1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng hóa “nhảy” theo tỉ giá

Tỉ giá USD trên thị trường mấy ngày qua đã vượt qua mốc 20.000 đồng/USD khiến cho nhiều mặt hàng xuất khẩu bị tác động, đẩy giá lên theo.

Giá xi măng, phân bón, gas... đều tăng

Hàng hóa “nhảy” theo tỉ giá  - 1
Tỉ giá USD tăng đang gây áp lực lên giá thép xây dựng.
 
Các nhà sản xuất, kinh doanh thép xây dựng đang căng thẳng theo nhịp điệu giá USD. Theo tính toán từ các nhà sản xuất thép, với tỉ giá như hiện nay, họ đang bị lỗ từ 80.000 đồng - 150.000 đồng/tấn dù giá phôi nguyên liệu trên thế giới vẫn đang ổn định ở mức 580 USD/tấn. Một số doanh nghiệp cho biết trong tuần này hoặc tuần sau sẽ điều chỉnh giá tăng, trước mắt là 150.000 đồng/tấn để hòa vốn.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã điều chỉnh giá tăng 50.000 đồng/tấn hồi tuần trước, trong đó có cả lý do tỉ giá vì một số nguyên phụ liệu đều phải nhập khẩu. Ngoài ra, còn do nguồn cung than đá đang gặp khó khăn, một số nhà máy không chủ động được kế hoạch sản xuất nên phải giảm công suất hoặc tạm ngưng sản xuất.

Đang tăng mạnh nhất là giá gas và phân bón. Theo ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân urê từ 7,1 triệu - 7,3 triệu đồng/tấn (tăng hơn 1 triệu đồng), phân DAP 12 triệu đồng/tấn (tăng 3 triệu đồng), phân kali 8,5 triệu- 9 triệu đồng/tấn (tăng 1,5 triệu đồng). Sắp tới, các lô hàng phân bón nhập khẩu về tính với tỉ giá cao cộng với giá phân bón thế giới tăng thêm thì giá bán ra thị trường có thể sẽ tăng tiếp trên dưới 10%.

Các công ty kinh doanh gas cũng cho biết tháng 11 này sẽ tăng giá do giá gas thế giới tăng và tỉ giá cao. Giá gas thế giới hiện đang chào bán 750 USD/tấn, tăng 55 USD/tấn so với hồi đầu tháng 10. Nếu tính giá USD 19.500 đồng/USD thì giá gas bán lẻ sẽ tăng khoảng 15.000 đồng/bình 12 kg (giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ lên 287.000 đồng/bình 12 kg).

Hàng tiêu dùng nhấp nhổm

Không phản ứng tức thì với tỉ giá nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm cũng đã nhấp nhổm tăng. Theo các siêu thị, từ cuối tháng 8, một bộ phận nhà cung cấp các mặt hàng rượu, nước ngọt, nước giải khát, bánh kẹo... nhập khẩu đã tăng giá 5% - 10%. Từ đầu tháng 10 đến nay, với những mặt hàng này đến lượt nhà sản xuất trong nước tăng giá.

Bà Nguyễn Ánh Hồng, Tổng Giám đốc hệ thống Maximark cho biết, từ đầu tháng đến nay, nhiều nhà cung cấp đã đề xuất tăng giá từ 10% trở xuống và sẽ chính thức áp dụng trong tháng 11.

Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý Citimart Bình Thạnh cho biết, cách đây vài ngày, một số mặt hàng bia, hóa mỹ phẩm đã tăng giá 5%, các loại hóa mỹ phẩm của Unilever đã tăng 5%. Mới đây, vài nhà cung cấp bánh kẹo, cà phê thông báo tăng 5% - 10%...

Hệ thống Saigon Co.op cũng xác nhận đã tiếp nhận đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp bánh kẹo, hàng nhôm, nhựa, quần áo... Đây là những mặt hàng sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá USD tăng. Tuy nhiên, chưa xảy ra hiện tượng tăng giá ồ ạt.

Tại các chợ, giá các mặt hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường, dầu ăn... đã và đang tăng 5% - 15%. Theo các tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6 -TPHCM), An Đông (quận 5), không riêng giá USD mà giá nhân dân tệ tăng cũng ảnh hưởng đến giá nhiều loại hàng hóa, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc...

Lại đô la hóa giá hàng

Thông tin từ các trung tâm, siêu thị điện máy tại TPHCM cho thấy, giá nhiều mặt hàng điện tử cũng đã rục rịch tăng, trong đó các mặt hàng điện gia dụng, điện lạnh đã tăng giá từ 2% - 3%.

Nhóm hàng nhập khẩu viễn thông, kỹ thuật số, máy tính xách tay, điện thoại di động đều đã tăng giá từ giữa tháng 10 với mức 3% - 5%.

Nhiều điểm bán hàng điện tử còn tính giá bán bằng USD theo giá thị trường, người tiêu dùng phải thanh toán theo giá thị trường từng thời điểm trong ngày.

 
Theo Nguyễn Hải - Thanh Nhân
Báo Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm