Hàng dỏm xuống phố

Dịp cuối năm hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu lại tiếp tục tung hoành. Sức “tấn công” của nhóm hàng này không chỉ dừng lại vùng ven, nông thôn... mà đã tràn vào các quận nội thành, cả trung tâm thương mại lớn.

Cục Điều tra chống buôn lậu hải quan tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm giả hàng hiệu
Cục Điều tra chống buôn lậu hải quan tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm giả hàng hiệu

Việc bán hàng lậu, hàng nhái hiện nay phổ biến đến mức nhiều người ví dễ như “bán rau”.

Nhộn nhịp chợ đầu mối

"Hiện nay, việc kiểm tra những lô hàng thuộc diện luồng đỏ được áp dụng tỉ lệ 5-10% lượng hàng hóa. Do đó, các đối tượng vi phạm tìm cách “độn” hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vào hàng được phép nhập khẩu theo quy định, khai thông tin sai lệch để qua mắt đơn vị kiểm tra cũng như trốn thuế"

Ông Trịnh Quốc Khánh (Tổng cục Hải quan)

Trong vai người đi mua hàng để đưa về các tỉnh miền Tây bán, chúng tôi được bà T.V. - chủ một sạp bán quần áo tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) - mời chào: “Hàng hóa muốn lấy bao nhiêu cũng có, giá từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn đồng, đủ các loại mẫu tự chọn”.

Bà V. nói luôn mỗi mẫu phải lấy ít nhất 7-10 sản phẩm thì mới bán, rất nhiều mẫu, trong đó cả những mẫu quần áo, giày dép nhái các thương hiệu Adidas, Gucci, D&G... Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về hóa đơn chứng từ các loại hàng hóa này, bà V. tặc lưỡi: “Cứ lấy đại đi, hóa đơn chứng từ làm gì có”.

Ngoài lượng hàng quần áo, giày dép, sạp bà V. còn kiêm phân phối mặt hàng mỹ phẩm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những mỹ phẩm như White Care, sữa tắm cá ngựa... ghi xuất xứ từ Malaysia, Đức, Thái Lan hầu hết được nhập lậu từ Trung Quốc cũng như được sản xuất “chui” trong nước.

Sữa tắm White Care ghi giá trên bao bì 139.000 đồng/chai (loại 1,2 lít) nhưng giá bán sỉ được bà V. chào chỉ 50.000-60.000 đồng/chai. Trên bao bì sản phẩm ghi đầy đủ tiếng Anh nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Tuy nhiên, chủ sạp khẳng định chắc nịch “muốn có tem thì thêm 10.000 đồng nữa” hoặc cứ tự in rồi dán lên.

Trong khi đó, khi tiếp xúc với đơn vị chuyên sản xuất “chui” mặt hàng sữa tắm loại này, chúng tôi được chào bán với giá sốc 25.000-30.000 đồng/chai loại 1,2 lít. Những sản phẩm này được phân phối khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên...

Sôi động không kém là khu vực bán mặt hàng túi xách, ví bóp cầm tay các loại tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM). Vừa gặp khách, một chủ sạp tên Phương nói ngay: hàng tốt từ 200.000 đồng/chiếc trở lên, hàng bình dân thì 150.000-220.000 đồng, đầy đủ các loại.

Nhiều bóp cầm tay đính đủ loại hạt pha lê, trưng bày trong tủ kính được gắn mác “xịn” chỉ có giá hơn 100.000 đồng/chiếc. Các nhãn được gắn kèm theo chủ yếu là chữ Trung Quốc chằng chịt. Tuy nhiên, khi được hỏi các loại giấy tờ chứng từ nhập khẩu mặt hàng này, chủ sạp này chống chế: “Cứ nhập hàng đi, bán được hết, về tỉnh chẳng ai kiểm tra đâu”.

Tràn ngập ngoại thành

Chạy dọc con đường Tây Thạnh dẫn vào Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Phú, TP.HCM) có thể thấy hai bên đường rất nhiều sạp quần áo tự phát, bày la liệt đủ loại quần áo mọi nhãn hiệu.

Chủ sạp Nguyễn Thị Liên cho biết đã bán quần áo tại khu vực này được vài năm. Quần áo được nhập về chủ yếu từ các chợ như An Đông, Tân Bình, Bình Tây...Quần Levi’s nữ “xịn” được chị Liên giới thiệu có giá 220.000 đồng/chiếc, trong khi những nhãn hiệu nổi tiếng khác như Abercrombie & Fitch, Giorgio Armani, Adidas... có giá 250.000-270.000 đồng/chiếc.

Ngoài sạp của chị Liên, còn 30-40 sạp bán các loại quần áo tương tự dọc đường Tây Thạnh, chủ yếu bán cho công nhân.

Có kinh nghiệm bán các loại quần áo ở vỉa hè lâu năm, anh Lê Văn Định (quốc lộ 22, khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) khẳng định: 5-6 tuần trước tết, các sạp bán quần áo thời trang tự phát bắt đầu mọc lên rất nhiều dọc quốc lộ 22, hàng hóa chủ yếu lấy sỉ từ các chợ đầu mối với giá 90.000-200.000 đồng/quần và 40.000-150.000 đồng/áo. Về bán từ 200.000-350.000 đồng/chiếc tùy loại là kiếm được lời nhiều.

Theo anh Định, năm nay giá ở các chợ chào bán cao hơn năm ngoái 20.000-30.000 đồng nên anh chưa dám nhập nhiều về bán.

Vào trung tâm thương mại

Mới đây, ngày 27/11, đội quản lý thị trường (QLTT) Thủ Đức phối hợp với đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc khám xe tải loại 14 tấn đang lưu thông trên quốc lộ 1 thuộc quận Thủ Đức.

Qua kiểm tra đơn vị phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại như keo xịt tóc, phấn trang điểm, phấn mắt... nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo cán bộ QLTT, lượng hàng nhập lậu dạng này chủ yếu được tuồn từ biên giới phía Bắc vào thị trường trong nước.

Tình hình vận chuyển hàng nhập lậu hiện nay diễn ra với quy mô lớn, đối tượng đi từng xe tải vào sâu trong nội địa. Những mặt hàng này được tập kết tại các khu vực vùng ven, sau đó xé lẻ đưa vào các shop thời trang, trung tâm thương mại bày bán công khai.

Thông thường nói đến hàng dỏm, hàng nhái, người tiêu dùng nghĩ đến những sản phẩm bày bán tràn lan, đổ đống ở những khu vực vùng ven, thế nhưng thời gian gần đây những mặt hàng dỏm đã “đổ bộ” vào các trung tâm thương mại, khu mua sắm cao cấp tại Q.1, Q.3.

Trong tháng 10/2012, lực lượng QLTT TP.HCM triển khai hàng loạt đợt kiểm tra tại khu vực chợ Bến Thành, trung tâm thương mại Sài Gòn Square, khu vực shop kinh doanh trên đường Bùi Viện (Q.1)...phát hiện hàng ngàn sản phẩm balô, túi xách, áo khoác giả mạo nhãn hiệu The North Face (Mỹ), Jack Wolfskin, Lacoste...

Những sản phẩm này có kiểu dáng, nhãn mác giống hệt hàng thật với giá 500.000-700.000 đồng/chiếc (chỉ bằng 2/3 hoặc một nửa giá hàng thật) nên được người tiêu dùng chọn mua nhiều.

Đặc biệt, vừa qua đội QLTT 3A (Chi cục QLTT TP.HCM) đã phát hiện ba cơ sở sản xuất áo thun (Q.Tân Phú) giả nhái nhãn hiệu, thu giữ khoảng 20.000 áo thun thành phẩm và bán thành phẩm gắn mác Lacoste cùng máy móc liên quan.

Tại thời điểm kiểm tra, QLTT phát hiện, thu giữ hơn 6.000 áo thun ghi hiệu Lacoste gắn mác “made in France”, hàng chục ngàn áo thun dạng bán thành phẩm, hơn 300kg nhãn sản phẩm giả mạo... Đại diện nhãn hàng Lacoste tại VN cho biết ba đơn vị sản xuất hàng giả này đã phải đền bù thiệt hại cho Lacoste số tiền lên đến 120.000 USD.

Ông Trịnh Quốc Khánh, phó đội trưởng đội 4 Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, cho biết hàng giả hiện nay không chỉ lén lút đi qua khu vực biên giới mà “liều lĩnh” nhập khẩu cả container qua cảng.

Cụ thể mới đây đơn vị tiến hành thu giữ và quyết định tiêu hủy một container gồm gần 10.000 sản phẩm hàng giả do một công ty ở quận Bình Tân nhập về qua cảng Cát Lái. Lượng hàng giả này hầu hết là sản phẩm vali, túi xách hàng hiệu của các hãng nổi tiếng như Louis Vuitton, Montblanc, Longchamp...

“Bóp nghẹt” hàng trong nước

Ông Lý Thành Sinh - giám đốc Công ty Minh Long Hưng (TP.HCM), đơn vị chuyên hàng may mặc - cho biết: Hàng giả, hàng nhái hiện nay đang “bóp nghẹt” các loại hàng hóa sản xuất trong nước. Hiện hàng Trung Quốc bị tồn đọng rất nhiều, doanh nghiệp phía họ cũng tranh thủ tìm mọi cách đẩy được hàng đi. Ngoài ra, chỉ riêng quần áo thời trang, ông Sinh cho rằng nguyên liệu vải của Trung Quốc đang thấp hơn rất nhiều so với nguyên liệu trong nước, cho nên khi quần áo của Trung Quốc có chất lượng kém, giả, nhái, đội lốt hàng trong nước tràn vào thị trường đã gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp trong nước.

Vào cao điểm của đợt bán hàng tết, trong khi doanh nghiệp trong nước đang rơi vào thế khó và trông chờ vào những tháng cuối năm để đẩy được hàng tồn thì lại “gặp” rất nhiều hàng nhập lậu, hàng giả, nhái đua nhau lộng hành thị trường gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong nước.

 
Theo Lê Sơn - Dũng Tuấn
Tuổi trẻ