Xử phạt hành chính loạt doanh nghiệp, có công ty chứng khoán, hàng không

Mai Chi

(Dân trí) - Các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán của nhiều doanh nghiệp niêm yết bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt hành chính từ gần 100 đến gần 500 triệu đồng.

Ngay trước thềm Tết Nguyên đán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với nhiều doanh nghiệp.

2 công ty chứng khoán bị xử phạt

Mới đây nhất, ngày 6/2, cơ quan quản lý xử phạt Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình với số tiền 92,5 triệu đồng do "không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật".

Theo UBCKNN, Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình đã không báo cáo phương án khắc phục được Hội đồng quản trị công ty thông qua về việc không đáp ứng việc duy trì các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; báo cáo không đúng thời hạn theo yêu cầu của UBCKNN tại các công văn số 3546 ngày 12/6/2023, Công văn số 979 ngày 6/3/2023, Công văn số 3326 ngày 1/6/2022, Công văn số 4648 ngày 21/7/2022.

Xử phạt hành chính loạt doanh nghiệp, có công ty chứng khoán, hàng không - 1

Nhiều công ty chứng khoán bị xử phạt, có bên bị phạt tổng cộng gần 400 triệu đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trước đó, trong ngày 2/2, UBCKNN cũng xử phạt Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ có đầy đủ các nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ.

Cụ thể, công ty này cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ cho một số tổ chức phát hành. Các thông tin trong hồ sơ phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với các mã trái phiếu VH_BOND2021_002, GHVCH2122001, GHVCH2224001, DXGH2125002, NVLH2122015 và NSRCH2223001 không đầy đủ nội dung theo quy định. Bên cạnh đó, công ty này còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Công ty thực hiện nghĩa vụ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu không đúng thời hạn với UBCKNN các tài liệu sau: Báo cáo quý I, quý II, quý III và quý IV/2021; báo cáo năm 2021; báo cáo quý I, quý II, quý III và quý IV/2022.

Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của đại lý phát hành trái phiếu không đúng thời hạn cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) qua Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp (Cbonds) các tài liệu: Báo cáo quý I, quý II, quý III và quý IV/2021, báo cáo năm 2021, báo cáo quý II và quý IV/2022.

Công ty này cũng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu không đúng thời hạn cho HNX qua Cbonds các tài liệu sau: Báo cáo quý I năm 2021; báo cáo quý I, quý II, quý III, quý IV/2022; báo cáo quý I/2023.

Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam còn bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với ngân hàng thương mại, lập địa điểm bên ngoài các địa điểm giao dịch đã được UBCKNN chấp thuận để ký một số hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán ký quỹ cho các khách hàng. Tổng số tiền phạt đối với công ty là 395 triệu đồng.

Một công ty có cổ phiếu trong rổ VN30 bị xử phạt 460 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông tin, ngày 2/2, cơ quan này ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC).

Hãng bay bị phạt 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

UBCKNN xác định, Vietjet đã không công bố thông tin theo quy định trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành với người sở hữu trái phiếu năm 2022.

Xử phạt hành chính loạt doanh nghiệp, có công ty chứng khoán, hàng không - 2

Máy bay Vietjet tại sân bay (Ảnh: Tiến Tuấn)

Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của HNX đối với các tài liệu, gồm báo cáo tài chính (BCTC) công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, BCTC kiểm toán công ty mẹ và BCTC hợp nhất năm 2022, BCTC soát xét công ty mẹ và BCTC hợp nhất bán niên năm 2023.

Phía Vietjet cũng công ty công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định trên trang thông tin điện tử của HNX đối với các tài liệu: Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 6 tháng đầu năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, báo cáo tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm 2021, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị phạt tiền 60 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Cụ thể, báo cáo quản trị năm 2021 của công ty không kê khai Nghị quyết ngày 11/1/2021 của Hội đồng quản trị về việc phê duyệt giao dịch kinh doanh đầu tư tài chính; không kê khai Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An và Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển Bất động sản Connasi trong danh sách người có liên quan của công ty.

UBCKNN còn phạt Vietjet 27,5 triệu đồng do không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của tổng giám đốc (giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong BCTC hàng năm của công ty và báo cáo đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

Tại BCTC năm 2021, năm 2022 đã được kiểm toán của Vietjet chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Ban Tổng giám đốc.

Doanh nghiệp còn bị phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập (công ty có 9 thành viên HĐQT, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập).

Đối với hành vi không xây dựng, trình đại hội đồng cổ đông thông qua quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, không xây dựng quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán trong trường hợp công ty đại chúng tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp, Vietjet bị phạt 17,5 triệu đồng.

Số tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này là 137,5 triệu đồng. 

Tổng số tiền phạt đối với hãng hàng không Vietjet lên tới 460 triệu đồng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VJC đóng cửa phiên 6/2 điều chỉnh nhẹ 0,76% còn 104.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 4,57% so với một năm trước.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air - đến nay vẫn là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, sở hữu khối tài sản 2,4 tỷ USD (theo Forbes).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm