1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàn Quốc hỗ trợ Quảng Nam khôi phục lụa Mã Châu

(Dân trí) - Nhằm hỗ trợ tỉnh Quảng Nam khôi phục lại nghề dệt lụa Mã Châu nổi tiếng một thời, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, Hiệp hội xúc tiến sáng chế Hàn Quốc đã tài trợ cho tỉnh Quảng Nam để vực dậy nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu này.

Ngày 28/11, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Việt Nam, Hiệp hội xúc tiến sáng chế Hàn Quốc đã tiến hành bàn giao máy móc và tổng kết dự án hỗ trợ này.

Máy dệt lụa được hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc bàn giao cho làng lụa Mã Châu
Máy dệt lụa được hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc bàn giao cho làng lụa Mã Châu

Nghề trồng dâu, nuôi tằm tại tỉnh Quảng Nam với lịch sử hơn 500 năm, đây là nghề truyền thống đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nên sản phẩm có chất lượng và danh tiếng một thời, giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân; đồng thời đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống Việt.

Các địa phương có truyền thống và điều kiện thuận lợi phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ven sông Vu Gia – Thu Bồn gồm các huyện, thị Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn và TP Hội An.

Sản phẩm lụa Mã Châu được dệt từ những máy dệt do Hàn Quốc hỗ trợ
Sản phẩm lụa Mã Châu được dệt từ những máy dệt do Hàn Quốc hỗ trợ

Các sản phẩm tơ lụa Quảng Nam đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tuy nhiên, do biến động về giá cả thị trường, công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đầu tư đổi mới, xúc tiến thương mại chưa tốt nên trong một thời gian dài, sự phát triển của nghề này gặp khó khăn, có nguy cơ mai một.

Nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu sẽ khôi phục trong tương lai?
Nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu sẽ khôi phục trong tương lai?

Theo thống kê hiện nay, tại các địa phương chỉ còn một số ít hộ dân còn theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, người dân chưa bắt kịp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên trong hoạt động sản xuất vẫn còn mang tính cầm chừng.

Người trồng dâu của địa phương hầu như chưa tiếp cận được nhiều với những công nghệ dệt nhuộm để tạo ra sản phẩm có năng xuất cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng như cầu của thị trường, nên dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân thấp.

Sản phẩm lụa Mã Châu được trưng bày
Sản phẩm lụa Mã Châu được trưng bày

Gần đây, thị trường tiêu thụ đã có nhiều tín hiệu tốt, người tiêu dùng hướng về sản phẩm thiên nhiên, tạo ra nhiều cơ hội để phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm của địa phương.

Trước những biến động của thị trường cũng như kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Quảng Nam đang có các chủ trương và xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân khôi phục phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương.

Vấn đề đặt ra là song song với việc khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương thì cần phải tìm được đầu ra và chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm, tránh lặp lại tình trạng bế tắc về thị trường của sản phẩm.

Để giải quyết được bài toán này bắt buộc các cơ sở sản xuất phải tiếp cận được công nghệ mới trong sản xuất dệt nhuộm, tạo dựng riêng cho mình một thương hiệu để phát triển thị trường.

Dệt lụa Mã Châu ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Xuất phát từ những lý do này, thông qua Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất dự án chia sẻ sở hữu trí tuệ và đã nhận được sự thống nhất hỗ trợ từ Hàn Quốc từ tháng 5/2018.

Theo đó, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Hiệp hội xúc tiến sáng chế Hàn Quốc đã hỗ trợ máy dệt thoi, thiết kế logo, xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lụa Mã Châu, xây dựng phương án quảng bá thương hiệu cho sản phẩm lụa Mã Châu… với số tiền khoảng 200 ngàn USD.

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho rằng, sự tài trợ từ phía Hàn Quốc bước đầu đem lại một số hiệu quả nhất định. “Dự án góp phần vào quan hệ giao lưu, hợp tác toàn diện trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế - xã hội đang rất tốt đẹp giữa các địa phương ở Hàn Quốc với tỉnh Quảng Nam”, ông Tân phát biểu.

Chia sẻ với PV Dân trí tại buổi bàn giao, ông Park Si Young – Trưởng phòng, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc – cho hay, ông rất hạnh phúc với những thành quả của dự án tại địa phương. Ông hy vọng làng lụa Mã Châu của huyện Duy Xuyên sẽ được tái sinh trong thời gian tới và vượt qua ngoài biên giới Việt Nam và Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ dự án trong thời gian đến.

Ông tin tưởng làng lụa Mã Châu sẽ được khôi phục? Ông Park khẳng định: “Điều đó là đương nhiên rồi. Dự án “nhỏ nhoi” này chỉ là một bước đệm trong quá trình phục hồi và chấn hưng của ngành dệt lụa tỉnh Quảng Nam. Để có thể phát triển hơn những thành quả của dự án mang lại là nhờ vào sự hỗ trợ và nỗ lực của chính quyền cũng như người dân địa phương”.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm