Hầm dìm Thủ Thiêm và tương lai vàng cho một khu đô thị hiện đại

Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Một bán đảo hoang sơ giống như một nàng công chúa đang ngủ bỗng một ngày đẹp trời choàng tỉnh dậy bởi nụ hôn say đắm của hoàng tử. Một Thủ Thiêm đang bừng bừng chuyển mình cho cuộc hồi sinh…

Hơn hai mươi năm trước, Phố Đông (Trung Quốc) là một vùng đất nghèo được bao bọc xung quanh bởi con sông Hoàng Phố. Vậy nhưng, giờ đây, khu đất cằn trên dòng sông đầy gió nước này đã trở thành một biểu tượng của Trung Hoa Đại lục, nối lền hai bờ Đông và Tây của thành phố Thượng Hải.

Hầm dìm Thủ Thiêm và tương lai vàng cho một khu đô thị hiện đại  - 1

Có thể, câu chuyện về Phố Đông chỉ là chuyện xứ người, nhưng nó làm ta liên tưởng đến Thủ Thiêm – một ốc đảo gần như cô lập với TP.HCM vì giao thông trắc trở, một vùng đất nghèo khiêm nhường lặng lẽ giữa dòng sông Sài Gòn. Trong những ngày gần đây, bán đảo hoang sơ này đang bừng tỉnh với dự án hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.
 
Một bán đảo hoang sơ giống như một nàng công chúa đang ngủ bỗng một ngày đẹp trời choàng tỉnh dậy bởi nụ hôn say đắm của hoàng tử. Một Thủ Thiêm đang bừng bừng chuyển mình cho cuộc hồi sinh…
 
Câu chuyện hầm dìm trên thế giới
 
Trên thế giới, việc xây dựng và sử dụng hầm dìm dưới lòng sông hoặc biển không phải là điều gì đó ngoài sức tưởng tượng. Hẳn bạn cũng đã từng nghe nói đến các dự án đường ngầm qua sông hoặc biển nổi tiếng như dự án Seikan Tunnel của Nhật Bản với chiều dài 53.85 km nối hai hòn đảo Honshu và Hokkaido, dự án Rotherhithe Tunnel nối Rotherhithe và Wapping hay Eurotunnel với chiều dài 38km nối Folkestone, (Anh) với Coquelles (Pháp).
 
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, hầm dìm Thủ Thiêm quả là một kỳ công, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của một quốc gia nông nghiệp đang từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thế giới.
 
Kể từ khi tồn tại nền văn minh loài người, hầm ngầm đã được xây dựng phục vụ cho mục đích lưu thông dưới lòng đất, lòng sông. Người La Mã được biết đến như những thợ xây hầm ngầm lành nghề trên thế giới.
 
Người Ấn Độ và cư dân vùng Địa Trung Hải cũng được biết đến như những “chiến binh” đào hầm ngầm với các công cụ đào đất và cưa đá bằng đồng. Phương pháp thi công hở hiện đang được sử dụng trong các dự án ngầm đã được loài người sử dụng 4000 năm trước tại Babylon.
 
Kênh đào ngầm đầu tiên với chiều dài 160m được thực hiện tại Pháp vào năm 1681. Còn dự án đường ngầm Rotherhithe được bắt đầu xây dựng từ năm 1825. Ý tưởng đầu tiên về việc đào một đường ngầm qua biển Manche được Albert Mathieu - một kỹ sư người Pháp - phát triển vào năm 1802, tuy nhiên, công việc này chỉ thực sự được bắt đầu vào cuối năm 1870 và kết thúc vào năm 1994, cho phép cả xe lửa lẫn xe hơi đều có thể lưu hành từ Anh qua Pháp.
 
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 105 hầm ngầm, trong đó hơn 30 là hầm dìm, phổ biến ở Nhật Bản, Hồng Kông, Thượng Hải, Australia, Mỹ, Anh... Riêng tại khu vực Đông Nam Á, cho đến thời điểm này, với dự án hầm dìm Thủ Thiêm, Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng hầm ngầm qua sông.
 
Hầm dìm Thủ Thiêm và tương lai vàng của một đô thị xanh trên sông
 
Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là một trong những dự án lớn của Quận 2 với chiều dài 1,49 km, trong đó, tổng chiều dài đoạn hầm dìm dưới sông là 380 m, phần dẫn lên bờ dài 770m, đảm bảo cho 6 làn xe lưu thông và có hai đường thoát hiểm cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, chống cháy, đo đạc độ ô nhiễm không khí và hệ thống đếm xe...
 
Đoạn hầm dìm này được chia thành 4 đốt hầm với chiều rộng của mỗi đốt 33 m, cao 9 m, dài 92 m và được đúc tại bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai, cách vị trí xây dựng hầm khoảng 20 km theo đường thủy dọc sông Sài Gòn.
 
Trong sơ đồ phát triển cơ sở hạ tầng của khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngoài đại lộ Đông Tây với 12 làn đường dành cho xe cơ giới và dự án hầm dìm Thủ Thiêm còn có các dự án giao thông quy mô khác với 5 cây cầu chiến lược, nối bán đảo Thủ Thiêm với các khu vực trọng yếu khác của TPHCM: cầu Thủ Thiêm nối với quận Bình Thạnh; cầu Phú Mỹ nối với Quận 7; cầu Thủ Thiêm, hai cầu Sài Gòn mới và cầu Trần Não nối trung tâm thành phố với Quận 2 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
 
Như vậy, với sự hiện diện của hầm dìm cùng 5 cây cầu trọng yếu như là các trục giao thông quan trọng, trong đó, đại lộ Đông-Tây được coi là điểm nhấn quan trọng nhất của cửa ngõ đi vào bán đảo, thủ Thiêm sẽ được kết nối với Quận 1 và các khu vực khác của thành phố, mang lại dáng vẻ văn minh, hiện đại cho một bán đảo đậm chất Nam Bộ, một đô thị xanh trên dòng sông Sài Gòn. Ngoài ra, bến du thuyền cùng sự hiện diện của các loại “tắc xi nước” cũng sẽ tạo ra nét đặc biệt cho khu đô thị sinh thái này.
 
Từng ngày, cùng với các sự kiện thông xe cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ hay Đại lộ Đông - Tây, hình hài của một khu đô thị hiện đại trên sông đang dần hiển hiện. Không phải là một Venice cổ kính của Italy với những con thuyền gỗ kiểu cổ có mũi cong ngạo nghễ bồng bềnh lướt nhẹ trên các dòng kênh, Thủ Thiêm mang đậm bản sắc của một vùng sông nước nhiệt đới với những thảm thực vật xanh biếc, những kênh rạch chằng chịt tạo ra một môi trường sinh thái độc nhất vô nhị mà khó một khu đô thị nào có thể có được.
 
Nơi đây, xen lẫn với các tòa nhà cao tầng, ngân hàng, trường học, bệnh viện, khu dân cư… đạt chuẩn quốc tế sẽ là những sông, hồ, kênh lạch tự nhiên được gìn giữ gần như nguyên trạng, đảm bảo một không gian mở thoáng đãng cho cư dân của bán đảo.
 
Trong khi các mô hình đô thị sinh thái đang trở thành xu hướng chính trong lĩnh vực xây dựng nhưng không phải dự án nào cũng có thể đáp ứng được tiêu chí này thì Thủ Thiêm lại được thiên nhiên ban tặng một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để trở thành một khu đô thị xanh mang bản sắc của nền “văn hóa sông nước” Nam Bộ, nơi con người thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ và sông nước hữu tình.
 
Một Phố Đông của TPHCM đang dần hiện hình trên dòng sông Sài Gòn.