Hàn Quốc và bài học kinh tế: Chuyển đổi số là động lực chuyển đổi xanh
(Dân trí) - Những thành quả, kinh nghiệm trong thực hiện chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc bổ ích cho Việt Nam, có thể tận dụng, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022 diễn ra ngày 18/10, các chuyên gia đã cùng thảo luận về bức tranh kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh và sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Giảng viên cao cấp, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nhận định Việt Nam là nước đang phát triển nên mục tiêu phát triển kinh tế được đặt hàng đầu. Trong đó, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là nhiệm vụ được ưu tiên để phát triển kinh tế, ai cũng có thể nhận thức được.
Về vấn đề phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam và Hàn Quốc, những thành quả và kinh nghiệm trong thực hiện Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc bổ ích cho các nước đang phát triển như Việt Nam, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn An Thịnh nhắc lại việc Việt Nam đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chính sách tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển xanh của Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đạt được kế hoạch đặt ra, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo ông Thịnh, cần xác định chuyển đổi số là động lực chuyển đổi xanh. Bởi đại đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp Việt kiều trên thế giới, phần nhiều cũng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó đặt ra một rào cản là phải làm sao để những doanh nghiệp Việt đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chứ không chỉ doanh nghiệp lớn.
Ông Thịnh lưu ý vai trò của Nhà nước quan trọng trong vấn đề chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh. Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện các tiêu chuẩn về môi trường, mức phát thải và cân đối dựa trên đặc thù mỗi địa phương, doanh nghiệp...
"Có những địa phương cần đặt ra nhu cầu phát thải cao hơn. Có những doanh nghiệp có thể đáp ứng quy chuẩn khắt khe hơn", ông nói.
Tiến sĩ kinh tế Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định trung tâm chuyển đổi số vẫn là để phát triển bền vững. "Đây không chỉ là xu thế thời đại mà là xu thế bắt buộc. Việt Nam là một trong những nước có chiến lược phát triển Quốc gia về kinh tế số sớm".
Theo ông Đạt, Hàn Quốc và nước đi trước có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không chỉ học được bài học về thương mại đầu tư mà còn là hợp tác đầu tư.
GS.TS Lee Keunjae đến từ Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) nhận định chuyển đổi số là một trong những mảng mà quốc gia nào cũng nỗ lực hoàn thành tốt.
Ông cho rằng mặc dù về chuyển đổi số, Hàn Quốc chưa phải là nước dẫn đầu nhưng bài học chuyển đổi số của Hàn Quốc phù hợp cho Việt Nam tham khảo. "Cần xác định có thể mở rộng chuyển đổi số tới mức nào, xác định phạm vi, mức độ, tiêu chuyển đổi số gắn với từng mảng, lĩnh vực", ông nói.
Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao 30 năm và là đối tác chiến lược toàn diện. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu quốc gia, hơn 1/2 trong tổng số là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc (trong đó có Samsung Việt Nam).
Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động địa phương. Hàn Quốc hiện đã đầu tư tại 59 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tháng 5/2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố kế hoạch tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bằng cách tăng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tới năm 2025 cho các dự án thân thiện môi trường và bảo vệ khí hậu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA), quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Hàn không chỉ lớn về quy mô, có thể tính ra bằng số công ăn việc làm hay đóng góp cho tăng trưởng, mà còn lớn hơn ở giá trị vô hình như văn hóa, công nghệ, mô hình phát triển và điều hành...
"Việt Nam tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của cả thế giới, nhưng kinh nghiệm của Hàn Quốc với "kỳ tích sông Hàn" có lẽ là mô hình tương đối phù hợp với khát vọng "kỳ tích sông Hồng" của Việt Nam", ông Lộc nói.