nghiệp đầu mối giao cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, bảo đảm cho họ có thể trang trải đủ các chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm người lao động và không lãng phí hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư đã bỏ ra. Đó cũng là nguyện vọng hết sức tha thiết, chính đáng cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như chúng tôi, giúp doanh nghiệp có niềm tin khi đầu tư vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua được thời kỳ khó khăn hiện nay” - ông Xê cho ý kiến.
Cũng theo Cty CP Hương Thủy, có một tổng công ty xăng dầu đã chào mua 2 cửa hàng xăng dầu 3 Sao và 5 Sao của họ ở đường tránh Huế với giá 15 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của cả 5 cây xăng là 12 tỷ đồng. Tuy giá có cao hơn lúc trước, nhưng Cty này không muốn bán chút nào vì nguồn sinh lợi khi bán xăng dầu có lời là rất lớn.