ĐBSCL:
Hạn hán, xâm nhập mặn khiến rơm đắt như… tôm tươi
(Dân trí) - Mấy tháng nay, giá rơm khô ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng giá do hạn hán, xâm nhập mặn khiến hàng loạt các cánh đồng bị mất mùa.
Hiện tại, giá rơm tại chợ rơm gần cống đập Ba Lai (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã tăng từ 17 ngàn đồng lên 23 đến 24 ngàn đồng/bó (1 bó khoảng 14 kg) nhưng có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Ông Lê Văn Hiền, ngụ huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Tôi vừa chở 1.000 bó rơm từ Đồng Tháp qua đây bán trong buổi sáng là hết sạch. Bây giờ rơm đắt như… tôm tươi vì nhu cầu nuôi bò của bà con trong vùng rất lớn. Trước đây rơm dùng để lót hàng nông sản trên xe tải, làm thức ăn cho bò nhưng gần đây giá rất đắt nên chủ yếu chỉ làm thức ăn cho bò”.
Khi đến tay người tiêu dùng, giá rơm đã đội lên từ 26 đến 30 ngàn đồng/bó, tùy theo đoạn đường vận chuyển gần hay xa. Ông Hồ Văn Nết, ngụ xã Tân Xuân (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi có chiếc xe công nông mỗi ngày chở hơn 100 bó rơm bán cho bà con trong vùng để cho bò ăn. Năm nay các cánh đồng ở huyện Ba Tri mất mùa do hạn hán, xâm nhập mặn nên nguồn rơm không có đành phải mua với giá cao”.
Theo ông Nết, bây giờ các cánh đồng cỏ hầu như bị “thiêu rụi” nên người chăn nuôi chủ yếu cho bò ăn rơm để cầm cự qua mùa khô hạn nên giá rơm cũng tăng từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, ngụ Tân Mỹ (Ba Tri, Bến Tre) cho biết: “Tôi nuôi 4 con bò, bình thường mỗi ngày tốn 4 bó rơm. Tuy nhiên, gần đây giá rơm tăng nên buộc phải bớt lại còn 2 bó mỗi ngày và phải tìm nguồn thức ăn khác như lục bình, cây bắp (ngô), lá cây… để cho bò ăn thêm. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn như thế này chắc chắn giá sẽ còn tăng gây khó khăn cho người chăn nuôi”.
Người dân huyện Ba Tri từ lâu đã biết tận dụng nguồn rơm để làm thức ăn cho bò. Mỗi mùa vụ, sau khi thu hoạch lúa, số rơm trên đồng sẽ được gom lại rồi chở về nhà để chất thành đống cho bò ăn quanh năm. Thế nhưng, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo sạ 11.200 ha thì thiệt hại hơn 8.000 ha nên rơm làm thức ăn cho bò cũng bị thiếu hụt trầm trọng.
Hiện tại, nguồn rơm chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… về các vùng chăn nuôi bò lớn ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang để tiêu thụ. Ông Nguyễn Công Lý, ngụ Phương Thịnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Tôi có 5 chiếc máy gặt đập liên hợp đi gặt lúa thuê ở hầu hết các cánh đồng trong vùng. Trước đây, người nông dân thường bỏ rơm trên đồng rồi đốt để sản xuất vụ kế tiếp nhưng gần đây hầu như chiếc máy gặt nào cũng có thêm chiếc máy cuộn rơm đi phía sau để thu hoạch hết nguồn rơm đem bán cho thương lái”.
Theo ông Lý, giá rơm tăng cao là do vận chuyển đường xa và qua quá nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng.
Minh Giang