Hàng hiệu thời “khủng hoảng” kinh tế

(Dân trí) - Hơn 2 tháng đầu năm doanh thu của nhiều cửa hàng “đồ hiệu” tại Việt Nam sụt giảm đáng kể. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, các thương hiệu lớn đã và đang có những chiêu thức riêng để khuyến khích sức cầu.

Hàng hiệu thời “khủng hoảng” kinh tế - 1
Một cửa hàng đồ hiệu vắng bóng khách hàng.
 
“Sale off” - chiêu thức hàng đầu

Bên cạnh việc tung ra những mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu và thị hiếu luôn thay đổi của khách hàng thì việc giảm giá sản phẩm cũng giúp cho các mặt hàng cao cấp thu hút một lượng khách hàng.

Mặc dù chưa vào mùa giảm giá nhưng tại thời điểm này, rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đã tung ra các chương trình giảm giá từ 10 - 50%. Mức giảm này không chỉ áp dụng cho các sản phẩm hàng đông còn tồn mà còn được áp dụng với cả những mẫu hè thu.

Chị Vy, nhân viên bán hàng của hãng túi xách Bonia, cho biết: “Lượng khách hàng trong hai tháng đầu năm nay “đi xuống” nên chúng tôi đã giảm giá khoảng 30%. Trước đây nhiều khách hàng tới mua cả bộ sản phẩm của hãng từ giầy, túi xách, ví da… nhưng nay lượng khách mua đồng bộ ít, chỉ có khách mua lẻ theo từng sản phẩm”.

Tương tự, chị Mỹ, nhân viên bán hàng tại cửa hàng của hãng Braun Bùffel, cho biết: Những năm trước, có khách hàng mua đồ cho cả gia đình gồm nhiều mặt hàng khác nhau, tổng giá trị tới gần 20 triệu, nhưng năm nay thì ít. Cửa hàng đang có chương trình giảm giá, phần để nhập hàng mới về, phần thì cũng muốn kích sức mua của khách hàng”.

Không chỉ có quần áo, giày dép mà các mặt hàng phụ kiện cao cấp như kính mắt đồng hồ cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo chị Liên, nhân viên bán đồng hồ của hai thương hiệu Lacoste và Titoni cho biết: Doanh số bán hàng của các mặt hàng cao cấp này giảm khoảng 30% so với trước”.

Giảm giá cũng chưa đủ để “kích cầu”

Từ các hãng thời trang cao cấp như Roberto Cavalli, Lacoste, CK, Louis Vutton, Bertoni, Guess… đến những hãng thời trang giá mềm hơn một chút như Giovanni, Clarks, Levi’s… đều có những chiến lược giảm giá, nhưng xem ra chiêu bài này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với tình hình kinh tế hiện nay, những người có tiền cũng không còn “vung tay quá trán” với những chiếc kính thời trang hiệu D&G, Prada có giá từ 200 - 400 USD, những chiếc đồng hồ cao cấp có giá hàng ngàn USD hay những chiếc bút cả chục ngàn USD.

Chị Liên, nhân viên bán hàng tại Vincom, cho biết: “Thời gian cuối năm lượng người vào mua khá nhiều nhưng từ ra tết, mặc dù rất nhiều quầy hàng, nhiều mặt hàng được giảm giá nhưng 10 người vào xem thì chỉ có khoảng 1 - 2 người mua”.

Theo tìm hiểu tại các trung tâm buôn bán và các siêu thị lớn được mệnh danh là những siêu thị đại gia như Parkson, Vincom hay Tràng Tiền Palaza… mặc dù các quầy hàng đều trưng biển “sale off” nhưng đều lâm vào tình trạng “xem thì nhiều mà mua thì ít”.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia thì hàng hoá cao cấp vẫn có tiềm năng tiêu thụ lớn tại thị trường Việt Nam bởi mức sống của người dân đang ngày càng được nâng cao.

Bởi chiếc túi xách không chỉ là để đựng đồ cá nhân, những chủ nhân đeo trên tay chiếc đồng hồ tới hàng nghìn USD không chỉ đơn thuần là để biết thời gian mà đó còn là thời trang, là thứ đồ trang sức để khẳng định đẳng cấp.

Phương Thuý - Vũ Hà - Lữ Hoa